Băn khoăn việc đánh giá cán bộ từ sự gương mẫu của người thân
Cập nhật: 10/02/2023
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị vừa được Bộ Chính trị ban hành đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Cùng với Thông báo số 20 của Bộ Chính trị về bố trí cán bộ sau khi bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, Quy định số 96 của Bộ Chính trị đã góp phần làm thay đổi căn bản công tác cán bộ trong đời sống chính trị của đất nước.
Lãnh đạo với trách nhiệm của người đứng đầu khi cấp dưới sai phạm xin từ chức đang trở thành một việc hết sức bình thường. Văn hóa từ chức của cán bộ đang định hình ngày càng rõ nét.
Đánh giá cán bộ từ sự gương mẫu của người thân: Quy định không mới
Một trong những tiêu chí của Quy định số 96 để đánh giá mức độ tín nhiệm của cán bộ đang được dư luận nói tới nhiều là sự gương mẫu của bản thân cán bộ và vợ, chồng, con cái cán bộ đó trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiêu chí này đã thấp thoáng trong Quy định số 262-QĐ/TW ngày 8/10/2014 của Bộ Chính trị và Quy định số 37-QĐ/TW năm 2021 nêu rõ 1 trong 19 điều đảng viên không được làm: Can thiệp, tác động hoặc để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng) và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi.
Thực tế đã có nhiều vụ việc tiêu cực có sự liên đới của người thân cán bộ.
Tiêu chí về sự gương mẫu của cán bộ lãnh đạo và người thân khiến dư luận quan tâm là bởi xưa nay câu chuyện này rõ ràng chưa được giám sát nghiêm. Hơn nữa, để đánh giá bản thân cán bộ thôi cũng đã rất nhiều vấn đề, huồng hồ còn đánh giá cả vợ, chồng, con cái họ nếu như không có được thông tin, bằng chứng cụ thể về sự liên quan của người thân cán bộ lãnh đạo trong câu chuyện lợi ích thì nó chỉ là những câu chuyện kiểu tin đồn, không thể xem xét, xử lý.
Một số chuyên gia về xây dựng Đảng cùng quan điểm rằng, Quy định số 96 của Bộ Chính trị được xem là một văn bản vô cùng hệ trọng, kết quả việc thực thi quy định này sẽ là một cuộc “sát hạch” thực sự đối với cán bộ. Kết quả đó mang tính pháp lý rất cao trong quy trình sử dụng cán bộ. Vì ý nghĩa và tính chất quan trọng như thế, đòi hỏi việc đánh giá cán bộ tuyệt đối không thể cảm tính, mà phải thực sự cẩn trọng, thông tin đầy đủ thì mới có thể đánh giá được và đánh giá mới đúng.
Đánh giá cán bộ tuyệt đối không thể cảm tính
Ông Lê Văn Thái, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương còn nhiều băn khoăn về quy định trên. Bởi với tiêu chí về chất lượng công việc được giao, người trong cơ quan có thể đánh giá được, thấy được thông qua tiếp xúc hàng ngày. Nhưng tiêu chí liên quan đến sự gương mẫu của người thân cán bộ sẽ khó đánh giá chính xác. Để có được nguồn thông tin chính xác vẫn cần phải có một cơ chế thông tin rõ ràng, rành mạch, tránh mọi sự cảm tính. Bỏ phiếu đánh giá cán bộ là câu chuyện đòi hỏi phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng, vì thế càng cụ thể càng tốt.
Để phiếu đánh giá cán bộ thực sự phát huy hiệu quả trong việc sử dụng cán bộ, ông Lê Văn Thái cho rằng, cần có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn nữa, tránh việc lấy phiếu cho có, hình thức.
Với những cán bộ được đưa ra để lấy phiếu tín nhiệm, cần chuẩn bị sẵn một bộ hồ sơ về họ, bao gồm đầy đủ những nhận xét đánh giá của cơ quan, đơn vị có đầy đủ chức năng giám sát tại chỗ có thể nhận xét, đánh giá họ ở cơ quan, nơi cư trú, kể cả đối với vợ chồng, con cái họ.
Còn theo ông Bùi Đình Bôn, nguyên Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương, thì không có cán bộ nào tự nhận vợ chồng, con cái không gương mẫu… Nhưng nếu không tin tưởng vào việc tự khai đó thì cũng chưa thấy có cơ chế nào để xác thực đúng sai nên khó khả thi.
Những đánh giá, nhận xét của cán bộ, đảng viên, các tổ chức cơ sở đảng ở địa phương, nơi cư trú của cán bộ cũng là một trong những nguồn thông tin tin cậy.
Cũng có quan điểm cho rằng, muốn đánh giá mức độ tín nhiệm của vợ chồng, con cái cán bộ một cách khách quan vẫn phải bắt đầu từ việc nắm bắt dư luận. Từ dư luận mới đi vào làm rõ bản chất, đúng thì xử, sai thì minh oan. Tất cả các công đoạn phải làm việc theo tinh thần cẩn trọng.
Căn cứ vào sự gương mẫu của vợ chồng, con cái cán bộ để đánh giá mức độ tín nhiệm là câu chuyện khó nhưng dù khó vẫn phải làm vì đấy là một trong những tiêu chí cần thiết để đánh giá cán bộ. Khó nhưng không có nghĩa là không làm được./.
Từ khóa: Quy định 96 của Bộ Chính trị, Quy định 96 đánh giá tín nhiệm của cán bộ, đánh giá cán bộ từ sự gương mẫu của người thân
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN