Bán lẻ khó tạo vị thế khi gian thương còn tung hoành trên thương mại điện tử

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Đơn vị bán hàng nào cũng có thể thuê tài nguyên và không gian online để kinh doanh sản phẩm, chính sự tiện lợi này đã tạo ra nhiều kẽ hở cho nạn buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng trên môi trường thương mại điện tử.

Với những triển vọng về tăng trưởng kinh tế, quá trình đô thị hóa, nhu cầu mua sắm gia tăng,… sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) và các nền tảng thanh toán trực tuyến được ứng dụng rộng rãi, dần trở thành một kênh phân phối ngày càng quan trọng, góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, thúc đẩy mua sắm trực tuyến.

Những kẽ hở cho gian lận thương mại

Nhận định về triển vọng của TMĐT, TS. Vương Quang Lượng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng, ngành bán lẻ có thêm cơ hội ứng dụng khoa học - công nghệ để thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, trong đó các phương thức thương mại “truyền thống” với lợi thế theo quy mô sẽ dần thay đổi, các phương thức kinh doanh mới xuất hiện và ngày càng phát triển.

“TMĐT có cơ hội phát triển mạnh mẽ, hạ tầng phục vụ TMĐT cũng thay đổi với tốc độ ngày càng nhanh. Thói quen của người tiêu dùng cũng dần thay đổi theo hướng dựa trên TMĐT nhiều hơn, chi phí trong hoạt động thương mại ngày càng giảm xuống, đồng thời giúp cải thiện trải nghiệm mua sắm của khách hàng trên thiết bị di động và qua các trang mạng xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội”, ông Lượng nhận định. 

Thực tế những năm qua, sự hình thành và phát triển của các sàn TMĐT đã đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và DN bán lẻ. Tuy nhiên, cơ chế hoạt động của các sàn TMĐT còn nhiều bất cập, các DN mới chỉ nắm giữ khâu trung gian, đơn vị bán hàng nào cũng có thể thuê tài nguyên và không gian online để kinh doanh sản phẩm. Chính sự tiện lợi này đã tạo ra nhiều kẽ hở cho nạn buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng trên môi trường TMĐT.

Nêu thực trạng công tác quản lý, điều tra hoạt động kinh doanh trên TMĐT, ông Hoàng Văn Giang, phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Cục QLTT Hưng Yên cho biết, bên cạnh sự phát triển vượt bậc của TMĐT ở Việt Nam, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán tràn lan trên mạng internet, trên các nền tảng giao dịch trực tuyến đang là vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách...

“Các đối tượng lợi dụng TMĐT, hoạt động bưu chính để vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả. Một số sử dụng kho hàng của DN bưu chính để tập kết hàng lậu, hàng giả; giả mạo phương tiện vận chuyển của DN bưu chính để vận chuyển hàng lậu, hàng giả. Một số khác tiêu thụ hàng lậu, hàng cấm thông qua hình thức bán hàng trực tuyến online sau đó vận chuyển qua bưu chính”, ông Giang thông tin.

Trước thực tế kể trên đang đặt ra đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý thị trường và các đơn vị có liên quan, để xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra định kỳ, kế hoạch chuyên đề để tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực TMĐT. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, khuyến cáo các DN, cá nhân không thực hiện hành vi kinh doanh, chào bán hàng giả, hàng cấm trên mạng xã hội; thanh kiểm tra và có chế tài xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng theo quy định của pháp luật.

Phối hợp vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng

Để nâng cao hiệu quả phát triển thị trường bán lẻ trên các sàn TMĐT, TS. Vương Quang Lượng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho rằng, Nhà nước cần áp dụng nhiều giải pháp hỗ trợ DN ứng dụng TMĐT trong bán lẻ, cũng như tăng cường quản lý và xử lý vi phạm về gian lận thương mại.

“Nhà nước nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hạ tầng chính sách pháp luật cho TMĐT, tập trung phổ biến, hướng dẫn DN và các tổ chức, cá nhân có liên quan các quy định pháp luật về TMĐT, Luật giao dịch điện tử và các Thông tư hướng dẫn thi hành. Tăng cường kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như giữa cơ quan quản lý nhà nước với DN. Lực lượng chức năng cần tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên không gian mạng nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy TMĐT phát triển”, ông Lượng đề cập.

Khẳng định việc đấu tranh với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên không gian mạng gặp rất nhiều khó khăn, ông Hoàng Văn Giang, phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Cục QLTT Hưng Yên đề xuất, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, như lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, cảnh sát kinh tế, lực lượng quản lý thị trường, hải quan, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), cơ quan thuế… trong quá trình tác thu thập thông tin, tài liệu về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên không gian mạng.

Cùng với đó là sự phối hợp của lực lượng công an địa phương để phòng ngừa việc đối tượng chống đối, tẩu tán hàng hóa, tang vật khi bị phát hiện; khống chế, thu giữ các phương tiện điện tử, các hệ thống kỹ thuật liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật trong quá trình tiến hành kiểm tra, khám xét; khai thác đối tượng liên quan…

Từ khóa: thương mại điện tử, thương mại điện tử,bán hàng, bán lẻ, hàng lậu, gian lận,gian thương,bán hàng online

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: nguyễn quỳnh/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập