Bão nhỏ, cột điện gãy đổ nhiều: Tạm dừng sử dụng cột bê tông dự ứng lực.

Cập nhật: 22/09/2020

VOV.VN - Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa chỉ đạo tạm dừng sử dụng loại cột bê tông dự ứng lực để nghiên cứu đánh giá lại chất lượng của cột điện này. Tổng Công ty Điện lực miền Trung cũng đang khẩn trương rà soát, báo cáo Bộ Công thương về tình hình này.

Sau cơn bão số 5, điều khiến dư luận băn khoăn bão không lớn sao rất nhiều cột điện bị gãy, đổ?. Nhiều cột điện khi bị gãy ngang lộ ra những lõi thép nhỏ. Số cột điện bị hư hỏng cũng được cho là nhiều chưa từng thấy sau một trận mưa bão tại tỉnh Thừa Thiên-Huế trong vòng 10 năm lại đây. Người có trách nhiệm ở ngành điện cho biết, cột không có lõi thép như bình thường là loại cột bê tông dự ứng lực theo tiêu chuẩn của Việt Nam. Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa chỉ đạo tạm dừng sử dụng loại cột bê tông dự ứng lực để nghiên cứu đánh giá lại chất lượng của cột điện này. Tổng Công ty Điện lực miền Trung cũng đang khẩn trương rà soát, báo cáo Bộ Công thương về tình hình này. 

Trong cơn bão số 5, tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều cột điện gãy đổ. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và TP Đà Nẵng cũng có một số cột điện gãy, đổ nhưng không đáng kể. Ông Hà Thanh Long, Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cho biết: Đến nay vẫn chưa thể đánh giá hết những thiệt hại của ngành điện. Có những vị trí cột hiện nay ngâm sâu dưới nước, một số vị trí cây xanh phủ lên, phải đến tận nơi, dọn dẹp ra mới biết được mức độ hư hỏng.

Qua đánh giá sơ bộ, bão số 5 đã làm 408 cột gãy, đổ, gần 60 cột nghiêng. Theo ông Hà Thanh Long, cột điện sản xuất theo công nghệ dự ứng lực là công nghệ mới giòn hơn loại cột điện đúc theo công nghệ cũ. Loại cột này nhẹ, dễ vận chuyện, lắp đặt, chi phí thấp. Cột điện loại cũ dẻo hơn nhưng giá đắt hơn so với cột điện dự ứng lực. Từ năm 2016, khi có cột bê tông dự ứng lực theo tiêu chuẩn Việt Nam VN 5847, Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế sử dụng toàn bộ cột loại này. Ông Long giải thích, bão số 5 nói là bão nhỏ nhưng có những lúc bão giật xoắn nên gây đổ gãy. Giải thích về tình trạng cột điện ly tâm dự ứng lực bị hư hỏng rất nhiều, ông Hà Thanh Long cho rằng: Sở dĩ có tình trạng như vậy là do không lường trước khả năng chống chịu cây xanh đổ ngã vào hệ thống cột điện. Cây xanh đổ ngã vào đường điện hàng loạt là nguyên nhân khiến hệ thống cột bị hư hỏng rất nhiều.

Ông Hà Thanh Long cho biết thêm, trước mưa bão, ngành điện đã cố gắng mé nhành, tỉa cây xanh nhưng việc cắt tỉa cây cũng rất khó khăn bởi cần có sự đồng thuận của người dân, sự cho phép của Trung tâm viên Công viên cây xanh Huế và cơ quan quản lý nhà nước chứ không đơn thuần, ngành điện thích tỉa là làm. Theo ông Hà Thanh Long, đơn vị đã nhận được chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc tạm dừng sử dụng cột bê tông dự ứng lực tại tỉnh Thừa Thiên Huế, chờ xem xét, đánh giá cụ thể về vấn đề này.

"Chúng tôi nhận được văn bản chỉ đạo của đồng chí Dương Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn, do điều kiện thực tiễn hiện nay, thực sự điều kiện tự nhiên của chúng ta càng ngày càng thay đổi mang tính chất đột biến. Cho nên áp dụng khoa học công nghệ cũng phải phù hợp từng thời điểm. Việc áp dụng này chúng tôi đang nghiên cứu và đồng chí Chủ tịch đã khuyến cáo phải bám vào tiêu chuẩn Việt Nam nhưng phải linh hoạt trong bố trí để đảm bảo tính chất an toàn trong cung cấp điện", ông Long cho hay.

Về thông tin có sự chênh lệch nhau giữa số lượng cột điện ở Thừa Thiên Huế bị gãy đổ, ông Nguyễn Thành, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung cho biết, thông tin vừa qua có những sai số so với thực tế. Theo ông Thành qua kiểm đếm, cơn bão số 5 đi qua tỉnh Thừa Thiên Huế làm 272 cột điện bị gãy, số còn lại là bị đổ và nghiêng, không phải thay thế. Trong số 272 cột điện gãy, có 30 cột loại dự ứng lực, 242 cột loại bê tông bình thường, trong đó 163 cột hạ thế. Sáng nay (22/9), ông Hà Thanh Long, Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cũng xác nhận với phóng viên VOV là bão số 5 đã làm 408 cột điện gãy, đổ, trong đó có 272 cột điện bị gãy ngang. Về đặc tính cột điện ly tâm dự ứng lực được cho là có đặc tính giòn; cột đúc truyền thống có đặc tính dẻo, khó gãy đổ hơn.

Ông Nguyễn Thành, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Miền Trung cho biết: "Hồi năm 2017 cũng đã nghiên cứu một lần rồi ở Khánh Hòa và Quảng Bình. Sau khi bão đi qua, cột điện gãy đổ nhiều quá, mới cử đoàn công tác gồm các chuyên gia đi làm rất kỹ cả tháng trời ở những nơi gãy đổ đó. Cuối cùng thì xác định cột bê tông dự ứng lực gãy đổ ít hơn cột bê tông bình thường, do tâm bão đi qua hoặc cây đè lên thôi. Hiện Tổng Công ty đang đánh giá gấp để gửi Bộ Công thương đây. Đánh giá thực trạng ở Huế, bao nhiêu cột gãy vì cây đè, bao nhiêu cột gãy vì gió mạnh. Và cái nào là cột dự ứng lực, cái nào là bình thường để báo cáo ra Bộ Công thương gấp".

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, ngành điện cần đánh giá một cách thấu đáo để trả lời công chúng về tình trạng cột điện gãy đổ nhiều do bão số 5: "Chúng tôi thiết nghĩ rằng công ty điện lực, các cơ quan kiểm định của ngành điện phải đánh giá một cách thấu đáo để trả lời cho công chúng, đặc biệt là làm sao phải đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Tuy nhiên chúng ta phải nhìn nhận khách quan rằng, phần lớn cột điện gãy đổ thì do hệ thống cây xanh gãy đổ kéo theo. Tuy nhiên chúng ta đánh giá khách quan độ an toàn về chất lượng. Tôi nghĩ các cơ quan chức năng của ngành điện sẽ công khai để giám định chất lượng"./.

Từ khóa:

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập