Bánh Trung thu nội thiếu kiểm soát, bánh ngoại nhập lậu tràn lan
Cập nhật: 25/09/2019
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
Cần thiết phải có cơ chế thúc đẩy “tài chính xanh” tại Việt Nam
VOV.VN - Bánh Trung thu ngày càng đa dạng về kích cỡ, màu sắc, chủng loại là điều có thể thấy rõ, nhưng bánh có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không?
Thời gian gần đây trên các dãy phố và ven các tuyến đường lớn ở Hà Nội, những gian hàng dựng tạm để bày bán bánh Trung thu mọc lên rất nhiều và được trang trí bắt mắt mời gọi người tiêu dùng. Đây cũng là thời điểm người dân bắt đầu mua bánh nhiều hơn để thưởng thức hoặc làm quà biếu.
Bánh Trung thu ngày càng đa dạng về kích cỡ, màu sắc, chủng loại là điều có thể thấy rõ, nhưng bánh có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không thì chỉ có người sản xuất mới biết được, nhất là hiện nay, cơ chế quản lý đã chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm và các doanh nghiệp được tự công bố về sản phẩm.
Theo báo cáo của các địa phương, thực hiện cơ chế quản lý thực phẩm chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm theo Nghị định 15 năm 2018 của Chính phủ, số cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu năm nay có xu hướng tăng lên. Bởi thủ tục hành chính để được sản xuất, kinh doanh thực phẩm hiện nay nhanh gọn. Doanh nghiệp, cơ sở được tự công bố và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.
Bánh Trung thu nội thiếu kiểm soát, bánh ngoại nhập lậu tràn lan. (Ảnh minh hoạ) |
Bà Đỗ Thị Phúc, chủ cơ sở bánh trung thu Thanh Phúc, phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Chúng tôi tự công bố. Trong bánh có thành phần gì thì chúng tôi tự chịu trách nhiệm. Chúng tôi tự xét nghiệm bánh dẻo, bánh nướng thập cẩm và bánh dẻo, bánh nướng đậu xanh và cả nguồn nước sản xuất. Nếu đạt tiêu chuẩn mới sản xuất. Thủ tục hành chính không nhiều nên chúng tôi rất thuận lợi.”
Bánh Trung thu nằm trong số 90% sản phẩm được tự công bố chất lượng nên chủ cơ sở chỉ cần xét nghiệm mẫu nước và mẫu thực phẩm với kết quả đảm bảo an toàn là có thể đi vào hoạt động. Nhiều cơ sở trước đây chuyên sản xuất bánh mì, bánh ngọt, nay cũng chuyển sang cả mặt hàng bánh trung thu. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm có thực chất hay không, phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động thanh tra, hậu kiểm của cơ quan chức năng và sự giám sát của người dân.
“Mới đây tôi có mua bánh mỳ tại một cửa hàng bánh ở phố Huế, Hà Nội. Mang về ăn thì thấy chua chua, chắc do để lâu, bánh ỉu quá. Tôi có phản ánh việc này trên fanpage của cơ sở nhưng cũng không nhận được phản hồi gì” - anh Trịnh Quốc Huy ở nhà số 53, ngõ 16, phố Hoàng Cầu, Hà Nội chia sẻ.
Qua thực tế kiểm tra của các đoàn liên ngành cho thấy, tỷ lệ vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm trong dịp Trung thu có xu hướng tăng. Chỉ riêng tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), qua kiểm tra hơn 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu và dịch vụ ăn uống trong 1 tháng qua, đã phát hiện và xử phạt 27 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Tỷ lệ vi phạm chiếm tới gần 30%.
Ngoài việc xử phạt hành chính 65 triệu đồng, quận Hai Bà Trưng đã tiến hành tiêu huỷ hơn 1.700 chiếc bánh nướng và nhiều loại thực phẩm khác không rõ nguồn gốc xuất xứ.
“Hiện nay cơ quan quản lý đang bám sát thực tế. Chúng tôi đã tăng cường đi kiểm tra các cơ sở, đặc biệt là những cơ sở có cung ứng nguyên liệu cho bánh trung thu. Chúng tôi đã lấy mẫu bánh trung thu để kiểm nghiệm…” - ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội cho biết.
Điều mà dư luận quan tâm là việc kiểm nghiệm mẫu bánh Trung thu liệu có phát hiện được việc sử dụng thực phẩm bẩn, nguyên liệu "rác" đã qua tẩy rửa và bảo quản lâu ngày trong tủ lạnh hay không?
Trong khi việc kiểm soát bánh Trung thu sản xuất trong nước còn gặp nhiều khó khăn thì bánh trung thu nhập lậu lại xuất hiện tràn lan. Chỉ trong hơn 1 tuần qua, Đội Quản lý thị trường số 1, thành phố Hà Nội bắt giữ và tiêu hủy gần 2 nghìn chiếc bánh trung thu nhập lậu và nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc khác.
“Ngày 26/8/2019, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra đột xuất với điểm kiểm tra hàng hóa tại 789 đường Giải phóng, Hà Nội. Qua kiểm tra phát hiện 860 chiếc bánh nướng, bánh trứng chảy các loại, 330kg thịt động vật tươi sống, hơn 5.000 chiếc bánh các loại, 350 gói chân gà đã qua chế biến, bước đầu xác định do Trung Quốc sản xuất, không có hóa đơn chứng từ. Đội cũng kiểm tra tại 50, hàng Cót, Hà Nội phát hiện 1.396 chiếc bánh Trung thu sản xuất tại Hồng Công nhưng không có hóa đơn nguồn gốc. Chúng tôi đã buộc chủ hàng tiêu hủy toàn bộ số thực phẩm vi phạm ” - ông Kiều Đình Tuấn, Đội phó Đội Quản lý thị trường số 1 nói.
Còn nửa tháng nữa là đến rằm tháng 8 âm lịch và đang là thời điểm bánh trung thu được tiêu thụ nhiều nhất, nhưng sự an toàn của những chiếc bánh vẫn là nỗi băn khoăn. Chưa cần nói đến kết quả xét nghiệm, chỉ xét về giá bán của những chiếc bánh nhập lậu rẻ hơn cả giá nguyên liệu đạt chuẩn đã đủ thấy những nghi ngại về an toàn thực phẩm là hoàn toàn có cơ sở./.
Thị trường Trung thu tại TP HCM dù giá cả ổn định vẫn vắng người mua
Thị trường bánh, đồ chơi Trung thu tại Đắk Lắk đa dạng giá tăng nhẹ
Từ khóa: bánh Trung thu, bánh Trung thu nội, bánh nhập lậu, an toàn thực phẩm, Hà Nội
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN