Báo Mỹ: Công nhân Việt Nam sẵn sàng ngủ tại nhà máy để đảm bảo chuỗi cung ứng

Cập nhật: 15/08/2021

VOV.VN - Tờ Bloomberg (Mỹ) vừa có bài viết nói về quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh của Việt Nam, bao gồm việc công nhân nhà máy đối tác Apple sẵn sàng ngủ lại ở công ty để phòng dịch và duy trì chuỗi cung ứng.

Bloomberg viết rằng Việt Nam đang hứng chịu sự bùng phát mạnh của các ca nhiễm Covid-19. Cách đây nhiều năm, sức khỏe của công nhân các nhà máy ở Việt Nam có thể không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế toàn cầu, tuy nhiên giờ đây Việt Nam đã trở thành một khu vực công nghệ toàn cầu, nơi các công ty như Apple và Samsung ký hợp đồng với các nhà sản xuất để chế tạo một số thiết bị phổ biến nhất của họ.

Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam, 150.000 công nhân các dây chuyền lắp ráp ở các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đã quyết định sinh hoạt trong các khu công nghiệp để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh. Khu vực này là trung tâm sản xuất quan trọng, là nơi tập trung các nhà cung cấp quan trọng của Apple và Samsung. Hàng nghìn công nhân đã ngủ ngay trong nhà máy mà họ làm việc.

Ví dụ, tại TP Hồ Chí Minh, 22 công ty với lực lượng lao động tổng hợp 25.000 người đã sử dụng nhà máy của họ để cho phép một số lượng không xác định công nhân ngủ lại. Báo cáo từ Bloomberg cho biết các công nhân đang ngủ trên những chiếc giường tầng kim loại có trải chiếu tre. Lều cũng đã được dựng trên nền xi măng và công nhân được cách ly cho đến khi họ có kết quả âm tính sau khi trở về nhà.

Nguyễn Thị Mai, 28 tuổi, một công nhân đã làm việc tại một nhà cung cấp của Samsung ở Bắc Giang được hai năm chia sẻ: “Thật kỳ lạ khi sống trong một nhà máy và hơi khó ngủ lúc đầu. Nhưng tôi và các đồng nghiệp hiểu rằng điều đó là cần thiết và chỉ là tạm thời”.

Bên cạnh việc cố gắng sắp xếp việc ngủ nghỉ cho công nhân, chính phủ Việt Nam đang nỗ lực để đảm bảo rằng ngày càng nhiều công nhân nhà máy được tiêm vắc-xin Covid-19, trong đó có 400.000 mũi tiêm đã được dành cho nhân viên Samsung và công nhân tại các nhà cung cấp toàn cầu khác ở các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Tính đến đầu tháng 6, 4% trong tổng số 98 triệu dân Việt Nam đã được tiêm chủng. Chính phủ hy vọng sẽ tiêm phòng cho 75% dân số trước khi kết thúc năm 2021 để có thể tạo miễn dịch cộng đồng.

Bloomberg cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia làm rất tốt trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19 trong giai đoạn đầu, tuy nhiên kể từ cuối tháng 4 năm nay, số ca nhiễm Covid-19 đã tăng lên nhanh chóng. Do đó các nhà máy tạm thời bị đóng cửa, bao gồm cả những nhà máy của Foxconn Technology Group và Luxshare Precision Industry Co, trong đó Luxshare là nhà sản xuất tạo ra hầu hết các sản phẩm AirPods của Apple.

Chính vì vậy, việc cho phép các công nhân ngủ lại công ty sẽ giúp các công nhân có thể tiếp tục được tiền lương ngay cả khi nhiều nơi bị phong tỏa. Lê Thanh Hòa, một nhân viên 25 tuổi, cho biết “Chúng tôi ngủ trong lều của công ty dựng trên nền nhà máy. Thỉnh thoảng tôi nhớ bố mẹ nhưng thực ra ngủ trong nhà máy khá tuyệt vì chúng tôi có máy lạnh 24/24, không giống như nhà tôi ở rất nóng bức”.

Được biết, chính phủ đã làm việc với các công ty như Luxshare để các công ty này tìm cách sắp xếp cho công nhân của họ được ngủ ngay tại nhà máy hay trong ký túc xá và phải được xét nghiệm hàng tuần. Ông Nguyễn Đại Lượng, Chủ tịch HĐND huyện Việt Yên (Bắc Giang) cho rằng điều này “đã giúp ngăn chặn đáng kể virus lây lan và giúp các nhà máy nhanh chóng hoạt động trở lại”.

Foxconn, công ty đang xem xét chuyển sản xuất một số mẫu iPad sang Việt Nam, nói rằng họ đã “hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam để đảm bảo rằng chúng tôi có thể tuân thủ tất cả các yêu cầu liên quan đến sức khỏe cộng đồng”.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam, cho biết điều quan trọng là phải ưu tiên công nhân nhà máy khi việc tiêm chủng được mở rộng. Ông nói thêm rằng cần phải giữ cho tác động kinh tế của virus ở mức thấp nhất có thể./.

Từ khóa: Covid-19, đại dịch, chuỗi cung ứng, Việt Nam, phòng chống dịch bệnh, công nhân

Thể loại: Khoa học - Công nghệ

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập