Bảo hiểm qua kênh ngân hàng: đa lợi ích nhưng lại lắm gian truân (04/07/2024)

Cập nhật: 2 ngày trước

Hơn 20 nghìn tỷ đồng là số tiền 3 công ty Bảo hiểm Agribank, Bảo hiểm Vietinbank và Bảo hiểm BIDV chi trả bồi thường cho các khách hàng gặp rủi ro trong 10 năm qua qua kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, giúp các tổ chức tín dụng tránh được khoản nợ xấu, khách hàng giảm gánh nặng nợ nần.

Bảo hiểm vốn vay: lợi ích cho cả người vay, ngân hàng và xã hội

Hơn 20 nghìn tỷ đồng là số tiền 3 công ty bảo hiểm Agribank, Bảo hiểm Vietinbank và Bảo hiểm BIDV chi trả bồi thường cho các khách hàng gặp rủi ro trong 10 năm qua. Trong số này phần lớn là các khách hàng vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Nếu không có khoản tiền bảo hiểm bồi thường thì khoản nợ đó sẽ là nợ xấu của ngân hàng, gây rủi ro cho hệ thống tín dụng và là gánh nặng rất lớn đối với khách hàng. Lợi ích rất rõ như vậy nhưng thời gian qua xã hội chưa có cái nhìn đúng về Bảo hiểm. Bà Lê Thị Quỳnh Hoa, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm VietinBank chia sẻ với báo chí trong cuộc tọa đàm “Hiểu đúng về phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng Bancassurance” diễn ra chiều qua tại Hà Nội.

Lãnh đạo 3 Công ty bảo hiểm tham gia Tọa đàm

Theo bà Lê Thị Quỳnh Hoa, phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng là loại hình phân phối bảo hiểm hiện đại ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Kênh phân phối này có hai nhóm sản phẩm chính. Thứ nhất, là nhóm dịch vụ bảo hiểm bảo vệ hoạt động an toàn của hệ thống ngân hàng và cho khách hàng vay vốn. Đó là các sản phẩm bảo hiểm bảo vệ tài sản đảm bảo như: xe cộ, nhà xưởng, máy móc thiết bị và sức khỏe, tính mạng của người vay. Sau khi vay vốn, chẳng may khách hàng gặp rủi ro, hoặc hàng hóa bị mất mát, bảo hiểm đứng ra chi trả toàn bộ khoản vay đó thay cho khách hàng. Như vậy Ngân hàng không bị nợ xấu, hệ thống hoạt động an toàn; khách hàng lại không mất đi tài sản lớn.

Bổ sung thêm về các dịch vụ bảo hiểm này, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Bảo hiểm Agribank cho biết: còn một lợi ích khác là không làm nghèo hóa gia đình khách hàng vay vốn. Đơn cử, khi vay chẳng may khách hàng qua đời, nếu có bảo hiểm thì sẽ được công ty bảo hiểm chi trả toàn bộ khoản vay, tài sản của gia đình đó không bị ngân hàng phát mãi để thu hồi nợ, người thân của họ cũng không bị ngân hàng đánh hệ số tín dụng thấp, nên tiếp tục được vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Ngược lại nếu không có bảo hiểm, khi chẳng may người vay vốn tử nạn, không có người trả nợ, ngân hàng sẽ phát mãi tài sản là nhà cửa đất đai của khách hàng. Khi đó người thân của khách hàng bị bần cùng hóa và nghèo thêm. Ở ABIC, chỉ hai năm qua đơn vị này chi trả bồi thường bảo hiểm trong lĩnh vực Tam nông là 1500 tỷ đồng, giúp hàng triệu nông dân không bị chuyển sang nợ xấu hoặc phát mãi tài sản.

Nhóm thứ 2 trong phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng Bancassurance là sản phẩm dịch vụ tăng thêm giá trị cho khách hàng và tăng thu phí cho ngân hàng. Đơn cử như loại hình bảo hiểm nhân thọ. Đây không phải là dòng bảo hiểm đảm bảo an toàn vốn. Theo bà Hoa, khi những sản phẩm này ra đời thì hoạt động Bancassurance sôi động hơn rất nhiều. Nhưng cũng có hoạt động tiêu cực là thời gian vừa qua, các nhân viên ngân hàng thấy bán bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng vay tương đối dễ vì khách hàng đi vay thì ép luôn mua bảo hiểm để được giải ngân. Thực trạng này là có ở một số ngân hàng, một số công ty bảo hiểm và ở một số dịch vụ, cần được xử lý nghiêm và giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, không vì thế mà đánh đồng các loại hình bảo hiểm, công ty bảo hiểm đều là xấu – bà Hoa chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Tiến Hải khuyến nghị, cần làm sáng tỏ, minh bạch các vấn đề còn tồn tại trong ngành bảo hiểm để những doanh nghiệp chân chính có thể tiếp tục triển khai bảo hiểm, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bảo hiểm phi nhân thọ bị “tai bay vạ gió”

Bà Bùi Thị Thanh Xuân, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành, Bảo hiểm Vietinbank cho biết, dư địa thị trường bảo hiểm ở Việt Nam còn rất lớn, thể hiện sự tăng trưởng tốt trong những năm qua từ 10-15% mỗi năm. Tuy nhiên, năm qua, từ những sai sót của một số đơn vị bảo hiểm nhân thọ mà ảnh hưởng lòng tin của khách hàng. Đâu đó khách hàng e ngại với loại hình bảo hiểm nhân thọ và lan tỏa tiêu cực sang cả bảo hiểm phi nhân thọ. Thị trường bảo hiểm bị đánh đồng khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính, nhiều loại hình bảo hiểm mang tính chất an sinh xã hội, đảm bảo chia sẻ rủi ro như vừa nêu ở trên bị đánh đồng và gặp vô vàn khó khăn. Tăng trưởng sụt giảm nghiêm trọng xuống còn 2-3%, nhiều đơn vị có tăng trưởng âm.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Agribank cảm thán: chưa bao giờ ngành bảo hiểm gặp “cú sốc” và khủng hoảng lớn như hiện nay!

Theo các chuyên gia, điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới ngành bảo hiểm nói riêng mà còn ảnh hưởng tới cả ngành ngân hàng và tốc độ giải ngân vốn cho nền kinh tế nói chung. Bởi khi khách hàng không tham gia bảo hiểm cho khoản vay vốn thì cán bộ ngân hàng thường ngại ký duyệt cho vay. Vì khi chẳng may có rủi ro, không có bảo hiểm gánh, khoản vay đó thành nợ xấu của ngân hàng, người ký lại phải chịu trách nhiệm.

Khó khăn vẫn chưa qua

Khi người dân khách hàng nhận ra lợi ích của bảo hiểm phi nhân thọ, không bị đánh đồng với bảo hiểm nhân thọ, thậm chí là sản phẩm liên kết đầu tư của một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ, kinh tế cũng dần phục hồi sau covid 19, các công ty bảo hiểm bắt đầu phục hồi thì lại gặp khó khăn vướng mắc mới. Đó là Luật các Tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 trong đó khoản 5 Điều 15 quy định nghiêm cấm: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”. Theo ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Bảo hiểm Agribank, quy định này khiến mỗi tổ chức tín dụng hiểu một cách khác nhau, khách hàng cũng hiểu khác nhau nên hoạt động bảo hiểm qua kênh ngân hàng bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Có ngân hàng thì hiểu chỉ những dịch vụ bảo hiểm tăng giá trị gia tăng như bảo hiểm nhân thọ thì ngân hàng không được phép bán kèm theo hợp đồng tín dụng, còn các loại bảo hiểm bảo đảm an toàn vốn cho ngân hàng và người vay thì vẫn triển khai bình thường. Ngược lại có lãnh đạo ngân hàng lại hiểu là luật quy định cấm toàn bộ hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm BIC của BIDV mong muốn “Khi luật ban hành thì các cơ quan ban ngành sớm ban hành Thông tư hướng dẫn để các doanh nghiệp, người dân dễ dàng thực hiện. Cụ thể, đối với Luật các tổ chức tín dụng chúng tôi rất mong ngân hàng Nhà nước sớm ban hành thông tư hướng dẫn. Cái gì kèm cái gì không kèm, cái gì nghiêm cấm (sản phẩm dịch vụ bảo hiểm nào Ngân hàng được phép bán kèm, sản phẩm dịch vụ bảo hiểm nào nghiêm cấm ngân hàng làm đại lý –pv) thì nên nêu rõ để các công ty bảo hiểm, tổ chức tín dụng thực hiện đúng, các công ty sẽ tuân thủ nghiêm, còn bây giờ mọi thứ đều chung chung nên không ai dám làm gì, hậu quả là cả ngành bảo hiểm bị đình trệ”.

Thanh Trường/VOV1

Từ khóa: #bảo hiểm #tọa đàm

Thể loại: Thời sự

Tác giả:

Nguồn tin: VOV1

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập