Bất cập những “bản phố” ở Bắc Kạn

Cập nhật: 30/09/2019

VOV.VN -Việc quy hoạch, bố trí dân cư thiếu hợp lý khiến cho cuộc sống đồng bào các khu tái định cư tại khu vực nông thôn ở Bắc Kạn gặp nhiều khó khăn.

Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng các khu tái định cư tại khu vực nông thôn nhằm ổn định đời sống cho người dân thuộc diện di dời, giải phóng mặt bằng hoặc các vùng nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở…

Tuy nhiên, việc quy hoạch, bố trí dân cư thiếu hợp lý khiến cho cuộc sống đồng bào gặp nhiều khó khăn.

bat cap nhung "ban pho" o bac kan hinh 1
Dãy "phố bản" với những ngôi nhà san sát được dựng lên tại khu tái định cư Đồn Đèn,xã Khang Ninh, huyện Ba Bể.

Khu tái định cư thôn Đồn Đèn, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể được bắt đầu đưa vào sử dụng từ năm 2004 dành cho vài chục hộ dân, chủ yếu là đồng bào Mông di dời khỏi vùng đệm, vùng lõi Vườn Quốc gia Ba Bể. Sau 15 năm đến nơi ở mới, 100% hộ dân thôn Đồn Đèn vẫn nghèo, nhiều ngôi nhà xập xệ, công trình nước sạch hư hỏng.

Theo bà con, cuộc sống ở nơi tái định cư khó khăn một phần vì ít ruộng đất canh tác, nhưng mặt khác, quy hoạch theo kiểu "nhà nọ nối sát nhà kia" như một dãy phố cũng khiến bà con không có diện tích xây dựng chuồng trại chăn nuôi, công trình vệ sinh.

Anh Hầu Văn Vàng, một trong những hộ dân đến Đồn Đèn sớm nhất cho biết:“Trước kia ở quê, mỗi nhà cách nhau xa, nên việc chăn nuôi dễ hơn. Bây giờ về đây nơi ở mới rất tốt rồi nhưng nhà ở sát nhau, ở gần nên muốn chăn gà, vãi ngô một cái là gà cả làng đều đến ăn. Chật chội quá, dịch bệnh gia cầm lây lan, gà chết rất nhiều”.

bat cap nhung "ban pho" o bac kan hinh 2
Hơn 15 năm về nơi ở mới, 100% hộ dân thôn Đồn Đèn vẫn nghèo, nhiều ngôi nhà xập xệ, công trình nước sạch hư hỏng.

Còn gia đình anh Dương Văn Đại thì may mắn hơn khi vẫn tận dụng được mảnh đất nhỏ phía sau nhà để làm chuồng nuôi trâu. Thế nhưng, việc để chuồng trại ngay sát nhà ở cũng không dễ chịu gì.

“Mình cũng không có đất đai nhiều nên phải làm cạnh gần nhà, gần thế này có nhiều mối, sâu và mùi hôi. Nhưng cũng cố chịu thôi vì cũng không có đất để chuyển ra xa...”, anh Văn Đại chia sẻ.

Cách Đồn Đèn vài km là thôn tái định cư Khau Ban, cũng thuộc xã Khang Ninh. Đây là khu tái định cư được xây dựng cho gần 60 hộ dân thuộc thôn Tà Kèn, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể phải di dời phục vụ công trình thủy điện Na Hang, Tuyên Quang từ năm 2003 với kinh phí ở thời điểm đó lên đến hơn 30 tỉ đồng. Giống như Đồn Đèn, thôn Khau Ban cũng bố trí nhà dân dọc hai bên đường như 1 tuyến phố nên nhiều hộ dân đã bỏ đi, cả thôn hiện chỉ có 26 gia đình.

Không chỉ bất hợp lý về mặt kiến trúc, quy hoạch mà cả chục năm qua, các thôn tái định cư này vẫn chưa được bàn giao hồ sơ đất đai cho chính quyềnđịa phương quản lý.

bat cap nhung "ban pho" o bac kan hinh 3
Nhiều hộ dân tại khu tái định cư Phiêng Luông, xã Công Bằng, huyện Pác Nặm phải làm chuồng trâu, bò ngay trước cửa nhà.

Ông Hoàng Văn Cường, Trưởng thôn Khau Ban, xã Khang Ninh nói:“Nếu 58 hộ lên đây hết thì riêng đất ruộng cũng không đủ, kể cả đất lâm nghiệp. Bây giờ sống sát nhau nhiều hộ cũng phức tạp, vì chuồng trại không đủ chỗ làm, xây dựng cách xa nhà cũng không thể được”.

Không chỉ Đồn Đèn, Khau Ban mà hàng chục khu tái định cư nông thôn tại Bắc Kạn được xây dựng những năm qua đều giống nhau về cách bố trí dân cư, xây dựng nhà cửa như những ngõ phố.

Điều này rõ ràng không phù hợp với thói quen sản xuất của người dân, đặc biệt là vấn đề vệ sinh môi trường nếu xây dựng chuồng trại chăn nuôi, bởi phần lớn mỗi hộ chỉ có từ 150 đến 200m2 đất ở, các hộ dân buộc phải làm chuồng trâu, nhà vệ sinh ngay lối ra vào cửa.

Với đồng bào miền núi, bên cạnh ruộng, nương thì không thể thiếu chuồng trại chăn nuôi hay mảnh vườn trồng rau để cải thiện đời sống, tăng thêm nhu nhập. Các khu tái định cư nông thôn hiện nay tại Bắc Kạn lại được quy hoạch, xây dựng theo kiểu "bản phố" thì rõ ràng là chưa hợp lý, khiến người dân khó có thể an cư tại nơi ở mới./.

Từ khóa: bản phố ở Bắc Kạn, quy hoạch ở Bắc Kạn, bố trí dân cư ở Bắc Kạn

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập