VOV.VN - So với các địa phương khu vực Tây Bắc, cây cao su ở tỉnh Lai Châu sinh trưởng và phát triển tốt hơn, từ đó giúp thu nhập từ lương công nhân và cổ tức 10% góp đất, đã và đang giúp đời sống của người dân địa phương dần cải thiện.
Sau nhiều ý kiến tranh luận về hiệu quả của việc phát triển cây cao su, thực tế cho thấy, cao su khá phù hợp trên đất dốc Lai Châu và bước đầu đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào các dân tộc địa phương, góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều bản làng trong vùng trồng cao su.
Cây cao su tại Lai Châu được trồng ở 31 xã, thị trấn, thuộc 5 huyện, với diện tích gần 13.000ha, trong đó phần lớn diện tích được trồng trên đất rừng nghèo, đất nương bạc màu của người dân.
Dù được trồng trên đất dốc, nhưng cơ bản đến nay, hạ tầng vùng trồng cao su như đường giao thông liên vùng và nhà ở công nhân đã được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp.
Để đảm bảo điều kiện sản xuất, hiện các công ty đã tuyển dụng và đào tạo được gần 3.000 công nhân là đồng bào các dân tộc ở địa phương. Những người này chủ yếu làm nhiệm vụ thu hoạch mủ và làm việc tại nhà máy sơ chế.
Cây cao su tại Lai Châu được các chuyên gia đánh giá là phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Đến nay các công ty đã đưa vào khai thác gần 7.000ha, năng suất bình quân hơn 1 tấn/ha và chất lượng mủ được đánh giá là tốt so với nhiều khu vực trồng cao su truyền thống trong nước.
Đại diện các công ty cao su trên địa bàn tỉnh Lai Châu cho biết, năng suất và chất lượng các vườn cây cho thu hoạch đều đảm bảo như khảo sát trước khi trồng. Với giá trên 30 triệu đồng/tấn như hiện nay, các công ty đã có lãi để đảm bảo quyền lợi ổn định cho công nhân và người dân góp đất.
Phút giải lao của công nhân cạo mủ cao su, thuộc Công ty Cổ phần cao su Lai Châu II.
Từ những nông dân bình thường, đến nay các công nhân người địa phương đã trở thành những công nhân công nghiệp lành nghề, với mức lương thu nhập ổn định trên dưới 4 triệu đồng/tháng. Đời sống nhiều gia đình công nhân tăng lên nhiều lần so với trước kia làm nông nghiệp.
Theo ông Phan Thanh Biện, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cao su Lai Châu II, đến nay công ty đã đưa vào khai thác hơn 2.000 ha trong tổng số gần 5.000 ha. Năm 2019, sản lượng mủ thu được gần 1.200 tấn. Lũy kế, đến nay công ty đã chi trả 3,4 tỷ đồng cổ tức góp đất của diện tích khai thác năm 2018 và 2019.
Cũng theo ông Biện, sản lượng vườn cây sẽ tăng theo từng năm và nếu công ty đưa vào khai thác hết diện tích, giá cao su trên thị trường nhích lên, đời sống các hộ dân góp đất và làm công nhân sẽ tiếp cận chất lượng sống của người dân nông thôn miền xuôi.
Để thuận lợi cho công việc khai thác hàng ngày, các công ty cao su đã hỗ trợ thành lập và xây dựng nhiều bản, nhóm hộ và nhà ở công nhân trong vùng trồng cao su.
Ngoài giờ cạo mủ cao su khoảng 4 tiếng/ngày, các công nhân vẫn tranh thủ thời gian làm và hoàn thành các phần việc sản xuất của gia đình như trước đây...
... nhiều gia đình tranh thủ rào vườn trồng rau...
... nuôi gà để tăng thêm thu nhập và ổn định cuộc sống nơi ở mới.
Tại các vùng trồng cao su, các công ty cũng hỗ trợ làm nhiều điểm trường học, nhóm lớp nhà trẻ, tạo điều kiện cho con em công nhân được học tập.
Tương lai con em công nhân và người dân góp đất trồng cao su tại Lai Châu đang dần được đảm bảo, khi giá mủ cao su trên thị trường có chiều hướng nhích lên.
Nhờ cây cao su, đã có nhiều gia đình tại Lai Châu di cư xuống núi lập bản công nhân - điều chưa từng xảy ra trong vùng đồng bào dân tộc Mông từ trước tới nay. Đại diện tổ chức công đoàn và lãnh đạo các công ty cao su cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các phần quà trong những dịp lễ, tết, giúp các gia đình công nhân ổn định cuộc sống và yên tâm gắn bó với cây cao su./.