Bàn giao mặt bằng nhanh cho dự án trọng điểm: Khi lòng dân đã thuận

Cập nhật: 06/02/2023

VOV.VN - Các địa phương có Dự án đi qua đã quyết liệt trong chỉ đạo các mặt công tác có liên quan, đặc biệt là tập trung tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được tầm quan trọng của Công trình đường bộ này, từ đó tự giác thu hoạch rau màu, phá bỏ vườn cây ăn trái, di dời nhà cửa bàn giao đất.

Ngay ngày đầu năm mới 2023, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban nhân dân nhiều tỉnh, thành trong nước đồng loạt tổ chức Lễ khởi công Dự án Đầu tư xây dựng Công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 tại 12 điểm cầu.

Để triển khai thi công được tuyến đường này, trước đó, các địa phương có Dự án đi qua đã quyết liệt trong chỉ đạo các mặt công tác có liên quan, đặc biệt là tập trung tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được tầm quan trọng của Công trình đường bộ này, từ đó tự giác thu hoạch rau màu, phá bỏ vườn cây ăn trái, di dời nhà cửa bàn giao đất để Dự án được triển khai thuận lợi, đảm bảo tiến độ và chất lượng. 

Cách nay hơn 1 tháng tại 12 điểm cầu trong cả nước đã đồng loạt khởi công Dự án Đầu tư xây dựng Công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. Tại điểm cầu tỉnh Hậu Giang, cùng sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, các địa phương vùng ĐBSCL, còn có đông đảo người dân tỉnh Hậu Giang náo nức đến chia sẻ niềm vui trước sự kiện trọng đại này.

Ông Nguyễn Thanh Hoàng ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang cho biết, người dân nơi đây ủng hộ và đồng thuận rất cao với Dự án này nên trước khi nhận tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư gần nửa tháng, mọi người trong xóm ông, nơi có Dự án đi qua, đã tự giác thu hoạch hoa màu, đốn hạ cây ăn trái, di dời nhà cửa để bàn giao mặt bằng.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 có tổng chiều dài gần 730 cây số, tổng mức đầu tư gần 147.000 tỷ đồng với quy mô 4 làn xe, sẽ hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026. Dự án này được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập.

Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau đi qua 05 tỉnh, thành phố gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, với tổng chiều dài gần 110 km, tổng diện tích thu hồi là 761ha, tổng số dân bị ảnh hưởng hơn 3.850 hộ, tổng số hộ được bố trí  tái định cư là 973 hộ. Trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang dài gần 64km, chiếm 57% chiều dài của đoạn từ thành phố Cần Thơ đến tỉnh Cà Mau, với hơn 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng, 10 tổ chức phải di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, với tổng diện tích đất thu hồi gần 362ha.

Ông Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, đây là tuyến cao tốc đầu tiên triển khai qua địa bàn tỉnh Hậu Giang. Xác định tầm quan trọng của Dự án giao thông trọng điểm Quốc gia này nên thời gian qua Hậu Giang đã quyết liệt triển khai với mục tiêu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng sớm hơn tiến độ Nghị quyết 18 của Chính phủ quy định.

Để làm được điều này, Hậu Giang đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ, tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là tuyên truyền về những lợi ích của tỉnh trong phát triển kinh tế xã hội cũng như lợi ích của người dân. Cấp ủy các cấp cũng tích cực phát huy vai trò trong triển khai Dự án, cụ thể Bí thư Tỉnh ủy cũng như Bí thư các huyện, thị, thành phố có Dự án đi qua làm Trưởng Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thu hồi đất đã trực tiếp điều hành, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân có diện tích đất bị thu hồi.

Nhờ đó đã tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân đối với chủ trương của Trung ương cũng như của tỉnh trong triển khai Dự án. Ông Nghiêm Xuân Thành cho biết: “Bên cạnh việc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì tỉnh xác định tuyến cơ sở là quan trọng nhất, bởi vì cấp ủy, chính quyền cơ sở là nơi gần dân nhất và hiểu dân nhất. Trên cơ sở đó, tỉnh đã tổ chức tập huấn, cung cấp các thông tin cũng như truyền tải những kiến thức cho cấp ủy, chính quyền cơ sở. Cấp ủy, chính quyền cơ sở đã tổ chức gặp mặt, họp dân, đối thoại với dân và đã giải quyết kịp thời những kiến nghị cũng như những đề nghị hợp pháp, chính đáng trên cơ sở bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người dân và phát huy vai trò gương mẫu. Cấp ủy nhất là người đứng đầu thì phải vận động gia đình, người thân có đất trong diện tích bị thu hồi phải gương mẫu trong việc ủng hộ các chủ trương và sớm bàn giao mặt bằng để triển khai Dự án".

Nghị quyết 18 của Chính phủ giao các địa phương tiến hành thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng 70% diện tích trước ngày 20/11/2022. Tuy nhiên, đến ngày khởi công, toàn dự án Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau đã bàn giao mặt bằng đạt 85%. Riêng tỉnh Hậu Giang đã bàn giao mặt bằng vượt tiến độ và sớm hơn so với chỉ đạo của Chính phủ, với diện tích bàn giao đạt 90% diện tích đất phải thu hồi, tương đương 324ha, đồng thời tỉnh đã giải ngân 100% số vốn được bố trí trong năm 2022. Hiện tại, tổng diện tích mặt bằng mà tỉnh Hậu Giang đã bàn giao đạt gần 93% và địa phương này cũng đã giải ngân đạt 13% số vốn được bố trí trong năm 2023.

Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc- Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Bộ Quốc Phòng, cho biết: Binh đoàn 12 được Bộ Giao thông vận tải lựa chọn thực hiện một số đoạn cao tốc thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Bắc -Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025. Từ hơn 1 tháng qua, sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động lệnh khởi công Dự án, riêng đoạn Cần Thơ – Hậu Giang, đơn vị đã tổ chức 7 mũi thi công với gần 100 kỹ sư, người lao động cùng rất nhiều phương tiện tại công trường. Nhờ Hậu Giang làm tốt công tác bàn giao mặt bằng nên tạo nhiều thuận lợi cho đơn vị trong việc triển khai thi công.

“Đối với tỉnh Hậu Giang là một đơn vị rất là tốt trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện rất thuận lợi cho nhà thầu. Trong thời gian qua, được sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã phối làm việc với chủ đầu tư, làm việc với nhà thầu để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu để sau khi khởi công thì chúng tôi bắt tay vào thi công được ngay. Bằng trách nhiệm, kinh nghiệm, năng lực của binh đoàn và sự chia sẻ của địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Bộ Giao thông vận tải thì chúng tôi chắc chắn Dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng và đạt kỳ vọng của bà con ĐBSCL, để làm sao đưa khu kinh tế này càng ngày càng phát triển”, ông cho biết. 

Dự án Đầu tư xây dựng Công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 khi hoàn thành sẽ là tuyến cao tốc hiện đại, có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu vận tải, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu. Giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, kết nối và phát huy hiệu quả các đoạn đường bộ đã và đang đầu tư. Tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội cho các tỉnh, thành phố có dự án đi qua; đặc biệt là sự khơi thông phát triển cho cả vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Nhờ sâu sát trong chỉ đạo các mặt công tác liên quan để Dự án được triển khai thuận lợi, đảm bảo tiến độ và chất lượng, trong đó tập trung tuyên truyền để người dân hiểu được tầm quan trọng của Công trình đường bộ này nên Hậu Giang đã thực hiện tốt công tác bồi hoàn, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư, đơn vị thi công đúng thời gian qui định.

Từ kết quả này cho thấy, trong bất cứ vụ việc gì, nếu lãnh đạo địa phương chịu gần dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân, tuyên truyền để người dân nắm rõ, khi người dân đã hiểu, đã thuận lòng thì sẽ chung tay, sát cánh cùng với chính quyền địa phương./.

Từ khóa: bàn giao mặt bằng, đường bộ cao tốc Bắc Nam

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập