Bão số 6 sẽ vào bờ rạng sáng 24/9, nguy cơ ngập lụt cho nhiều địa phương

Cập nhật: 23/09/2021

VOV.VN - Dự báo, đêm nay (23/9) và rạng sáng mai, bão số 6 di chuyển vào bờ sẽ gây ra mưa lớn, cảnh báo ngập lụt tại nhiều địa phương trong vùng ảnh hưởng.

Nhiều địa phương có nguy cơ ngập lụt do bão số 6

Chiều 23/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã chủ trì họp khẩn của Ban Chỉ đạo để triển khai các biện pháp ứng phó bão số 6. Cuộc họp được kết nối trực tuyến với các điểm cầu: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Theo báo cáo của bộ đội biên phòng, tính đến 15h ngày 23/9, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 44.810 phương tiện/245.233 lao động. Các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã cấm biển.

Về tình hình lồng bè, nuôi trồng thủy sản (các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định: 6.113 ô lồng), hiện các tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng phương án di chuyển theo thực tế diễn biến của bão.

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, vào lúc 16h chiều 23/9, bão số 6 đang giật cấp 10, cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 145km.

"Theo dự báo của Hong Kong, bão mạnh nhất khi ở gần bờ và mạnh cấp 8, đổ bộ vào đêm 24/9. Đài Hoa Kỳ nhận định, bão mạnh nhất cấp 8, cập bờ vào tối nay. Đài Nhật Bản cũng dự báo mạnh nhất cấp 8 nhưng bão sẽ đổ bộ vào sáng 24/9. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo bão sẽ đạt cường độ mạnh nhất là cấp 8, giật cấp 10 trên vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Bão sẽ đổ bộ trong thời điểm triều thấp nhưng ngoài khơi vẫn có sóng cao 2-4m, ven bờ 2-3m, do đó các tàu cá, khu neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng hải sản ven biển; sạt lở bờ biển ở khu vực xung yếu có thể bị ảnh hưởng", ông Khiêm nhận định.

Về khả năng mưa lớn, ông Khiêm cho biết, hiện nay các tỉnh Trung Bộ đã có mưa 50 - 100mm, có nơi trên 130mm. Từ đêm nay đến ngày 24/9, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa to đến rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến 150 - 250mm, có nơi trên 300mm. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100 - 150mm, có nơi trên 200mm. Từ ngày 24 đến 25/9, ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50 - 100mm, có nơi trên 150mm.

Lũ thượng lưu các sông ở Hà Tĩnh, các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Bình Định lên mức báo động BĐ1 và trên BĐ1, hạ lưu các sông ở Hà Tĩnh còn dưới BĐ1; các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Gia Lai lên mức BĐ1 - BĐ2, có sông trên BĐ2; các sông ở Kon Tum lên mức BĐ2 - BĐ3, có sông trên BĐ3.

Với kịch bản mưa lũ trên, ông Khiêm cảnh báo 32 huyện và khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và Kon Tum có nguy cơ ngập lụt. Ngoài ra, dự báo sẽ có khoảng 30 huyện tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Chủ động triển khai các biện pháp ứng phó

Phát biểu tổng kết, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao công tác chuẩn bị tại các địa phương trong vùng ảnh hưởng. Mặc dù trong thời gian rất ngắn nhưng các địa phương đã chuyển trạng thái từ áp thấp nhiệt đới sang bão rất nhanh, triển khai đồng bộ các giải pháp, từ việc kêu gọi tàu thuyền ngoài biển về các khu tránh bão vào các khu an toàn..."Như vậy là chúng ta đã chuẩn bị khá bài bản, không có hiện tượng chủ quan, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Chỉ đạo: "Xác định đây là cơn bão được hình thành ngay trên Biển Đông, theo đánh giá có nhiều diễn biến bất thường, di chuyển vào đất liền rất nhanh. Chính vì vậy, cần phải dự báo, lên phương án ứng phó vừa chính xác vừa kịp thời, để triển khai tới các địa phương thống nhất, đạt hiệu quả. Trong bối cảnh các địa phương, dự báo bão sẽ vào đều có dịch bệnh, đòi hỏi phải kết hợp vừa phòng, chống thiên tai với phòng, chống dịch bệnh để đảm bảo giảm nhẹ rủi ro do thiên tai và về dịch bệnh".

Phó Thủ tướng đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT cũng như Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bám sát từng giờ để có những dự báo chính xác, phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin kịp thời đến với người dân. Thông tin, kiểm đếm, kêu gọi, hướng dẫn cho các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, khu vực xung yếu vào tránh trú an toàn.

"Các địa phương cần lên phương án những khu vực có thể phải di dân đánh giá tình hình để cân đối di chuyển người dân vào nơi tránh trú cần thiết nhưng phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Có thể xét nghiệm trước và trong thời gian di dời đến nơi tránh trú", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thông báo kịp thời đến người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Theo dõi chặt chẽ lượng lưu lượng đến các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước để chủ động vận hành điều tiết và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình và hạ du.

Rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thấp trũng. Sẵn sàng triển khai phương án di dời dân đảm bảo an toàn về người và tài sản, đồng thời an toàn phòng dịch COVID-19.

Sẵn sàng triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm tràn, khu vực nguy cơ ngập sâu; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông trên các trục chính.

Duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban PCTT 24/24h, thường xuyên báo cáo khi có tình huống xảy ra./.

Từ khóa: Bão số 6, hướng đi của bão số 6, thời tiết 24h, nhiệt độ ngày mai, thời tiết hôm nay, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập