Báo chí quốc tế ca ngợi "tâm, tài, đức" của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Cập nhật: 22/01/2022
VOV.VN - Nhiều hãng truyền thông quốc tế ca ngợi về công đức của Thiền sư Thích Nhất Hạnh khi đưa tin ông viên tịch mới đây.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, phường Thủy Xuân, TP Huế lúc 0h ngày 22/1, ở tuổi 96, theo cáo phó của tăng đoàn Làng Mai. Bản tin dẫn thông cáo của Cộng đồng Làng Mai vinh danh ông là “bậc thầy hướng dẫn tâm linh có công hạnh hoằng hóa rộng rãi và ảnh hưởng sâu dày trên khắp thế giới. Thiền sư đồng thời là một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ, một học giả, một sử gia và một nhà hoạt động hòa bình”.
Hàng loạt hãng thông tấn, tờ báo lớn trên thế giới đã đồng loạt đưa tin, bày tỏ tiếc thương và dành nhiều lời ca ngợi đối với Thiền sư. Cụ thể, Reuters dẫn lại thông báo của tăng đoàn Làng Mai, gọi thiền sư Thích Nhất Hạnh là một "nhà thơ, nhà hoạt động vì hòa bình".
Reuters cũng nhấn mạnh cuộc gặp giữa Thiền sư Thích Nhất Hạnh với mục sư Martin Luther King, nhà hoạt động nhân quyền có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Mỹ, vào những năm 1960 để truyền đi tiếng nói phản đối Chiến tranh Việt Nam. Mục sư Martin Luther King đã gọi thiền sư Thích Nhất Hạnh là "tông đồ của hòa bình và bất bạo động", đồng thời đề cử ông cho giải Nobel Hòa bình.
Tờ National Catholic Reporter chuyên về cộng đồng Công giáo cũng đưa tin về Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch và vinh dự gọi ông là “người thầy của tỉnh thức và phi bạo lực”.
AFP ca ngợi Thiền sư Thích Nhất Hạnh là "một trong những nhà Phật giáo có ảnh hưởng nhất thế giới". Hãng tin Pháp nhấn mạnh đóng góp của Thiền sư khi mang khái niệm "chánh niệm" tới phương Tây.
AFP đề cập việc ông đã viết hơn 100 quyển sách trong đó có nhiều quyển về thức tỉnh và thiền định, gây ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều người nổi tiếng như Oprah Winfrey, tác giả Arianna Huffington và tỉ phú công nghệ Marc Benioff.
Trong khi đó, tờ The New York Times gọi Thích Nhất Hạnh là thiền sư “có ảnh hưởng toàn cầu” và ứng dụng đạo Phật để thúc đẩy hòa bình, lan tỏa thông điệp thức tỉnh, lòng thương và không bạo lực.
Hãng tin AP (Mỹ) gọi ông là “vị thiền sư đáng kính, người đã đi tiên phong trong khái niệm chánh niệm ở phương Tây và Phật giáo gắn bó với xã hội ở phương Đông”.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tên thật là Nguyễn Xuân Bảo, sinh ngày 11/10/1926. Thích Nhất Hạnh không chỉ là một vị thiền sư mà còn là giảng viên, nhà thơ, nhà văn, nhà khảo cứu. Sinh thời, ngài là bậc chân tu, lãnh đạo Phật giáo có tầm ảnh hưởng lớn ở phương Tây và tích cực thúc đẩy vì hoà bình.
Trong một bài viết năm 2009 của AP, Thích Nhất Hạnh được đánh giá là lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma. Những lời dạy và phương pháp của Thiền sư thu hút sự quan tâm của nhiều thành phần đến từ các quan điểm tôn giáo, tâm linh và chính trị khác nhau. Ông đưa ra cách thực hành chánh niệm thường được điều chỉnh cho phù hợp với tri giác phương Tây.
Ông đã viết hơn 100 cuốn sách, trong đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh, với một số tác phẩm nổi bật như "Đường xưa mây trắng", "Phép lạ của sự tỉnh thức", "Hạnh phúc cầm tay", "Phật trong ta", "Chúa trong ta".../.
Từ khóa: Thích Nhất Hạnh, thiền sư Thích Nhất Hạnh, Thích Nhất Hạnh qua đời, truyền thông quốc tế, thích nhất hạnh viên tich, đạt lai lạt ma
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN