Bài toán thuế GTGT phân bón: Tránh lợi ích trực quan mà quên đi mục tiêu lâu dài
Cập nhật: 04/11/2024
Phụ nữ khởi nghiệp vì sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững (24/11/2024)
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
VOV.VN - “Bài toán thuế GTGT phân bón cần bảo đảm hài hòa lợi ích của các đối tượng thụ hưởng và thúc đẩy nền nông nghiệp, tránh chỉ xét lợi ích trực quan mà quên đi mục tiêu lâu dài”, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), cùng với các yếu tố về giống, thủy lợi, cơ giới hóa nông nghiệp, phân bón đóng góp trên 40% cho việc nâng cao năng suất cây trồng. Do đó, chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) phân bón rất cần thay đổi sau hàng loạt bất cập kéo dài 10 năm qua, nhằm tạo sức sống mới cho ngành nông nghiệp.
Kể từ khi phân bón được miễn thuế GTGT đến nay, số liệu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, tổng sản lượng nhập khẩu dao động 3,3-5,6 triệu tấn; kim ngạch 952 triệu đến 1,6 tỉ USD, trong khi tổng công suất sản xuất nội địa ngày càng thu hẹp từ 3,5 triệu tấn/năm (trước năm 2014) xuống còn 380.000 tấn/năm (từ năm 2015).
Trong khoảng thời gian này, Bộ Công Thương cho biết trung bình mỗi năm lực lượng quản lý thị trường phát hiện và xử lý khoảng 3.000 vụ liên quan đến phân bón lậu, phân bón giả. Theo tính toán trung bình phân bón giả gây thiệt hại mỗi hécta là 200 USD thì mỗi năm ngành nông nghiệp thiệt hại tới 2,6 tỉ USD, đặc biệt nguy hại khi nông sản Việt đang đặt mục tiêu hướng ra quốc tế.
Trong bối cảnh đó, bài toán thuế GTGT phân bón trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, bởi đây là một trong những yếu tố tác động lớn tới ngành sản xuất nội địa, góp phần tạo sức sống cho nền nông nghiệp nói chung.
Trao đổi về chính sách thuế GTGT phân bón, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, không vội bàn đến chuyện lỗ - lãi của doanh nghiệp, vấn đề cần tập trung là áp thuế 5% hay không áp thuế mang lại hiệu quả lớn hơn. Nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh nội dung này nhưng chưa thể đi đến kết luận cuối cùng vì thiếu các con số và sự suy xét trên tổng thể các khía cạnh.
Để đưa ra chính sách thuế GTGT phân bón xác đáng, bảo đảm cân đối hài hòa lợi ích giữa các tác nhân và trả lời cho câu hỏi nông dân bị tổn thương hay được hưởng lợi khi áp thuế suất 5%, vị chuyên gia này đưa ra 3 góc nhìn cần xem xét.
Thứ nhất, về yếu tố khoa học, tự nhiên và môi trường, phần lớn phân bón hiện nay là phân hóa học, nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào, chiếm tỷ trọng lớn trong thành phẩm. Phân hóa học tác động đến sức khỏe của đất, nằm trong hệ sinh thái nông nghiệp, môi trường, xã hội và con người.
Thứ hai, về yếu tố kinh doanh, giá thành một sản phẩm được cộng với thuế GTGT tạo ra giá bán. Do đó, để bảo đảm hài hòa về mặt lợi ích, cần xét tới nguồn thu ngân sách Nhà nước, mức “chịu đau” của doanh nghiệp sản xuất và tác động ảnh hưởng tới người nông dân.
Thứ ba, về phát triển bền vững của thị trường, chế độ thuế cần minh bạch, công khai, bảo đảm các bên tham gia đều được hưởng lợi ích. Ba yếu tố này sẽ tác động đến nông nghiệp, nông dân và nhà sản xuất. Trong 3 yếu tố ấy, cần rà soát lại vai trò của phân bón trong quan hệ thuế suất tới sản xuất và thu nhập người nông dân cùng môi trường.
Nhìn về lịch sử, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy cho biết, thuế GTGT phân bón được quy định lần đầu tiên từ năm 1997 là thu thuế của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất là 5% sản phẩm bán ra và 5% cho nguyên liệu đầu vào, trang thiết bị sản xuất mặt hàng đó.
Đến năm 2015, nền kinh tế có sự thay đổi, để đẩy mạnh sản xuất và lưu thông phân phối, thúc đẩy nông nghiệp, thuế GTGT đối với phân bón được miễn. Tuy nhiên, doanh nghiệp phân bón lại nhận thêm gánh nặng, bởi nguyên liệu đầu vào bị đánh thuế nhưng không được khấu trừ đầu ra nên cộng vào giá sản phẩm. Người thiệt hại cuối cùng chính là người nông dân phải mua với phân bón với giá cao hơn.
Hệ lụy nguy hiểm nhất của việc miễn thuế GTGT phân bón là doanh nghiệp sản xuất bị thu hẹp, hàng nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam vì có điều kiện cạnh tranh thuận lợi hơn. Cuối cùng, người nông dân vẫn phải mua phân bón nhập giá cao, cùng với tâm lý chuộng hàng ngoại càng tăng thêm lợi thế cạnh tranh so với ngành sản xuất trong nước.
Do đó, nhìn từ lịch sử xét đến hiện tại, ông Thủy đặt ra 2 giả thiết: Nếu không áp thuế GTGT 5% đối với phân bón, doanh nghiệp sẽ phải “chịu đau” thay cho Nhà nước và nông dân. Tình trạng nhập khẩu phân bón tiếp diễn chiếm lĩnh thị trường, ngành sản xuất trong nước èo uột. Hệ lụy kéo theo là thiếu việc làm, người lao động mất việc, suy giảm nguồn thu ngân sách, thiếu các sản phẩm phân bón nội địa chất lượng. Thực tế này đi ngược chủ trương thúc đẩy nông nghiệp.
Nếu áp thuế GTGT 5%, có ý kiến cho rằng nông dân sẽ thiệt. “Nhưng thiệt với so với cái gì? Nếu chỉ so sánh về giá bán thì đây chỉ là cách nhìn trực quan”, “Thuế GTGT thu từ người tiêu dùng cuối cùng, nên nông dân cũng cần tuân thủ sự bình đẳng của pháp luật. Nông sản nằm trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, có sản phẩm đầu ra nên về quy định phải chịu thuế”, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy nhìn nhận.
Lợi ích khác nhìn thấy từ việc áp thuế GTGT 5% phân bón là giúp Nhà nước quản lý được tốt hơn ngành hàng này. Doanh nghiệp sản xuất được khấu trừ, giảm bớt gánh nặng, thúc đẩy đổi mới công nghệ, tái đầu tư sản xuất, bảo đảm lợi ích và nghĩa vụ với chính sách tiền tệ quốc gia, bảo đảm sự công bằng của pháp luật.
Hướng tới bảo đảm lợi ích cho người nông dân trong bài toán thuế GTGT phân bón, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, cần xem xét áp thuế suất mức 5%: “Tuy trước mắt người nông dân có thể “chịu đau” một chút nhưng bảo đảm được hài hòa lợi ích và tạo sức sống mạnh mẽ hơn cho ngành nông nghiệp thì nhìn về lâu dài nông dân không hề chịu thiệt”.
Để người nông dân được hưởng lợi thực chất từ chính sách thuế này, ông Thủy cho rằng Nhà nước đóng vai trò phân bổ nguồn ngân sách thu từ 5% thuế GTGT phân bón, điều tiết lại cho nông dân qua hệ thống sản xuất nông nghiệp. Từ đó, hỗ trợ người nông dân bằng các biện pháp tăng trưởng xanh, khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ chất lượng cao. Điều này đặc biệt cần thiết khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra mục tiêu đến năm 2050 có 50% diện tích nông nghiệp bón phân hữu cơ.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ người nông dân cần được thực hiện trong chống phát thải nhà kính, tín chỉ carbon, tạo tác động lan tỏa xã hội; tập huấn, đào tạo người nông dân để từ đồng tiền biến thành kiến thức cho các cơ sở nghiên cứu giống cây trồng hoặc chương trình cải tạo đất.
“Kiến nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục khảo sát làm rõ tính khoa học và tác động của chính sách bảo đảm lợi ích hài hòa. Mức thuế GTGT 5% là cơ sở bảo đảm lâu dài cho phát triển nông nghiệp, nhưng bắt buộc phải điều tiết được nguồn thu ngân sách tới người nông dân, để chính sách không chỉ là quả thị chỉ có thể ngửi mà không có tác động thiết thực”, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh.
“Chính sách không phải một cơn mưa rào, ai cũng được thụ hưởng, mà có chỗ mưa chỗ không. Không thể cực đoan nghiêng về bảo vệ một thành phần kinh tế mà thiếu đi tính khoa học, cho nên vấn đề hài hòa lợi ích là quan trọng nhất. Nhất là khi phân bón chiếm tỷ trọng đặc biệt lớn trong canh tác, có tác động nhiều đến chuỗi giá trị sản xuất ngành nông nghiệp”, ông Thủy nhìn nhận.
Từ khóa: Thuế GTGT, Thuế GTGT, sản xuất nông nghiệp, phân bón
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: ctv an an/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN