VOV.VN - Khu chế xuất Tân Thuận là một minh chứng cho tinh thần "Dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm" trước yêu cầu phát triển của thành phố và đất nước.
Nếu “Đổi mới hay là chết” đã tạo nên những Dệt Thành Công với bước đi “phá rào”, “vượt rào” trong “đêm trước đổi mới” ở TPHCM, thì sự ra đời của Khu Chế xuất Tân Thuận trong giai đoạn đổi mới, cho thấy được trí tuệ, bản lĩnh, sự năng động, sáng tạo của người Sài Gòn-TPHCM.
Khu chế xuất Tân Thuận là một minh chứng cho tinh thần "Dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm" trước yêu cầu phát triển của thành phố và đất nước.
Bài 2 của loạt bài: “Khơi dậy bản lĩnh tiên phong của người Sài Gòn-TPHCM” với nhan đề: “Khu Chế xuất Tân Thuận - đột phá của kinh tế TPHCM”.
Làm những việc mà không ai dám làm
Đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, lãnh đạo TPHCM yêu cầu các doanh nghiệp phải tự suy nghĩ về một đề án phát triển.
Khu chế xuất-Khu Công nghiệp Tân Thuận nhìn từ trên cao
Ông Phan Chánh Dưỡng, với tư cách là Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Quận 5 (Solimex) cùng nhóm nghiên cứu bàn phương án xây dựng khu công nghiệp để thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong bối cảnh kinh tế quốc doanh vẫn là chủ đạo, nếu doanh nghiệp nước ngoài với máy móc hiện đại, giàu kinh nghiệm, không bị ràng buộc về giá mua bán nguyên liệu vào TP.HCM, thì doanh nghiệp quốc doanh sẽ gặp nhiều thiệt hại.
Nhìn ra thế giới, đặc biệt là Đài Loan (Trung Quốc), họ thu hút đầu tư nước ngoài bằng việc thành lập khu chế xuất Cao Hùng.
Ông Phan Chánh Dưỡng người luôn đau đáu vì sự phát triển của TPHCM
Doanh nghiệp hoạt động trong khu chế xuất không được mua nguyên liệu trong nước, không được bán hàng trong nước mà phải bán ra nước ngoài. Như vậy sẽ đảm bảo được doanh nghiệp quốc doanh không bị cạnh tranh.
Từ ý tưởng này, ông Phan Chánh Dưỡng và nhóm nghiên cứu đề xuất phương án thành lập khu chế xuất và đề án được chấp thuận.
Ông Phan Chánh Dưỡng tự nhận mình không giỏi về kinh tế, nhưng bên cạnh luôn có những người bạn tài năng: "Tôi có một may mắn là xung quanh có nhiều bạn bè và anh em, là những trí thức cũ, cũng là những người được đi học đàng hoàng ở nước ngoài. Mấy ông cũng trình độ tiến sĩ, học ở Anh, Pháp, Đức… Họ có mặt từ thời kỳ Việt Nam Cộng hòa. Sau giải phóng, họ không đi ra nước ngoài. Solimex là một công ty xuất nhập khẩu lớn. Cho nên chúng tôi cần rất nhiều người giỏi, những người đó từng bước, từng bước quy tụ vào Solimex, coi như một nhóm nghiên cứu kinh tế chuyên đề của Solimex”.
Tuy nhiên, việc lựa chọn địa điểm, lại là một câu chuyện dài. Ông Phan Chánh Dưỡng kể lại: "Nhà nước cũng đã tự cử người đến khảo sát địa điểm. Ban đầu, họ chọn Cát Lái vì vị trí này có dòng sông rộng, lại vắng người. Tuy nhiên, những người chọn địa điểm này dường như chưa hiểu rõ bản chất của khu chế xuất, vốn đòi hỏi một lượng lớn lao động. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài thường muốn sinh sống ngay trong trung tâm thành phố. Khi thành phố quyết định chọn Cát Lái, tôi đã từ chối tham gia. Sau đó, có người khác đứng ra đảm nhận dự án này. Khu chế xuất ở Cát Lái hoạt động được hai năm, nhưng sau khi đầu tư vào, các doanh nghiệp lại lần lượt rời đi. Lúc này, thành phố mới quay lại hỏi ý kiến của tôi: "Bây giờ ông muốn chọn địa điểm nào, khẳng định đi". Tôi nói, bây giờ chọn bán đảo Tân Thuận".
Khu chế xuất Tân Thuận ngày nay
"Đất chết" hóa "đất vàng"
Khi chọn bán đảo Tân Thuận, người Nhà Bè ủng hộ hết mình. Họ ủng hộ không phải vì nhìn thấy tương lai phát triển, mà bởi lúc đó quá nghèo. Thế nên, từ Bí thư huyện đến chủ tịch xã, ngày nào cũng họp để bàn phương án giải phóng mặt bằng thật nhanh chóng. Họ làm việc một cách rất trân trọng.
Nếu người Nhà Bè ủng hộ, thì cũng không ít người khăng khăng dự án khó thành công vì Nhà Bè đất mềm, ngập mặn, “bỏ con trâu xuống còn chìm”, thì sao mà làm được khu chế xuất. Bởi vậy, khi ông Phan Chánh Dưỡng xin cán bộ về làm cùng thì không mấy ai chịu về.
Ông Phan Chánh Dưỡng nhớ lại: "Tôi đi kiếm ông thầy dạy tôi thời đại học để hỏi. Ông nói, từ Sài Gòn xuống tới mũi Cà Mau toàn là đất bùn hết. Ở Sài Gòn bình quân 23m, kéo xuống tới Cà Mau là 37m. Lâu lâu có một túi bùn sâu 80-90m. Cho nên, nếu mình làm mà không né túi bùn, đổ bao nhiêu cũng bị nuốt hết. Nhờ biết được như vậy, nên tôi nghĩ mình làm được. Hồi xưa, để nâng cao nền đất, ông cha mình lấy đất Biên Hòa đem về. Còn sau 300 năm, mình lấy cát ở dưới sông Sài Roạp về đổ, vừa rẻ tiền. Mình biết né túi bùn nên mình làm được”.
Quận 7 giờ đây là một trong những khu vực có tốc độ đô thị hóa cao của TPHCM
Nhờ vị trí gần cảng Sài Gòn, Quận 4, Quận 8 với dân số lao động đông, lại thêm điện đã kéo đến tận nơi, nước đã đến tận cầu Tân Thuận nên Tập đoàn CT&D của Đài Loan (Trung Quốc) đã vào đầu tư.
Với một người luôn đau đáu vì sự phát triển của TP.HCM, ông Phan Chánh Dưỡng cứ mãi trăn trở: Nếu chỉ tập trung ở khu chế xuất thì chỉ kiếm tiền để chia nhau, cũng mới giải quyết được một số công ăn việc làm, còn cái nghèo, cái khổ của người Nhà Bè vẫn chưa thể giải quyết.
Do đó, ông bàn và được chủ đầu tư hiến kế về việc phải có con đường kéo dài. Cuối cùng trong giấy phép xây dựng khu chế xuất đã có thêm một con đường, và tên là đường Nguyễn Văn Linh bây giờ.
“Hồi đó, con đường đó gọi là Bắc Nhà Bè, Nam Bình Chánh. Con đường bắt đầu từ cửa khu chế xuất đi xuống tới Quốc lộ 1. Con đường này bắt đầu xây dựng, thì chúng tôi mới bàn với lãnh đạo thành phố, đã làm con đường rồi thì tại sao không nhân cơ hội này, mình quy hoạch phát triển một vùng đô thị. Cho nên mới có đô thị Nam Sài Gòn với diện tích hơn 2.600 ha như bây giờ”, ông Phan Chánh Dưỡng cho biết.
Một góc đô thị ở Quận 7, trước đây thuộc Nhà Bè
Biến đầm lầy thành đô thị
Ngày 24/9/1991, Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cấp giấy phép thành lập Công ty liên doanh Xây dựng và Kinh doanh Khu chế xuất Tân Thuận. Khu chế xuất đầu tiên của cả nước có diện tích 300ha chính thức đi vào hoạt động.
Tính đến tháng 5/2003, Khu chế xuất Tân Thuận đã thu hút được 158 nhà đầu tư thuộc các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Đức… Và Tân Thuận sớm trở thành cầu nối nền kinh tế Việt Nam với thị trường quốc tế.
Đáng nói là, sức phát triển, sự thu hút mạnh mẽ của Khu chế xuất Tân Thuận đã sớm giúp mô hình khu chế xuất, khu công nghiệp lan rộng ra ở TPHCM và sau đó là cả nước.
Tính từ năm 1991 đến năm 2002, cả nước đã có 72 khu chế xuất–khu công nghiệp được thành lập, đóng góp khoảng 30% giá trị sản lượng công nghiệp của cả nước.
Từ vùng đầm lầy ven sông Sài Gòn, với ý chí, nhiệt huyết của những con người dám xông pha vào khó khăn, vùng đất Nhà Bè vốn “bỏ con trâu xuống còn chìm” đã trở thành khu vực có mức độ đô thị hóa nhanh nhất TP.HCM.
“Trong quá trình là, khó khăn vô cùng nhiều, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì. Đặc biệt là lãnh đạo của Thành ủy lúc bấy giờ rất quyết tâm làm, còn lãnh đạo và nhân dân Nhà Bè thì quyết tâm hơn. Vậy là, chỉ hơn 30 năm thôi, ai ngờ được, vùng Nhà Bè đô thị hóa so với Quận 1 đâu thua kém gì. Trong hơn 30 năm, mình đã biến Nhà Bè trở thành một vùng phát triển nhanh nhất, đẹp nhất", ông Phan Chánh Dưỡng phấn khởi nói.
Ông Phạm Chánh Trực - Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM nói rằng, tinh thần dám làm, dám nghĩ đã tạo nên sự năng động, sáng tạo của con người, của doanh nghiệp ở TPHCM. Đó cũng chính là truyền thống của vùng đất anh hùng.
Ông Phạm Chánh Trực - Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM
Ông Phạm Chánh Trực phân tích: “Chúng ta nói “nhân dân anh hùng” tức là không chịu bó tay trước khó khăn, nó ăn vào huyết quản của nhân dân thành phố. Giải phóng rồi, trong không khí tự do, độc lập lại càng hun đúc, thúc đẩy nhân dân thành phố vượt qua khó khăn, không ngán ngại, không chịu bó tay. Chính đó là động lực bên trong, có thể nói là truyền thống, thuộc tính làm ra chất năng động, sáng tạo của thành phố. Các doanh nghiệp cũng có “máu” năng động, sáng tạo. Do đó, TPHCM luôn đi đầu là do nguyên nhân này”.
“Vượt rào” chính sách, tiên phong mở đường để cái mới phát triển phù hợp với thực tiễn cuộc sống của những Dệt Thành Công hay của Khu Chế xuất Tân Thuận không thể không nói đến vai trò của những lãnh đạo TPHCM thời bấy giờ.
Họ đã dũng cảm “đứng sau” và sẵn sàng chịu trách nhiệm để cấp dưới có thể kiến tạo các mô hình mới của mình, đưa thành phố phát triển. Bài 3 của loạt bài sẽ nói về vấn đề này.
VOV.VN -Câu chuyện của Dệt Thành Công trong những năm đầu giải phóng cho thấy bản lĩnh của con người Sài Gòn-TPHCM trong đêm trước đổi mới. Từ quyết định táo bạo đến sự hy sinh thầm lặng, họ đã góp phần khởi nguồn cho bước chuyển mình của thành phố và cả nước ở giai đoạn đổi mới sau này
Từ khóa: TPHCM, Khu Chế xuất Tân Thuận,Dệt Thành Công,Ông Phan Chánh Dưỡng,Ông Phạm Chánh Trực