Bài toán bảo đảm lương thực tại châu Âu giữa đại dịch Covid-19

Cập nhật: 15/04/2020

VOV.VN - Ưu tiên lớn nhất của chính phủ các nước châu Âu là phải đảm bảo các nhu cầu thiết yếu của dân chúng, đặc biệt là lương thực, không bị thiếu hụt.

Nước Pháp chính thức thực thi các lệnh phong toả từ ngày 11/3 và từ thời điểm đó, các hoạt động kinh tế gần như tê liệt, chỉ còn lại những ngành có vai trò thiết yếu cho đời sống của người dân và sự vận hành của đất nước trong thời gian khủng hoảng.

bai toan bao dam luong thuc tai chau au giua dai dich covid-19 hinh 1
Một nhóm lao động tại một trang trại ở Tây Ban Nha.

Một loạt thách thức đặt ra đối với nhiệm vụ đảm bảo đầy đủ lương thực cho hơn 60 triệu người, trong bối cảnh hầu như toàn bộ các nước châu Âu cùng bị phong toả, biên giới châu Âu bị đóng cửa, khiến hàng triệu lao động từ các nước Đông Âu và Bắc Phi, vốn chiếm đến 2/3 số lao động thời vụ trong các trang trại tại Pháp, không thể đến Pháp làm việc trong các trang trại. Nhiều cánh đồng rau quả đến vụ thu hoạch không có nhân công.

Theo một thống kê, tính đến đầu tháng 4, sau hơn 3 tuần phong toả, các trang trại và các công ty lương thực Pháp thiếu hụt từ 10-15% nhân công, các công ty vận tải cũng đối mặt với làn sóng nghỉ việc từ lao động khi những người này lo ngại an toàn cho bản thân khi phải làm việc mà thiếu đồ bảo hộ. Tuy nhiên, bất chấp các khó khăn, cho đến nay Pháp vẫn đảm bảo được đầy đủ lương thực cho toàn bộ dân chúng. Nhiệm vụ đầu tiên và lớn nhất, đó là phải đảm bảo mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp diễn ra bình thường.

Bà Christiane Lambert, Chủ tịch Liên đoàn quốc gia các công đoàn sản xuất nông nghiệp (FNSEA), nơi quy tụ các nhà sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Pháp, cho biết:“Về mặt nghề nghiệp, các nông dân không phải chịu phong toả, đây là thời điểm có rất nhiều nông dân đang làm việc với cường độ rất cao.

Chúng tôi cũng có sự tổ chức và đối thoại chặt chẽ với các nhà sản xuất, các công đoàn, các hợp tác xã, các công ty vận tải, nhà máy công nghiệp. Các Bộ trưởng cũng tập hợp chúng tôi thường xuyên để thảo luận tình hình. Chúng tôi cũng tăng cường đối thoại với các nhà phân phối, các siêu thị nên không đang và sẽ không có chuyện thiếu thốn lương thực”.

Để đối phó với việc thiếu hụt nhân công tham gia thu hoạch trong các trang trại rau, quả, từ ngày 24/3, Bộ Nông nghiệp Pháp đã kêu gọi 200 ngàn người Pháp tham gia. Đây là những lao động đang bị thất nghiệp tạm thời do lệnh phong toả, đặc biệt là những người làm trong các ngành khách sạn, nhà hàng, du lịch. Chỉ 1 ngày sau lời kêu gọi, số lao động nộp đơn đã đáp ứng đủ nhu cầu.

Tây Ban Nha cũng đã áp dụng chiến lược tương tự Pháp. Là nước xuất khẩu hoa quả lớn nhất châu Âu, Tây Ban Nha cần đến hơn 300 ngàn lao động thời vụ cho mùa thu hoạch nên bên cạnh việc huy động các lao động thất nghiệp, ngày 7/4, Chính phủ Tây Ban Nha còn ra quyết định cấp phép cho những người nhập cư bất hợp pháp được đến làm việc ở các trang trại.

Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha, Luis Planas cho rằng, đó là giải pháp tốt cho cả hai phía: “Cho đến ngày 30/06, các lao động này sẽ được hưởng một ngoại lệ đặc biệt, được hưởng các trợ cấp xã hội cũng như có thể có được một khoản thu nhập từ công việc trên các cánh đồng. Vì đây là một việc nặng nhọc nên rõ ràng là các lao động trẻ và những người không quá 40-45 tuổi sẽ đáng quan tâm hơn”.

Tại Đức, trước sức ép thiếu lao động, ngày 9/4, Bộ Nội vụ Đức cũng đã nới lỏng quy định, mở cửa biên giới cho phép 40 ngàn lao động Đông Âu được nhập cảnh vào Đức để đến làm việc trong các trang trại. Tuy nhiên, để đảm bảo những người này không có nguy cơ truyền bệnh Covid-19, Đức buộc các trang trại phải sắp xếp các phòng cách ly tại nơi làm việc, với tối đa 2 người/phòng cho các lao động này.

Khi các ưu tiên lớn nhất về sản xuất nông nghiệp được đảm bảo, việc vận chuyển, phân phối hàng hoá đến các chuỗi cung cấp thực phẩm cũng được xem là mắt xích quan trọng tiếp theo. Tại hầu hết các nước đều có các Uỷ ban liên bộ đặc biệt được lập ra và tiến hành thảo luận hàng ngày, với đại diện của các Bộ Kinh tế, Nông nghiệp, Giao thông-vận tải, các nghiệp đoàn giới chủ và công đoàn của người lao động.

Ở cấp độ Liên minh châu Âu, từ cuối tháng 3/2020, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen đã yêu cầu thiết lập “Làn đường xanh” tại biên giới các nước, dành riêng cho các đoàn xe vận tải chở lương thực, thuốc men, với mục tiêu thông quan trong tối đa 15 phút, thay vì phải xếp hàng dài hàng tiếng đồng hồ.

Với tất cả những biện pháp đó, châu Âu cho đến lúc này vẫn đang duy trì tốt an ninh lương thực cho hàng trăm triệu người./.

Từ khóa: virus corona, dịch viêm phổi cấp, vũ hán, dịch corona, viêm phổi cấp

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập