Báo Mỹ:Phát hiện 2 cơ sở ngầm bí mật trong khu hạt nhân của Triều Tiên

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Ảnh vệ tinh cho thấy sự tồn tại 2 cơ sở ngầm bí mật bên trong khu hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên giữa lúc đàm phán Mỹ-Triều đang bấp bênh.

Trong khi tương lai các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn còn bấp bênh, hình ảnh vệ tinh một khu hạt nhân của Triều Tiên cho thấy sự tồn tại của 2 cơ sở ngầm bí mật tại đây.

bao my:phat hien 2 co so ngam bi mat trong khu hat nhan cua trieu tien hinh 1
Hình ảnh vệ tinh cho thấy một điểm sản xuất tên lửa của Triều Tiên mà các cơ quan tình báo Mỹ phát hiện đang có hoạt động xây dựng. Ảnh: Reuters

Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Hạt nhân Yongbyon, nằm cách phía bắc Bình Nhưỡng gần 100 km từ lâu đã bị nghi ngờ là nơi đặt các cơ sở này. Tuy nhiên, việc xác định được các lối vào đường hầm và các ụ đất đã chứng minh cho sự tồn tại của chúng.

"Mặc dù không thể biết rõ được mục đích của chúng là để làm gì nhưng việc chúng được đặt trong phạm vi an ninh của Yongbyon và được ngụy trang để che giấu sự tồn tại đã cho thấy những cơ sở này sẽ là đối tượng đáng quan tâm đối với các đội thanh sát trong tương lai", các nhà quan sát trên website chuyên phân tích về Triều Tiên 38 North nhận định.

Có nhiều đồn đoán cho rằng các cơ sở ngầm này có thể là các trung tâm làm giàu urani. Từ lâu các chuyên gia đã tin là Triều Tiên vẫn có khả năng làm giàu urani bên ngoài cơ sở ở Yongbyon như đã tuyên bố - nơi sản xuất nguyên liệu hạt nhân cho 6 vụ thử vũ khí của Triều Tiên dưới thời ông Kim Jong Un.

Các nhà phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) còn tiết lộ về sự tồn tại của một cơ sở bí mật khác, còn được gọi là căn cứ vận hành tên lửa Kumchon-ni vào đầu tháng 9/2019. Căn cứ này được cho là có nhiệm vụ đối phó với các mục tiêu tấn công từ phía nam Nhật Bản và một số khu vực của Hàn Quốc trong thời chiến.

CSIS cũng tìm ra một căn cứ tên lửa đạn đạo nữa của Triều Tiên hồi tháng 1/2019. Nằm cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc 260 km về phía tây bắc, căn cứ này được cho là trụ sở của lực lượng tên lửa chiến lược của Triều Tiên.

"Mặc dù ngoại giao là điều cần thiết và nên là giải pháp chủ yếu để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, song bất kỳ thỏa thuận tương lai nào đều phải tính tới các cơ sở căn cứ tên lửa đang vận hành, vốn là mối đe dọa với an ninh Mỹ và Hàn Quốc", báo cáo của CSIS cho biết.

Bất chấp các cuộc đàm phán chững lại từ đầu năm nay, Tổng thống Trump hôm 20/9 đã lên tiếng ca ngợi về mối quan hệ giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

"Tôi nghĩ điều tốt nhất đã đến với đất nước này, ít nhất trong 3 năm qua là việc tôi có một mối quan hệ vô cùng tốt đẹp với ông Kim Jong Un", ông Trump khẳng định với báo giới.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn hoài nghi về khả năng tiến trình đàm phán với ông Kim Jong Un sẽ đạt được thành công.

"Chúng hãy xem điều gì sẽ xảy ra. Nó có thể hiệu quả, có thể không. Nhưng trong thời gian này ông ấy đã không tiến hành bất kỳ vụ thử hạt nhân nào nữa", ông Trump cho biết./.

Từ khóa: ảnh vệ tinh, cơ sở bí mật, khu hạt nhân Triều Tiên, đàm phán Mỹ Triều, phi hạt nhân hóa

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập