Bản làng hồi sinh sau lũ dữ

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Những mầm xanh đã vươn mình mạnh mẽ trên đồng đất vùng lũ; những trường học hư hỏng, ngập tràn bùn đất giờ rộn rã tiếng học sinh nô đùa và trong câu chuyện của những gia đình phải dựng lại nhà cửa, tái định cư tại nơi ở mới lấp lánh niềm hy vọng và khát vọng hồi sinh.

 

Bão số 3 đã làm sập đổ, hư hỏng hơn 27.300 ngôi nhà ở Yên Bái, trong đó 326 nhà sập đổ hoàn toàn, gần 1.000 nhà hư hỏng nặng và hàng nghìn hộ dân không thể về nhà do nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao.

Để người dân có thể ổn định cuộc sống, tỉnh Yên Bái đã khẩn trường hỗ trợ, giúp dân làm lại, sửa chữa nhà cửa. Những chính sách kịp thời và sự hỗ trợ của cả cộng đồng, những bản làng, khu dân cư sẽ dần được hồi sinh.

- Hôm đấy gần 12 giờ đêm thì xảy ra sạt lở, 4 tiếng nổ to như bom, thế là hàng xóm kéo nhau khóc và bỏ chạy. Từ hôm đó mọi người đi hết không về đâu.

- 15 hộ sập hoàn toàn, khoảng 40 hộ sập đằng sau. Toàn bộ hai bên đường hơn 200 hộ không ai dám ở.

- Chúng tôi ở đây từ năm 1980, bao trận lũ bão không sao, đến nay năm thì đổ hết nhà.

Những thiệt hại do bão số 3 đối với tỉnh Yên Bái là quá lớn, cần nhiều thời gian và nguồn lực để khắc phục. Tuy nhiên, tỉnh ưu tiên tập trung nguồn lực để giải quyết vấn đề dựng mới, sửa chữa nhà cửa, tìm quỹ đất để nhân dân có nơi ở ổn định, an toàn, từng bước khôi phục đời sống.

 - Hộ gia đình có nhà ở bị sập, trôi, đổ hoàn toàn được hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ. Hộ gia đình phải di dời nhà ở khẩn cấp được hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ. Đối với hộ gia đình có nhà ở bị hư hỏng nặng được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ.

- Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn thì nguồn kinh phí cấp là từ ngân sách Nhà nước quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ và từ nguồn kinh phí của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ và nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố do Ban Vận động cứu trợ tỉnh vận động và quản lí.

- Các đối tượng còn lại gặp khó khăn do ảnh hưởng của bão số 3 mà không thuộc đối tượng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP thì nguồn hỗ trợ là từ kinh phí của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố do Ban Vận động cứu trợ tỉnh vận động và quản lý.

- Tỉnh Yên Bái cũng hướng dẫn hỗ trợ đối với các hộ gia đình có nhà ở bị tốc mái, hỏng mái từ 30% trở lên với mức từ 2 đến 4 triệu đồng/hộ.

Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 20 của HĐND tỉnh Yên Bái vào tháng 10 vừa qua đã ban hành Nghị quyết số 100 thông qua danh mục dự án, hộ gia đình, cá nhân cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng sản xuất sang mục đích khác đối với 11 dự án tái định cư cho nhân dân với tổng diện tích hơn 13 héc ta; đồng thời cho phép 209 hộ gia đình chuyển đổi 2,37 héc ta đất trồng lúa và 3,78 héc ta đất rừng sản xuất sang đất ở để làm nhà sau thiên tai, từ đó di dời từ khu vực nguy hiểm đã và đang ở sang nơi ở mới an toàn hơn. Đây là cơ sở để các địa phương và nhân dân vùng thiên tai nhanh chóng có quỹ đất, làm nhà ở, ổn định lại cuộc sống.

Ông Nguyễn Xuân Sang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái cho biết, đến nay, tỉnh cơ bản sắp xếp, xác định vị trí cho người dân có chỗ ở mới trên cơ sở bố trí tái định cư xen ghép hoặc chọn xây dựng khu tái định cư an toàn, tránh nguy cơ sạt lở đất và ngập úng. Tỉnh phấn đấu đến hết ngày 31/12 này, tất cả các hộ dân sẽ có nơi ở mới ổn định cuộc sống.

"Tỉnh Yên Bái cũng có những kiến nghị với Trung ương, đề nghị xây dựng bản đồ sạt lở đất trên phạm vi toàn tỉnh với tỉ lệ lớn hơn, giúp tỉnh Yên Bái nói riêng và các tỉnh miền núi nói chung trong vấn đề quy hoạch, bố trí các vùng dân cư đảm bảo an toàn. Quan tâm bố trí nguồn lực để bố trí di dân, xây dựng các khu tái định cư ở các vùng có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét, lũ ống...", ông Sang nói.

Ông Đoàn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho biết, qua kiểm tra, rà soát tại 14 xã của huyện có gần 1.400 hộ bị ảnh hưởng, thiệt hại về nhà ở; trong đó, 76 hộ có nhà bị sập đổ hoàn toàn, hơn 100 hộ có nhà nằm trong vùng nguy cơ cao không đảm bảo an toàn để ở.

Trên cơ sở Nghị quyết của HĐND tỉnh Yên Bái và các quy định hiện hành, đến nay, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện và hỗ trợ 24 hộ cải tạo đất ở, hạ mái ta luy để làm nhà ở vị trí cũ; thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất cho 16 hộ để tự tái định cư; bố trí xen ghép 22 hộ trong khu dân cư an toàn; di chuyển 13 hộ vào khu tái định cư tập trung. Đến nay đã có 42 hộ dân khởi công làm nhà ở mới. Ngoài ra, huyện đã đề xuất với cấp trên hỗ trợ kinh phí xây dựng 2 khu tái định cư tập trung tại thôn Át Thượng (xã Minh Xuân) với diện tích khoảng 2,78 ha, bố trí cho khoảng 52 hộ dân, mức đầu tư 35 tỷ đồng và khu tái định cư tại thôn Khe Bín (xã Tân Phượng) với diện tích gần 1,2 ha cho 25 hộ dân, mức đầu tư 15 tỷ đồng.

"Nghị quyết HĐND tỉnh cho phép cập nhật kế hoạch sử dụng đất đối với các trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất lúa, đất rừng sản xuất sang đất ở đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nhân bị ảnh hưởng bởi bão số 3 mà không thể tự bố trí được đất ở. Huyện cũng đã tranh thủ điều kiện này để giúp bà con nhân dân có vị trí đất ở phù hợp. Chúng tôi đang dự kiến hết tháng 12 cơ bản sẽ giải quyết tất cả các trường hợp có nhà ở bị sập đổ hoàn toàn và nhà bị hư hỏng nặng, nhà phải di dời khẩn cấp để đảm bảo cuộc sống cho người dân", ông Tuấn cho biết.  

Anh Hoàng Văn Quế, trưởng thôn Át Thượng, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên - nơi xảy ra trận lở núi đêm ngày 9, rạng sáng ngày 10/9, làm sập đổ 6 ngôi nhà và cướp đi sinh mạng của 9 người dân cho biết, nhờ có sự động viên, giúp đỡ của chính quyền và các nhà hảo tâm, người dân trong thôn dần nguôi ngoai với những đau thương, mất mát để ổn định lại cuộc sống. Những hộ dân mất nhà và phải di dời đang được chính quyền bố trí đất ở mới an toàn hơn, ngoài ra họ sẽ được hỗ trợ tiền để dựng lại nhà ở. Một số hộ dân sẽ được Quân khu 2 (Bộ Quốc phòng) xây dựng nhà ở tại khu tái định cư tập trung trong thời gian tới. 

"Đảng, Nhà nước quan tâm đang làm khu tái định cư, tiến tới giao cho Quân khu 2 vào dựng nhà cho bà con. Hiện tại bà con cũng đỡ đi một phần nào những đau buồn. Bên cạnh đó các nhà hảo tâm, mạnh thường quân cũng đến động viên, sưởi ấm cho bà con...", ông Quế nói.

- Sau khi sạt lở xong nếu không có Nhà nước và các nhà hảo tâm hỗ trợ thì chắc gia đình tôi cũng không làm được lại nhà trước Tết. Làm được nhà tôi vô cùng biết ơn.

- Gia đình tôi cũng vay mượn thêm nữa cố gắng làm lại nhà để có chỗ ăn, chỗ ở. Thay mặt gia đình tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước...

Tỉnh Yên Bái ưu tiên bố trí quỹ đất, sử dụng mọi nguồn lực để có chỗ ở nhanh nhất cho người dân, nhưng việc đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân vẫn được đặt lên hàng đầu. Việc xây dựng các khu tái định cư phải đảm bảo khoảng cách an toàn với các vùng núi đồi có nguy cơ sạt lở cao và bảo đảm thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp cho người dân.

Mặt khác, khi xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, cơ quan chức phải tính toán theo hướng đa chức năng, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa vừa là nơi cho nhân dân tránh trú khi xảy ra thiên tai. Cùng với đó, chính quyền và cơ quan chức năng cũng sẽ hoàn thiện dần cơ sở hạ tầng, điện, nước... cấp "sổ đỏ" cho người dân trong thời gian sớm nhất.

Bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: "Tỉnh đã cấp kinh phí cho các địa phương để khẩn trương hỗ trợ về nhà ở đối với những nhà bị sập đổ, trôi hoàn toàn, nhà hư hỏng nặng, nhà phải di dời, bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa. Về cơ bản các địa phương sẽ hỗ trợ cho tất cả các nhà có đủ điều kiện để kịp thời làm nhà mới đón Tết".

Những mầm xanh đã vươn mình mạnh mẽ trên đồng đất vùng lũ; những trường học hư hỏng, ngập tràn bùn đất giờ rộn rã tiếng học sinh nô đùa và trong câu chuyện của những gia đình phải dựng lại nhà cửa, tái định cư tại nơi ở mới lấp lánh niềm hy vọng và khát vọng hồi sinh.

Trên đất lũ Yên Bái những ngày cuối năm này, những đau thương, mất mát đã dần được xoa dịu sau những nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền, sự chung tay sẻ chia, hỗ trợ của đồng bào cả nước và quan trọng nhất là tinh thần vươn lên mạnh mẽ của đồng bào vùng thiên tai.

>> Miễn học phí - điểm tựa nâng bước học sinh vùng lũ tới trường

>> Cứu cây là cứu đói

Từ khóa: lũ dữ, bản làng, hồi sinh, lũ dữ, nghị quyết, màu xanh

Thể loại: Xã hội

Tác giả: đinh tuấn/vov-tây bắc

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập