Bảo vệ thi công dự án nâng cấp Quốc lộ 19 qua Bình Định
Cập nhật: 05/11/2024
Khu vực Hà Nội trời rét, nhiệt độ thấp nhất 12 độ C
Công trình trái phép ở Bình Thuận: Nếu không tự tháo dỡ sẽ cưỡng chế
VOV.VN- Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Định giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng thuộc dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đoạn qua tỉnh này.
Từ ngày 4 đến ngày 6/11, các ngành chức năng huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định cùng Ban Quản lý dự án 2, Bộ Giao thông Vận tải - chủ đầu tư dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đoạn qua tỉnh Bình Định tổ chức bảo vệ thi công tại các điểm nghẽn, vướng mặt bằng trên Quốc lộ 19. Đây là chặng “nước rút” để dự án về đích trước 31/12/2024 khi không thể gia hạn dự án.
Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên qua huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định dài 17 km. UBND huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đã bàn giao cho chủ đầu tư và đơn vị thi công toàn bộ mặt bằng tuyến chính và một số đường gom. Đến nay, các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án này cơ bản đã chấp hành di dời, công tác giải phóng mặt bằng trên tuyến cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số hộ chưa đồng ý mức bồi thường nên chưa chịu giao mặt bằng, một số khác chưa nhận tiền bảo hiểm chi trả do nứt nhà. Sáng 4/11, các cơ quan chức năng huyện Tây Sơn và Ban Quản lý dự án 2, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức bảo vệ thi công ở 2 đầu cầu Bàu Sen thuộc thôn Tả Giang 1, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn để nhà thầu đổ cấp phối đá dăm mặt đường và thảm nhựa đường.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định cho biết, thời gian qua có một số người dân sống dọc Quốc lộ 19 ra cản trở thi công dẫn đến chưa hoàn thành nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 19. Việc bảo vệ thi công tại khu vực 2 đầu cầu Bàu Sen nhằm đảm bảo đưa gói thầu XL-01, dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên về đích đúng tiến độ.
“Trong quá trình bảo vệ thi công có một số người dân ra cản trở. Chúng tôi cũng thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động, giải thích với bà con rằng tuyến đường chính không có trong phạm vi ảnh hưởng nhà của người dân. Tuy nhiên một số người dân nằm trên bãi đất gây cản trở quá trình thi công. Chúng tôi cũng đã mời những người này về trụ sở UBND xã Tây Giang để tiếp tục tuyên truyền vận động để đơn vị tiến hành thi công", ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn thông tin.
Dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên được khởi công tháng 6/2021, có chiều dài hơn 143 km đi qua 2 tỉnh Bình Định, Gia Lai. Tổng mức đầu tư của dự án 155,8 triệu USD, trong đó vay Ngân hàng Thế giới (WB) 150 triệu USD. Hơn 3 năm thi công, hiện 7/8 gói thầu đã hoàn thành. Gói thầu XL-01 còn lại qua 2 xã Tây Thuận, Tây Giang, huyện Tây Sơn, Bình Định chậm tiến độ và còn nhiều vướng mắc về mặt bằng buộc dự án phải gia hạn đến hết tháng 12/2024. Từ quý III năm nay, Ban Quản lý dự án 2, Bộ Giao thông Vận tải và nhà thầu thi công gói thầu XL-01 tập trung người và phương tiện đẩy nhanh tiến độ. Vào lúc cao điểm, trên công trường có khoảng 200 công nhân, 100 máy móc các loại thi công từ cầu Bàu Sen đến đỉnh đèo An Khê.
Ông Cao Văn Hòa, đại diện Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam, Giám đốc điều hành gói thầu XL-01, dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên cho biết, gói thầu này đã hoàn thành hơn 91% khối lượng, một số vị trí chưa hoàn thành đang được tập trung thực hiện là đoạn hạ cốt nền trên đèo An Khê, khu vực cầu Bàu Sen và đổ đất khu vực mố M1 cầu Ba La.
“Quá trình thi công đảm bảo xe đi lại bình thường. Nhà thầu cũng phối hợp tốt với chính quyền, một mặt huy động đầy đủ phương tiện xe máy, thiết bị, nhân lực thi công. Đối với mặt đường nhỏ vừa thi công vừa đảm bảo giao thông thì không thể huy động con số quá lớn được làm sao với thời tiết nắng ráo thì làm nhanh nhất có thể”, ông Cao Văn Hòa cam kết.
Ngày 17/10, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Định giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng thuộc dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đoạn qua tỉnh này. Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị tỉnh Bình Định trước ngày 15/11 phải giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng, đảm bảo thực hiện dự án theo cam kết tiến độ. Liên quan vấn đề này, ngày 29/10/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã có văn bản giao UBND huyện Tây Sơn khẩn trương lập kế hoạch chi tiết, khả thi để triển khai công tác giải phóng mặt bằng đối với toàn bộ khối lượng còn vướng mắc, đảm bảo hoàn thành dứt điểm trước ngày 5/11/2024.
Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc điều hành dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên cho biết, hiện nay các vị trí có mặt bằng đã cơ bản thi công hoàn thành. Đơn vị đang cùng với nhà thầu đẩy nhanh thi công các vị trí được chính quyền địa phương bảo vệ thi công.
“Đối với phần diện tích còn một số vướng mắc thời gian vừa qua thì địa phương với cả Ban quản lý dự án 2 và đơn vị thi công đã vận động các hộ dân triển khai thi công được phần rãnh thoát nước. Chỉ còn bảo vệ hai đầu cầu Bàu Sen, tranh thủ sự ủng hộ của địa phương cũng như sự ủng hộ của toàn ban chỉ đạo, công tác bảo vệ thi công, chúng tôi sẽ đẩy nhanh công tác triển khai thi công đoạn ngày, cố gắng từ 1 đến 2 ngày sẽ hoàn thành", ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc điều hành dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên cho biết thêm.
Thực tế sau khi nâng cấp, Quốc lộ 19, đoạn qua xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định mặt nền đường cao hơn rất nhiều so với nền nhà người dân. Nhiều ngôi nhà lọt thỏm bên đường, một số vị trí mặt đường cao bằng nóc nhà người dân. Trong thời gian thi công mở rộng Quốc lộ 19, nhà thầu thi công chậm, sinh hoạt người dân sống dọc 2 bên Quốc lộ 19 bị đảo lộn. Vì thế, chủ đầu tư và nhà thầu cần sớm hoàn thành đưa dự án về đích đúng tiến độ và không làm đảo lộn sinh hoạt của người dân 2 bên tuyến.
Từ khóa: quốc lộ 19, Bình Định,Quốc lộ 19,dự án,nâng cấp,Tây Sơn,Giao thông Vận tải ,Tây Nguyên,thi công,giải phóng mặt bằng
Thể loại: Xã hội
Tác giả: thanh thắng/ vov-miền trung
Nguồn tin: VOVVN