Bài toán việc làm cho cán bộ nhà nước dôi dư sau sắp xếp bộ máy
Cập nhật: 2 giờ trước
Sở Y tế Cà Mau nói gì về trẻ mới sinh tử vong sau tiêm phòng giang mai
Đến 30/6, tất cả các địa phương phải xử lý hồ sơ online, dùng chữ ký số
VOV.VN - Việc kết hợp giữa công tác dự báo và các biện pháp điều tiết thị trường hiệu quả sẽ giúp hỗ trợ lao động dôi dư nhanh chóng tìm việc làm mới trong giai đoạn chuyển đổi, đồng thời đảm bảo thị trường lao động phát triển bền vững, hiệu quả hơn.
Theo con số dự kiến sẽ có khoảng 100.000 công chức, viên chức nghỉ việc do sáp nhập, tinh gọn bộ máy. Ngoài những người xấp xỉ tuổi nghỉ hưu thì hầu hết công chức, viên chức dôi dư đều sẽ bắt đầu tìm kiếm công việc mới bởi họ còn tuổi lao động và mong muốn tìm kiếm việc làm để có thu nhập đảm bảo cuộc sống. Liệu điều này có tạo nên những áp lực với thị trường lao động của nước ta trong năm nay – 2025?
TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội nhận định việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy nhà nước theo Nghị định 18 lần này có thể xem là một cuộc đại phẫu, là cơ hội để cải tổ, đổi mới bộ máy nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả, vì lợi ích quốc gia. “Cuộc cải tổ này là một trong những đòn bẩy rất quan trọng để hỗ trợ cải cách kinh tế theo chiều sâu”. Còn với thị trường lao động, cuộc sắp xếp lần này theo bà Hương sẽ có những biến động nhất định song không ảnh hưởng quá nhiều. Thậm chí đây còn là cơ hội tốt của thị trường lao động nước ta khi được cung cấp một lượng cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, có chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn nguồn nhân lực cao cho nền kinh tế.
Thực tế, trong thị trường lao động việc người ra, người vào hay dịch chuyển nhân lực từ khu vực này sang khu vực khác là hoàn toàn bình thường. Hiện nay quy mô của thị trường lao động ở nước ta khoảng gần 53 triệu người (mỗi năm gia tăng thêm 500.000 người) thì việc dung nạp thêm khoảng 100.000 người cán bộ công chức, viên chức nhà nước dôi dư sau sắp xếp là không quá khó khăn. Đó là chưa kể, theo nhận định của nhiều chuyên gia, năm 2025 sẽ có nhiều thuận lợi về kinh tế - xã hội để thị trường lao động tiếp tục phát triển tích cực, tốc độ tăng trưởng cao hơn, tỷ lệ thất nghiệp giảm… Nhiều ngành, lĩnh vực đang tạo thêm công ăn việc làm và có thể hấp thụ nhiều lao động.
“Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải có kế hoạch, chính sách phù hợp để điều tiết thị trường hiệu quả”. Bà Lan Hương cũng nhấn mạnh, trong giai đoạn này việc xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu lao động nhằm kết nối thông tin giữa người lao động dôi dư với các tổ chức, doanh nghiệp ở khu vực tư nhân có nhu cầu tuyển dụng có ý nghĩa quan trọng. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho người lao động, doanh nghiệp mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của thị trường lao động và nền kinh tế của quốc gia.
“Hệ thống cơ sở dự liệu lao động giúp kết nối thông tin giữa người lao động dôi dư và các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng một cách hiệu quả, giúp giảm thiểu khoảng cách giữa cung và cầu lao động, tối ưu hoá việc sử dụng nguồn nhân lực, đồng thời giúp giảm thiểu chi phí và thời gian tuyển dụng của doanh nghiệp”. Ngoài lợi ích này theo bà Hương, khi có hệ thống cơ sở dữ liệu lao động cũng sẽ giúp xác định nhu cầu đào tạo và phát triển kỹ năng của người lao động, từ đó các cơ quan quản lý có thể xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp nâng cao khả năng cạnh tranh của lao động trên thị trường.
Để giải quyết tốt bài toán nhân sự nhà nước dôi dư sau sắp xếp, bà Lan Hương cũng lưu ý vai trò của công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động, điều này sẽ giúp xác định các ngành nghề kỹ năng đang có nhu cầu tuyển dụng cao và xây dựng chiến lược dài hạn trong việc đào tạo, phát triển kỹ năng cho người lao động, đảm bảo họ luôn đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
“Việc kết hợp giữa công tác dự báo và các biện pháp điều tiết thị trường hiệu quả sẽ giúp hỗ trợ người lao động trong giai đoạn chuyển đổi, đồng thời đảm bảo thị trường lao động phát triển bền vững, hiệu quả hơn”, TS Lan Hương khẳng định.
Có ý kiến đề xuất, cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho người lao động khởi nghiệp và tự kinh doanh; khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh để tạo thêm việc làm “hấp thụ” lao động dôi dư mất việc. Nêu quan điểm về giải pháp này bà Hương khẳng định việc khuyến khích khởi nghiệp và tự kinh doanh giúp người lao động dôi dư có thể tự tạo ra công việc cho chính mình và có thể tạo ra việc làm cho người khác, đồng thời cũng sẽ đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương tạo ra động lực phát triển kinh tế của vùng miền.
Với kinh nghiệm của một người nghiên cứu thị trường lao động hàng chục năm, TS Lan Hương nhận định lao động ở khu vực nhà nước thường có thuận lợi, ưu điểm ở tính chỉn chu, tinh thần trách nhiệm, là sự am hiểu quy trình hành chính, kinh nghiệm xử lý công việc bài bản và có tính hệ thống. Tuy nhiên, khi chuyển sang khu vực tư, hiệu quả công việc được đo lường bằng kết quả rõ ràng và thường đi kèm áp lực về thời gian. Bởi vậy bà Lan Hương khuyến cáo, bản thân người lao động cần tạo ra những thay đổi quan trọng, nỗ lực, rèn luyện để thích ứng với môi trường làm việc mới. Tích cực tham gia các khoá học, hội thảo và các lớp đào tạo nghề để nâng cao kỹ năng một cách toàn diện đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đối số ngày càng mạnh mẽ. Cải thiện kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm để tương tác hiệu quả hơn với đối tác. Sẵn sàng thay đổi và thử nghiệm các phương pháp làm việc mới cũng như mở rộng tư duy để thích nghi với môi trường làm việc đa dạng.
Từ khóa: sắp xếp bộ máy, việc làm, cán bộ nhà nước, dôi dư,sắp xếp bộ máy, Nghị định 178,tinh gọn bộ máy
Thể loại: Xã hội
Tác giả: thanh hương/vov2
Nguồn tin: VOVVN