Bài thơ dung dị của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ
Cập nhật: 17/03/2020
Những vần thơ nhẹ nhàng khiến tâm hồn người đọc như lắng lại giữa những lo toan về dịch dã.
Trong những ngày cả đất nước căng mình chống dịch, cuộc sống của tất cả mọi tầng lớp nhân dân đều bị đảo lộn.
Không ít người, giữa sự ngột ngạt bức bối kéo dài, giữa bộn bề lo toan miếng cơm manh áo, đã lên mạng xã hội bày tỏ sự tức giận, thậm chí chia sẻ những thông tin không được kiểm chứng, tạo nên một sự lo sợ, hoảng loạn đôi khi thiếu căn cứ.
Tuy nhiên, cũng có những người tĩnh lặng, bình tĩnh theo dõi tình hình, tin tưởng vào "trận chiến" chống dịch của Chính phủ, của các ban ngành. Với họ, đó là khoảng thời gian cần sự bĩnh tĩnh cao độ, cần sự tin tưởng, cần góp chút sức nhỏ bé đồng lòng chống dịch.
Trong những khoảnh khắc tĩnh lặng đó, họ đã lắng nghe được những âm thanh vô hình, đã cảm nhận được vị ngọt ngào rất đỗi bình dị của cuộc sống ngay chính xung quanh mình, mà lâu nay, sự bận rộn, sự lo toan tưởng như đã khuất lấp.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ.
Có mấy ai trong cái xô bồ công việc, gia đình, con cái, chợt nhớ ra một cây thiết mộc lan cạnh phòng, rất lâu rồi, dường như mình không còn để ý đến nó. Cái cây ấy tồn tại như một sự mặc định, hương thơm thoang thoảng đó như một lẽ dĩ nhiên, còn người viết cứ mải mê với từng trang viết.
Nhưng đến một ngày, giữa cơn quay cuồng vì dịch dã, giữa ngồn ngộn những thông tin đầy lo âu, giữa những gương mặt người chỉ còn nhìn nhau qua lớp khẩu trang lạnh lẽo, vô cảm, bất chợt ngồi trong căn phòng quen thuộc, thứ hương thơm tưởng chừng hiển nhiên đó len lỏi qua từng bước chân, từng sự cảm nhận, giản dị mà khiến tâm hồn lắng lại, an nhiên đến lạ.
"Cây ở cạnh phòng bấy lâu nay
Mùa hoa, hương đậm vẫn dâng đầy
Người văn mê mải bao trang viết
Ngọn bút tẩm hương chữ vờn bay
Mấy hôm dịch dã đi qua phố
Khẩu trang chẳng dấu mắt thâm quầng
Hôm nay lại có thêm người nhiễm
Dịch lớn bùng rồi phía trời tây
Tiếng đài, mặt báo tràn Covid
Không gian phảng phất thuốc sát trùng
Điện thoại rã rền mùa chống dịch
Gọi nhau, mấy lớp vải kín bưng
Kiều bào nhắn tin, mừng đất nước
Chính phủ chăm lo mọi người dân
Bên này, nước giàu khoe phúc lợi
Dịch về, hoảng hốt với tủi thân
Đang mải buồn vui, cơn gió qua
Mộc lan theo bước ngát khắp nhà
Khẩu trang cũng muốn người thư thái
Mở hết tấm tình đón hương hoa".
(Thiết Mộc Lan, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ)
Cũng những ngày này, không ít gia đình buộc phải chấp nhận cuộc sống "thời chiến", mọi hoạt động gần như đình trệ, trường học đóng cửa, "sơ tán" con, cháu về quê.
Đang ngày ngày cả bầy con trẻ lanh lảnh như tiếng chuông gió tíu tít khắp nhà, niềm vui vầy của ông bà, mẹ cha, bỗng chỉ còn thấy qua chiếc màn hình điện thoại, qua những tin nhắn lúc có, lúc không.
Trẻ thơ về quê thì chúng vui thật đấy, háo hức và mới mẻ thật đấy, nhưng kỳ nghỉ cứ dài ra, dài ra mãi, đến nỗi không biết khi nào mới kết thúc, khiến không chỉ ông bà mẹ cha nơi thành phố, mà ngay bản thân lũ nhóc cũng nhớ Hà Nội, nhớ món kem Bờ Hồ, nhớ tiếng bạn bè bi bô, bi bô...
Tiếng lòng ấy, giờ không phải của riêng tác giả nữa rồi, mà là của biết bao gia đình ngoài kia, chỉ mong "trận chiến" này qua nhanh, để sự đoàn tụ, sum vầy, lại đong đầy trong ánh mắt...
“Na, Mía tạm về Vinh
Mắt ngóng ra Hà Nội
Một ngày mấy lần gọi
Ba Nhật mẹ Hằng ơi!
Chị Bảo Chi đâu rồi
Cả anh Lâm Phong nữa
Bác Mai còn mấy bữa
Đưa anh chị về cùng
Ông bà nội có khỏe
Việc làm mãi chẳng xong
Đôi khi ba bốn bữa
Ghé cháu, nhà tưng bừng
Về ngoại, chúng cháu khỏe
Mỗi bữa hai bát cơm
Nghe bảo ăn nhiều thế
Cô-vít cũng khóc nhè
Nhưng mà nhớ Hà Nội
Thèm ăn kem Bờ Hồ
Thèm tiếng cô trên lớp
Cùng bè bạn bi bô
Ở đây xa ngái quá
Gọi điện nhiều, vẫn buồn
Na vội cầm bút vẽ
Em Mía mở sách luôn
Bức tranh này, là cháu
Đứng bên đóa Hướng dương
Là hướng về Hà Nội
Nhớ bao người yêu thương
Bức tranh này, mai mốt
Thắng giặc Cô-vít rồi
Giữa vòng tay ba mẹ
Cả nhà cùng rong chơi”.
(Nhớ Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ)
Thuần Vũ
Từ khóa:
Thể loại: Tin hoạt động VOV
Tác giả:
Nguồn tin: R&D