Bản lĩnh giáo viên vùng cao vượt qua khó khăn, bám nghề “gieo chữ”

Cập nhật: 18/11/2020

VOV.VN - Tìm sự thông cảm, gắn kết với các gia đình và học sinh trước khi thuyết phục bà con cho con em đi học là công việc mà các thầy cô giáo là người dân tộc thiểu số luôn đau đáu suy nghĩ và tìm mọi cách thực hiện để đưa các em đến trường.

Tối 17/11, tại Hà Nội, 63 thầy cô giáo người dân tộc thiểu số tiêu biểu của 26 dân tộc đã được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020. Đây là các tấm gương nhà giáo không chịu khuất phục trước những khó khăn để đưa con chữ đến với con em đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa  và cả sự thấu hiểu của các phụ huynh, gia đình.

Tìm sự thông cảm và gắn kết với các gia đình và học sinh trước khi thuyết phục bà con cho con em đi học. Là công việc chung mà các thầy cô giáo là người dân tộc thiểu số luôn đau đáu suy nghĩ và tìm mọi cách thực hiện để đưa các em đến trường. Mỗi người một cách, nhưng nhìn thấy học sinh vui vẻ đến trường hàng ngày là cả hành trình dài mà các thấy cô giáo nỗ lực thuyết phục gia đình đồng bào dân tộc, đặc biệt là đối với những dân tộc có quy mô dưới 10 nghìn người. 

Thầy K'Dĩnh, Tổng phụ trách Trường Tiểu học Tân Phúc 1 (Hàm Tân, Bình Thuận) thì chia sẻ tại địa phương, học sinh tiểu học thường ít khi bỏ học, nhưng qua cấp 2,ở lớp 7, lớp 8 thì bỏ học nhiều. Nhiều em có xu hướng không muốn đi học mà chọn đi làm công nhân ở các thành phố lớn. Trong những năm qua, thầy giáo K’Dĩnh đã luôn đổi mới hình thức sinh hoạt đội và phong trào thiếu nhi góp phần tạo thêm không gian sinh hoạt, vui chơi, khai phá tài năng bổ ích cho thanh thiếu nhi địa phương. 

“Đi nhiều biết nhiều thấy hoàn cảnh khổ nhiều mình thêm gánh nặng, ưu tư nên muốn làm gì đó hỗ trợ giúp đỡ các em từ hoạt động vui chơi đến hoạt động văn hóa văn nghệ, tạo động lực để các em yêu thích đến trường. Các em ngay từ chăm sóc của gia đình không tới nơi tới chốn. tôi thấy rất tội cho ác em , nên luôn hỗ trợ giúp đỡ để các em có thể được tới trường, động viên ba mẹ chúng, rồi mình tới những nơi hay tập trung đông người, có những người có thể tiếp lửa cho các em đi học”, thầy giáo K’Dĩnh tâm sự.

Với lợi thế là người con địa phương nên cô giáo Đinh Thị Kem, dân tộc H’re, giáo viên Trường Tiểu học Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi hiểu rõ nỗi vất vả của những người dân còn thiếu thốn về vật chất và nhất là đời sống tinh thần nên  chưa thật sự quan tâm đến công tác chăm sóc và giáo dục trẻ..

Với suy nghĩ  muốn đời sống no ấm, hạnh phúc thì chỉ có một con đường duy nhất là  con em đồng bào được học chữ. Cô Đinh Thị Kem đã nỗ lực tới từng nhà, động viên phụ huynh cho con đi học và động viên từng em đến trường.

“Tôi phải đến từng nhà một lần không được thì 2-3 lần. Có năm tôi dạy nhất là lớp 1, các em còn trong độ tuổi ham chơi, bước vào lớp lần đầu tiên các em không chịu đi, có em cô phải chạy theo đến tận nhà động viên để em đến trường. Kỷ niệm nữa là các em thường xuyên nghỉ học vì lý do lên nương theo bố mẹ, tôi cũng phải theo bố mẹ lên nương, trèo đèo lội suối để đón các về học. Đến bây giờ cũng đã thuyết phục được rồi”, cô Đinh Thị Kem nói.

Dạy học cách nhà hơn hơn 30km ở miền núi hiểm chở, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhưng cô giáo Pi Năng Thị Hải, dân tộc Raglai, giáo viên Trường mầm non Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận vẫn kiên trì bám điểm trường để chăm sóc và dạy dỗ các em học sinh. 

Cô Pi Năng Thị Hải mong muốn có nhiều chính sách khuyến khích giáo viên tới dạy vùng sâu, vùng xa, vùn đồng bào dân tộc.“Mong muốn sắp tới giáo viên sẽ được nhận nhiều chính sách ưu đãi hơn đặc biệt là giáo viên mầm non. Đây là ngành nghề có công việc đặc thù vất vả hơn so với các cấp khác. Cần đảm bảo đủ 2 cô một lớp trẻ, bởi như đầu năm tôi nhận lớp dạy thì 34 cháu với 1 cô giáo dạy, thì không thể đáp ứng được, bởi các cháu mầm non nghịch ngợm, thậm chí chọc bạn. Với vấn đề đó em nghĩ là cần đáp ứng đủ giáo viên để đảm bảo an toàn cho các cháu cũng như chăm sóc...”.

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm nay, Ban tổ chức tuyên dương 63 thầy cô giáo người dân tộc thiểu số tiêu biểu của 26 dân tộc. Mỗi tấm gương thầy cô giáo người dân tộc thiểu số được tuyên dương trong Chương trình là một bông hoa đẹp trong vườn hoa thơm ngát, luôn nỗ lực, vượt qua khó khăn, vất vả, trau dồi kiến thức để gieo con chữ tới cho các em học sinh dân tộc, vùng sâu, vùng xa; cùng ngành giáo dục nâng cao trình độ, dân trí vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đất nước./.

Từ khóa: giáo viên, giáo viên vùng cao, đưa học sinh đến lớp, giáo viên cắm bản, gieo chữ, 20/11, ngày nhà giáo việt nam

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập