Báo động tình trạng tấn công mã độc nhằm vào các bệnh viện trên toàn cầu

Cập nhật: 09/11/2024

VOV.VN - Tấn công nhằm vào các bệnh viện dưới bất kỳ hình thức nào đều là hành động bị cả thế giới lên án. Tuy nhiên, các vụ tấn công, đặc biệt là tấn công bằng mã độc đang có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới.

Đây là cảnh báo của các cơ quan Liên hợp quốc tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc hôm qua (8/11).

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ, tấn công bằng mã độc là hình thức tấn công mạng nhằm vào dữ liệu của nạn nhân  từ cá nhân, công ty đến các tổ chức quan trọng, trong đó tin tặc mã hóa dữ liệu và yêu cầu tiền chuộc để khôi phục. Những cuộc tấn công này, khi nhằm vào các bệnh viện có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về tính mạng con người.

Ông Ghebreyesus cho biết: "Chúng ta hãy làm rõ ngay từ đầu rằng tấn công bằng mã độc và các cuộc tấn công mạng khác vào bệnh viện và các cơ sở y tế khác không chỉ là vấn đề về an ninh và bảo mật; chúng có thể là vấn đề liên quan đến sự sống và cái chết".

Theo khảo sát của Liên hợp quốc, các cuộc tấn công vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã tăng lên về cả quy mô và tần suất. Trong một cuộc khảo sát toàn cầu năm 2021, hơn một phần ba số người được hỏi đã báo cáo rằng họ đã bị tấn bằng mã độc ít nhất một lần trong năm trước và một phần ba trong số đó đã trả tiền chuộc. Tuy nhiên, ngay cả khi đã trả tiền chuộc, 31% số người được hỏi vẫn không lấy lại được quyền truy cập vào dữ liệu được mã hóa của họ.

Tấn công bằng mã độc không chỉ là một vấn đề về kỹ thuật, mà còn là vấn đề nhân đạo khi những cuộc tấn công mã độc cản trở hoạt động chăm sóc sức khỏe thiết yếu, đẩy người bệnh vào tình trạng nguy hiểm. Riêng tại Mỹ, chỉ trong năm 2023, Chính phủ Mỹ đã phát hiện hơn 1.500 vụ việc liên quan đến tấn công bằng mã độc, với yêu cầu trả khoản tiền chuộc lên đến hơn 1,1 tỷ USD. Đây là mức tăng đáng kể so với năm 2022 và tăng gấp mười lần so với năm 2018 và tăng gấp 100 lần so với năm 2014.

Bà Anne Neuberger, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia về Công nghệ Mạng và Mới nổi tại Nhà Trắng cho biết: "Các chuyên gia y tế ước tính rằng các cuộc tấn công bằng phần mềm tống tiền là nguyên nhân gây ra cái chết của hàng chục bệnh nhân trong hệ thống chăm sóc y tế của Mỹ từ năm 2016 đến năm 2022. Dữ liệu gần đây hơn xác nhận rằng tỷ lệ tử vong tại các bệnh viện tăng lên khi bệnh viện bị tấn công mạng".

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị, hơn 50 quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản, Argentina, Pháp, Đức, và Anh, ký kết cảnh báo rằng những cuộc tấn công này không chỉ đe dọa an ninh công cộng mà còn gây tổn hại kinh tế, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Tuyên bố kêu gọi các quốc gia hành động để ngăn chặn hành vị độc hại này.

Ông Stavros Lambrinidis, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Liên hợp quốc nhấn mạnh: "Chúng tôi đang hành động bằng mọi biện pháp có thể để chống lại những kẻ cố tình phá hoại các dịch vụ quan trọng. Chúng tôi cũng kêu gọi mạnh mẽ tất cả các quốc gia tuân thủ khuôn khổ của Liên hợp quốc về hành vi có trách nhiệm của nhà nước, không cho phép sử dụng trong lãnh thổ của mình cho các hoạt động trực tuyến như vậy và phản hồi các yêu cầu thích hợp để giảm thiểu các hoạt động như vậy".

Từ khóa: bệnh viện, bệnh viện, tấn công bằng mã độc, Liên hợp quốc

Thể loại: Thế giới

Tác giả: hồng nhung/vov1 (tổng hợp)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập