Báo Al-Ahram viết về Tết cổ truyền và thành quả kinh tế của Việt Nam

Cập nhật: 29/01/2020

VOV.VN - Tác giả bài báo cũng bày tỏ những cảm xúc đặc biệt khi được tham gia ngày Tết Việt Nam tại xứ sở của Kim Tự Tháp.

Nhân dịp tham dự Tết cổ truyền của cộng đồng người Việt Nam tại thủ đô Cairo, vừa qua, nhà báo danh tiếng Kamal Gaballa – phụ trách chuyên mục bình luận trên báo điện tử Al-Ahram của Ai Cập, đã đăng một bài báo, dài hơn 1.500 từ bằng tiếng Arab nhằm giới thiệu về ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền của Việt Nam đến người dân Ai Cập. Trong đó, tác giả bài báo cũng dành một khổ lớn để đánh giá về kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2019 và triển vọng thúc đẩy hợp tác Việt Nam và Ai Cập trong thời gian tới.

bao al-ahram viet ve tet co truyen va thanh qua kinh te cua viet nam hinh 1
Trích bài viết về Tết cổ truyền và thành quả kinh tế - xã hội của Việt Nam đăng trên báo Al Ahram
ngày 26/1/2020.

Giới thiệu Tết cổ truyền của Việt Nam đến người Arab

Mở đầu bài báo, tác giả bày tỏ những cảm xúc đặc biệt khi được tham gia ngày Tết Việt Nam tại xứ sở của Kim Tự Tháp. Đồng thời, tác giả mô tả các hoạt động và ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền của Việt Nam.

Bài báo nêu “Ngày Tết Âm lịch (Tết Nguyên Đán), khoảng 3.000 năm lịch sử, chính là Tết của mùa Xuân. Dịp lễ này được tổ chức ở một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Việt Nam.. Đối với người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng, ngày Tết mang nhiều ý nghĩa lớn. Mỗi dịp Tết đến – Xuân về, người Việt Nam chia tay năm cũ và chào đón một năm mới với những lời chúc tốt đẹp nhất cho hạnh phúc và sự thịnh vượng. Tết là dịp để các gia đình chuẩn bị các món ăn đặc trưng hương vị dân tộc và tất cả các thành viên trong gia đình quây quần bên mâm cơm ấm cúng trong không khí thiêng liêng.

Để chuẩn bị đón Tết, người Việt Nam thường trang trí nhà cửa bằng nhiều loại hoa, đặc biệt là hoa đào. Cũng vào dịp Tết, người dân cùng nhau ca hát, nhảy múa, tổ chức bắn pháo hoa và trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp. Các em nhỏ được nhận “lì-xì” trong các phong bao màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn.

Trong những ngày Tết, người dân đi thăm hỏi, tặng quà cho nhau. Họ cũng đi viếng mộ và đi lễ ở các đền, chùa. Người Việt Nam coi dịp Tết là “Lễ hội mùa Xuân”, là thời điểm mọi người trở về với quê hương và tưởng nhớ về cội nguồn. Do đó, ngày Tết của Việt Nam có nét tương đồng với một số lễ tôn giáo của người Ai Cập, nhất là Tết Cừu (Eid Adha) của người Hồi giáo.”

Những thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong năm 2019

Nhân dịp năm mới 2020, tác giả Kamal Gaballa cũng đã cung cấp cho độc giả Ai Cập một góc nhìn về kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tác giả ghi nhận những bước phát triển lớn của Việt Nam về kinh tế - xã hội của trong những năm qua.

Tác giả viết: “Việt Nam đang ở vị trí cao trên bản đồ tăng trưởng kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới và điều này được chứng minh bằng các chỉ số cụ thể. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trên thế giới trong năm 2019.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng trên 7%, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 263 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2018. Thặng dư trong cán cân thương mại đạt 9,9 tỷ đô, mức tăng cao kỷ lục trong 4 năm qua; tỷ lệ lạm phát giảm còn 2,79%; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng đạt khoảng 80 tỷ USD; tỷ lệ nợ công trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm mạnh xuống mức 55% so với năm 2018. Cũng trong năm 2019, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vượt 38 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018 và đạt mức tăng kỷ lục trong 10 năm qua.

Việt Nam có hơn 3.880 dự án mới được cấp phép đầu tư, đạt 16,75 tỷ USD; tăng 27,5% so với năm 2018. Thành quả của cải cách kinh tế của Việt Nam được phản ánh qua điều kiện an sinh xã hội được cải thiện của người dân. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng và đạt gần 2.800 USD/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 1,45%. Đây là những nền tảng quan trọng để Việt Nam thực hiện giảm nghèo theo chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc.”

Nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam-Ai Cập

Ai Cập và Việt Nam chia sẻ nhiều điểm tương đồng, từ quy mô dân số với 100 triệu dân, tiềm năng về nguồn nhân lực, tài nguyên to lớn.. đến các cơ hội phát triển kinh tế - xã hội.. Về mặt lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser đã đặt nền tảng quan trọng đầu tiên cho mối quan hệ song phương phát triển tốt đẹp đến tận ngày nay. Năm 2019, chính phủ và nhân dân hai nước tiếp tục chứng kiến những tiến triển lớn trong mối quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực. Về thương mại, tổng giá trị kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 500 triệu USD và Ai Cập tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Phi.

Nhấn mạnh ý nghĩa của năm 2020 đối với Việt Nam và việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Ai Cập, bài báo nêu: “Năm 2020 là một năm có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với Việt Nam ở cấp độ khu vưc và quốc tế khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và giữ vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Tác giả dẫn lời của Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Trần Thành Công cho rằng, để thực hiện ý chí chính trị của lãnh đạo hai nước, Ai Cập và Việt Nam cần tiếp tục phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng sẵn có; cũng như nắm bắt các cơ hội đang mở ra trong năm 2020. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam được kỳ vọng sẽ làm tốt nhất vai trò cầu nối nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Ai Cập với các nước trong khối ASEAN; đồng thời, tại Liên Hợp Quốc, Việt Nam tăng cường phối hợp với Ai Cập trên vai trò của Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm đề xuất các giải pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm”./.

Từ khóa: Báo Al-Ahram, Tết cổ truyền, Việt Nam, Kamal Gaballa

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập