Bài thơ “Trăng ngà” và tình bạn thuở hoa niên

Cập nhật: 15/08/2021

VOV.VN - Nhà thơ Đỗ Nam Cao từng là biên tập viên, phóng viên Đài Phát thanh giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN). Tình bạn giữa nhà thơ Đỗ Nam Cao với liệt sĩ Vũ Dũng là một tình bạn đẹp, trong sáng, còn mãi với thời gian.

Đỗ Nam Cao là sinh viên Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội Khóa 12 – khóa học hội tụ nhiều gương mặt nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng, trong đó có các đồng nghiệp của ông ở Đài TNVN như nhà báo Vĩnh Trà, nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc, nhà báo - nhà văn Nguyễn Hiếu.

Khi tham gia là khách mời trong một chương trình thơ Đỗ Nam Cao ở Đài TNVN, nhà báo Nguyễn Thế Khoa nhắc đến bài “Trăng ngà” với lời nhận xét: Đây là một trong những bài thơ hay của nhà thơ Đỗ Nam Cao. Và một trùng hợp tình cờ, tác giả Hoài Anh trong bài “Thơ Đỗ Nam Cao - nùi rơm ngun ngút cháy” cũng nhắc đến “Trăng ngà”:

“Ẩn khuất đâu đây đầu làng cuối xóm

Dưới bếp hay trên nhà

Bên âm ẩm mùi đống rạ

Con trâu già đứng nhai rơm

 

Có tiếng quẫy

Soi mói cành sung bói cá

Bờ ao đỏ nhói con chuồn

Ẩn khuất đâu đây Dũng ẩn

Lẫn vào đêm trốn tìm

 

Nghe thấy thì thầm trai gái

Trong bụi chuối quả vàng lập lòe đom đóm

Trên cánh đồng mùa màng ngờm ngợp

Người người í ới say mê

Đòn gánh uốn cong deo dẻo

 

Lúa nằng nặng ngực gái quê

Nơi con dốc ngày ngày lững thững

Dũng khuya sớm đi về

Thăm thẳm thuyền từ Kẽm Trống

Vạt cỏ bờ đê vang động

 

Ba bờ sông ngẩn ngơ

Dũng ngồi nghe mãi câu hò

Ẩn khuất đâu đây rút ruột

 

Nỗi đau nghèn nghẹn miên man

Niềm vui hiếm hoi giấu nhẹm

Bao nhiêu thăng trầm có Dũng sẻ chia

Kìa như chênh chênh mái rạ

Dũng ơi đâu đây bàng bạc trăng ngà”.

Nhân vật Dũng trong bài thơ tên đầy đủ là Vũ Dũng, bạn cùng lớp đại học với nhà thơ Đỗ Nam Cao. Theo như lời kể của các cựu sinh viên khóa 12 khoa Ngữ văn Tổng hợp năm xưa, hai chàng sinh viên Đỗ Nam Cao và Vũ Dũng là đôi bạn thân thiết. Họ hợp nhau ở nhiều điểm, đi đâu cũng có nhau. Quê gốc Đỗ Nam Cao ở Hà Tây, lớn lên ở Quảng Ninh. Quê Vũ Dũng ở thôn Đoan Vỹ, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Đó là một làng quê thuần nông, có giếng nước, mái đình, cây đa, có núi, có sông, có những cánh đồng bát ngát. Nơi Dũng sinh ra và lớn lên là ngôi nhà lợp bằng rơm rạ nằm trong khu vườn rộng mênh mông, với bóng dừa, bóng sung, bóng nhãn sum xuê ngả xuống những bờ ao; phóng tầm mắt ra xa, ngược lên phía dốc là con đê chạy dài, bờ cỏ mướt xanh, ngoài đê ấy là dòng sông Đáy bao la.

Làng quê Dũng ở chốn ngã ba sông, ba làng, ba tỉnh nghe chung tiếng gà (tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình). Nhà Dũng rất nghèo, chung cái nghèo của nông thôn đồng bằng Bắc bộ thời điểm ấy. Dũng là út trong gia đình 10 anh chị em, Dũng lại sớm mồ côi mẹ, lớn lên, đi học trong sự trông ngóng của người cha, sự đùm bọc của các anh trai và chị gái, và khi trở thành sinh viên khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp, Dũng mang theo lên Hà Nội ước mơ của riêng Dũng cùng niềm tin, sự trông đợi của cả gia đình.

Dũng khát khao trở thành một người làm văn chương chuyên nghiệp. Dũng khao khát được lăn vào thực tế. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra quyết liệt, cần những người trai dấn thân, hy sinh. Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Như nhiều sinh viên trí thức khác, Dũng tạm dừng bút nghiên, xung phong đi bộ đội, vào thẳng chiến trường Quảng Trị.

Trong trí nhớ của người anh trai nay đã ngoài 80 tuổi, em út ông - Vũ Dũng - cao to đẹp trai nhất nhà, thông minh học giỏi nhất nhà, là niềm tự hào của cả gia đình. Ở một trong những mặt trận khắc nghiệt nhất, Dũng trở thành pháo thủ chính, và Dũng đã hy sinh anh dũng trên mâm pháo. Sau trận tấn công điên cuồng của giặc, đồng đội đi tìm, chỉ biết đoán rằng “khúc đùi to nhất dài nhất này là của Dũng”.

“Trăng ngà” của nhà thơ Đỗ Nam Cao đã được ra đời từ niềm thương nhớ ấy, thương nhớ người bạn thuở hoa niên, thương nhớ những ngày hè bên bạn, cùng tắm sông, cùng lên núi Động, cùng bẫy chim bắt cá, ăn chung củ khoai hạt lạc dưới mái tranh nghèo ở làng quê Đoan Vỹ, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Kể từ khi chia tay bạn, mỗi người mỗi ngả chiến trường, dẫu không có dịp trở lại quê bạn nữa, thì những ảnh hình tươi xanh ấy đã ghim chặt trong trái tim rời rợi tuổi đôi mươi, để một lúc nào đó, nhà thơ Đỗ Nam Cao bật lên “Dũng ơi đâu đây bàng bạc trăng ngà”…

Miền kỷ niệm về người bạn học thuở hoa niên có lẽ chưa bao giờ nguôi trong tâm hồn nhà thơ Đỗ Nam Cao, dù chính ông đã phải nếm trải nhiều cơn gió thời cuộc thổi dữ dội qua đời mình. Và góc tưởng niệm mà những người bạn khoa Ngữ văn K12 Đại học Tổng hợp dành cho liệt sĩ Vũ Dũng chính là niềm an ủi lớn lao đối với gia đình liệt sĩ, xoa dịu một phần nỗi đau mất mát. Họ như được thấy lại phần nào bóng hình con em họ.

Giờ này, ở thế giới bên kia, hai người bạn Đỗ Nam Cao và Vũ Dũng chắc chắn đã tìm thấy nhau, cùng ôn lại những ngày chung giảng đường, chung nơi sơ tán, chung cuốn sách đọc. Họ sẽ cười vang nhắc đến những kỳ nghỉ hè về quê Dũng, ra ao bắt cá, đi tắm sông, và khi đêm xuống cùng ngắm ánh trăng rời rợi trải mênh mông, phủ lên những tàn cây mái rạ, những nẻo đường, vạt cỏ, bờ đê lóng lánh.

"Kìa như chênh chênh mái rạ

Dũng ơi đâu đây bàng bạc trăng ngàn"./.

Từ khóa: Đỗ nam Cao, nhà thơ Đỗ nam Cao, văn học

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập