Báo động tình trạng bắt cóc trẻ em – cảnh giác chưa bao giờ là thừa

Cập nhật: 22/10/2023

VOV.VN - Gần đây, cả nước xảy ra liên tiếp nhiều vụ bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản. Đau lòng hơn đã xảy ra trường hợp hung thủ bắt cóc tống tiền rồi ra tay sát hại “con tin” khiến dư luận bàng hoàng lo sợ... Chế tài đã có nhưng vì sao những vụ bắt cóc trẻ em vẫn liên tiếp xảy ra?

Bắt cóc trẻ em để tống tiền

Trong 2 tháng vừa qua, cả nước đã xảy ra liên tiếp 3 vụ bắt cóc trẻ em để tống tiền. Cụ thể, vào ngày 2/10, tại Long An đã xảy ra vụ bắt cóc bé gái 3 tuổi, đòi tiền chuộc 2 tỉ đồng. Trước đó, vào chiều ngày 19/9, tại Hà Nội xảy ra một vụ bắt cóc một bé gái 21 tháng tuổi đòi 1,5 tỷ đồng tiền chuộc, nhưng đau lòng hơn hung thủ sợ bại lộ nên đã ra tay sát hại cháu bé rồi tự sát. Cách đó không lâu tại Hà Nội cũng xảy ra vụ bắt cóc bé 7 tuổi, đòi 15 tỷ đồng tiền chuộc...

Tình trạng bắt cóc trẻ em chiếm đoạt tài sản ngày càng gia tăng khiến cho người dân vô cùng lo lắng:

"Mình thấy rất bức xúc về trước tình trạng này, bọn bắt cóc tống tiền ngày càng có những hành động rất manh động. Nó gây hoang mang cho các phụ huynh có con nhỏ".

"Xã hội bây giờ rất là nhức nhối về chuyện bắt cóc trẻ em, rất là lo cho các cháu nên đi đâu thì tôi cũng dắt cháu chứ không dám để chúng đi một mình. Mình phải rất cảnh giác với những loại tội phạm này".

Theo Luật Sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM), hành vi bắt cóc trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật; tùy theo mục đích, tình tiết thực hiện hành vi phạm tội:

“Theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015 và sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định là người nào có hành vi bắt cóc trẻ em tùy theo mục đích tình tiết thực hiện hành vi phạm tội mà có thể cấu thành những tội danh sau đây: tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi theo điều 153; thứ 2 là tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo điều 169, thứ 3 là tội mua bán người dưới 16 tuổi theo điều 151; cuối cùng là bắt cóc con tin theo quy định điều 301. Theo đó, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt từ 2 - 20 năm tù hoặc chung thân. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 10 -100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu 1 phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Mặc dù chế tài xử phạt đã có nhưng tình trạng bắt cóc trẻ em tống tiền vẫn diễn ra và có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Lý giải nguyên nhân, chuyên gia tâm lý tội phạm, TS Đoàn Văn Báu, Trường ĐH An ninh nhân dân cho rằng: do động cơ cá nhân và ảnh hưởng của cơ chế “ám thị xã hội”: “Trong các vụ bắt cóc tống tiền thì động cơ là vì tiền và mục đích cưỡng đoạt được một số tiền nhất định. Nhưng mà có rất nhiều người sẽ ngạc nhiên vì sao xảy ra liên tiếp 3 vụ bắt cóc trẻ em như vậy? Qua nghiên cứu thì tôi thấy rằng là nó bị ảnh hưởng bởi cơ chế ám thị xã hội. Cái vụ sau thường bị ám thị xã hội bởi những vụ trước. Tức là khi một người nào đó gặp khó khăn, thì người ta nghĩ ngay đến làm gì để có tiền và hình ảnh của vụ bắt cóc trước nó quá là ấn tượng nên họ sẽ suy nghĩ ngay đến bắt cóc trẻ em để tống tiền”.

Cùng chung quan điểm, chuyên gia tâm lý xã hội GS TS Vũ Gia Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hoá – Du lịch cũng cho rằng: nạn bắt cóc trẻ em tống tiền xảy ra liên tục trên địa bàn cả nước là do “tâm lý, hành vi lây lan”: “Khi hiện tượng trên mạng xã hội xuất hiện, nước ngoài trong những phim ảnh bắt cóc như vậy thì nhóm người thiếu tiền cũng nghĩ đến bắt chước cách của nước ngoài và trong phim ảnh. Đó là bắt chước nhau, một đứa này bắt cóc thành công hay không thành công nhưng mà nó gây ra hiện tượng thì lúc đấy những đứa bí quá trong sự phẫn uất, khó khăn tiền bạc rồi tâm lý bất ổn như vậy nó nghĩ ngay đến mưu đồ bắt cóc để mà tống tiền”.

Theo các chuyên gia, trước đây, những vụ bắt cóc tống tiền là do những băng nhóm tội phạm chuyên nghiệp thực hiện nhưng qua các vụ bắt cóc gần đây cho thấy đối tượng gây án lại là những người bình thường (gặp bế tắc về tài chính), là người quen, thân với gia đình nạn nhân và thủ đoạn các tội phạm sử dụng cũng rất đa dạng, tinh vi. Một trong những kịch bản phổ biến là khi trẻ chơi một mình ở nơi công cộng (siêu thị, trường học, khu dân cư…) hoặc đi cùng bố mẹ nhưng tách rời người lớn.

Phân tích tâm lý của loại tội phạm này, Chuyên gia tâm lý tội phạm, TS Đoàn Văn Báu, Trường ĐH An ninh nhân dân cho biết: “Thủ đoạn của các đối tượng là thường đòi tiền chuộc và sẽ cố để tránh được hành vi của mình bị bại lộ nên khi nào đối tượng cũng yêu cầu là gia đình không được báo công an. Nếu báo công an phát hiện ra sẽ giết chết con của họ. Thậm chí có những trường hợp không thành thì sẽ sát hại nạn nhân sau đó sẽ tự sát. Và khi thực hiện 1 cái hành vi bắt cóc thì bao giờ đối tượng cũng nghiên cứu rất rõ quy trình thực hiện giao nhận tiền ví dự như gọi điện thoại như thế nào để tránh bị định vị, giao nhận tiền như thế nào để tránh bị công an phát hiện rồi đe dọa gia đình nạn nhân như thế nào”.

Có thể thấy, những vụ án bắt cóc trẻ em xảy ra liên tiếp thời gian qua, ngoài sự manh động của tội phạm, một phần còn do sự chủ quan, bất cẩn, thờ ơ của gia đình, xã hội. Để ngăn ngừa sự “bén rễ” của loại tội phạm này, theo chuyên gia tâm lý xã hội GS TS Vũ Gia Hiền, điều quan trọng nhất là cần nâng cao tinh thần cảnh giác, nâng cao ý thức trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và xã hội trong việc bảo vệ, quản lý trẻ em. Trong trường hợp không may trở thành nạn nhân của các vụ bắt cóc tống tiền, các bậc phụ huynh cần hết sức bình tĩnh để có những xử lý khôn khéo:

“Tất cả chúng ta đều cảnh giá , xã hội cảnh giác đặc biệt là các cơ quan an ninh nêu cao cảnh giác nhắc nhở  người dân chú ý thêm một hiện tượng an ninh trật tự xã hội đó là hiện tượng bắt cóc để ngăn ngừa. Trường hợp, khi mà bị bắt cóc, cái quan trọng là phải bình tĩnh. Một mặt chúng ta phải bí mật báo với công an một mặt duy trì mối quan hệ tích cực với đối tượng bắt cóc để bảo vệ trẻ em bị bắt cóc", GS TS Vũ Gia Hiền cho biết.  

Báo động tình trạng bắt cóc trẻ em – cảnh giác chưa bao giờ là thừa

Nếu gõ từ khoá “bắt cóc trẻ em” trên nền tảng tìm kiếm google, chỉ trong chưa đầy 1 giây chúng ta có thể nhận về hơn 6 triệu kết quả liên quan. Trong đó, các vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây xuất hiện với tần suất đáng báo động.

Các thống kê cho thấy hầu hết những đối tượng thực hiện hành vi bắt cóc trẻ em đều nhận thức được mức độ nghiêm trọng cũng như các mức án có thể phải đối mặt, song trên thực tế các đối tượng vẫn thực hiện đến cùng, gây ra thiệt hại không nhỏ cho các nạn nhân cũng như tạo ra những mối hoang mang không nhỏ cho dư luận.

Tình trạng các vụ bắt cóc trẻ em xảy ra ngày một nhiều xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Đầu tiên là sự biến chất trong nhận thức của 1 thành phần xã hội bị ảnh hưởng từ các yếu tố như tâm lý ám thị, khó khăn túng quẫn về tài chính, tác động từ văn hoá không lành mạnh…Tuy nhiên, ở góc độ nào đó cũng có trách nhiệm từ chính các bậc làm cha mẹ, cũng như các tổ chức liên quan như nhà trường, các khu vực sinh hoạt công cộng…

Với sự bùng nổ của mạng xã hội, nhiều phụ huynh hình thành thói quen thích khoe con, khoe điều kiện gia đình cũng như dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân của gia đình mà không nghĩ đã gián tiếp tạo điều kiện cho các đối tượng xấu tiếp cận và thực hiện hành vi bắt cóc con em mình. Một số trường hợp, kẻ phạm tội là chính là người quen của gia đình, lợi dụng niềm tin cũng như sự lơ là mất cảnh giác mà ra tay ám hại.

Ở góc độ gia đình, các bậc phụ huynh cần tạo lập 1 hàng lang an toàn cho trẻ trước các tác động từ bên ngoài lẫn không gian mạng. Nhiều gia đình đã chọn cách lắp camera giám sát, điều này là cần thiết song cũng không vì thế mà lơ là, thiếu cảnh giác.

Các bậc cha mẹ cũng cần hạn chế đăng tải, cung cấp thông tin và đồng hành cùng con trong việc sử dụng internet để kịp thời phát hiện, hỗ trợ trẻ phòng tránh các nguy cơ bị lợi dụng trên mạng. Về phía nhà trường cũng cần thường xuyên có các hoạt động ngoại khoá để hướng dẫn trẻ một số kỹ năng cơ bản trong giao tiếp với người lạ, kỹ năng tự vệ, thoát hiểm trong tình huống bị kẻ xấu tiếp cận, bắt cóc…

Bắt cóc trẻ em để tống tiền hay vì mục đích nào khác đều là hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em, trực tiếp gây ra những dư chấn tâm lý tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển cũng như để lại hậu quả lâu dài cho trẻ.

Do vậy, công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác và đấu tranh với các thủ đoạn bắt cóc trẻ em là điều mà các cơ quan chức năng cần duy trì thường xuyên để nâng cao nhận thức cho mỗi cá nhân và toàn xã hội.

Từ khóa: bắt cóc trẻ em, ngăn ngừa bắt cóc, chiếm đoạt tài sản, chế tài, con tin, tống tiền

Thể loại: Giáo dục

Tác giả: diễm thúy/vov-giao thông

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập