Bài học xương máu với châu Âu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19
Cập nhật: 12/04/2020
After devastating flash floods, villagers get new homes in resettlement area
Những hình ảnh ấn tượng tại đêm chung kết Hoa hậu Đồng bằng sông Cửu Long 2024
VOV.VN - Khi Covid-19 mới bùng phát ở Trung Quốc, các nước châu Âu đều nghĩ rằng, họ sẽ ổn, nhưng thực tế lại khắc nghiệt hơn rất nhiều.
Bài học xương máu
“Andrà tutto bene” – [tạm dịch: “Mọi thứ rồi sẽ ổn-ND] là cách người Italy hướng tới sự tích cực trong tư duy khi đối mặt với nghịch cảnh. Tuy nhiên, trong đại dịch Covid-19, dường như mọi chuyện đang diễn ra vượt tầm kiểm soát của châu Âu.
Italy đang đơn độc trong cuộc chiến chống Covid-19 bởi không nhận được sự ủng hộ của Đức và Hà Lan. Ảnh: AP |
Tổng thống Macron đã phải thừa nhận, Pháp “đang trong cuộc chiến với một kẻ thù vô hình” khi đánh giá về những hệ lụy về kinh tế và xã hội mà Covid-19 gây ra đối với nước này. Ông Macron cũng cảnh báo: “Giai đoạn này sẽ dạy cho chúng ta rất nhiều bài học. Rất nhiều thứ tưởng chừng như chắc chắn nhất rồi cũng bị cuốn bay.
Những điều chúng ta từng nghĩ không thể xảy ra, đã xảy ra. Ngày chúng ta giành chiến thắng, mọi thứ sẽ không còn như xưa nữa, chúng ta sẽ phải mạnh mẽ hơn và phải rút ra được bài học từ những hệ lụy của đại dịch này”.
Tại Đức, cựu Ngoại trưởng Sigmar Gabriel đã lên tiếng than phiền rằng: “Chúng ra đã nói về chuyện phong tỏa xã hội suốt 30 năm qua” - [ám chỉ sự chậm trễ của Chính phủ trong việc đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt phòng, ngừa Covid-19-ND] và bày tỏ tin tưởng, thế hệ tiếp theo ở Đức sẽ “ít ngây thơ hơn” về tác động của dịch bệnh trong tiến trình toàn cầu hóa.
Trong bối cảnh đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã lên tiếng kêu gọi các nước cần đoàn kết để có thể vượt qua dịch bệnh Covid-19: “Mối quan hệ giữa các nước chưa bao giờ phức tạp như hiện nay. Covid-19 đã chỉ ra rằng, hoặc đoàn kết hoặc chúng ta sẽ thất bại”.
Lời kêu gọi của ông Guterres được cho là đang “đánh động” đến Anh, quốc gia vốn bị “giằng xé” trong những tranh cãi về Brexit, giờ càng chia rẽ hơn trong việc liệu có thể đơn độc giải quyết được dịch Covid-19 hay không. Nếu câu trả lời là không, những “nền tảng về sự độc lập” mà Anh khao khát khi quyết rời bỏ EU liệu có trở nên vô giá trị?
Mỹ-Trung-EU và cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa đại dịch Covid-19
Cuộc cạnh tranh ngấm ngầm
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, đang diễn ra “cuộc cạnh tranh ngấm ngầm” trong nội bộ các quốc gia EU nhằm giành lấy những lợi thế cho mình trong cuộc chiến đối phó với dịch bệnh Covid-19.
“Cuộc cạnh tranh ngấm ngầm” này được thể hiện bằng những nỗ lực của các y, bác sỹ của các quốc gia trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh; của các nhân viên ngoại giao tích cực bảo vệ hình ảnh của quốc gia trước sự chỉ trích của các đối tác về các biện pháp xử lý dịch bệnh và cả cách các nước “nhìn sang các nước láng giềng” để xem vì sao họ có thể “làm phẳng đường cong dịch bệnh” nhanh đến thế.
Trung tâm nghiên cứu Crisis Group cho rằng, Covid-19 sẽ “thay đổi vĩnh viễn các chính sách quốc tế”: “Đến thời điểm này, chúng ta đang chứng kiến 2 thái cực hoàn toàn đối nghịch nhau trong EU: Một cho rằng, các nước cần đoàn kết để đối phó tốt hơn với Covid-19 và xu hướng còn lại là các nước nên đứng riêng rẽ để bảo vệ bản thân tốt hơn trong dịch bệnh”.
Chính “cuộc cạnh tranh ngấm ngầm” này đã đẩy các quốc gia châu Âu vào tình thế nghi ngờ lẫn nhau và như bà Nicole Gnesotto, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Jacques Delors Institute chỉ rõ: “Châu Âu đã không có sự chuẩn bị tốt để đối phó với dịch Covid-19 và khi mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn, họ chỉ biết đóng cửa lại và chỉ trích những nước khác”.
Máy bay Nga chở số khẩu trang viện trợ cho Tây Ban Nha. Ảnh: AFP |
Italy, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 chắc chắn hiểu rõ điều này hơn hết. Cả Đức và Hà Lan đều đang nghi ngờ Italy lợi dụng tình hình dịch bệnh ở Lombardy để giành lấy những khoản trái phiếu ưu đãi mà các nước Bắc Âu hỗ trợ các quốc gia Nam Âu từng gặp khủng hoảng về tài chính trước đó.
Đáp lại, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cảnh báo, EU đang “có một cuộc hẹn với lịch sử” và nếu EU không chịu hỗ trợ các nước Nam Âu, khối này rất dễ bị tan rã. Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa thậm chí còn nặng lời hơn khi chỉ trích những nghi ngờ của Hà Lan là ‘nhỏ nhen” trong khi Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha González cảnh báo: “Cabin hạng nhất cũng không cứu được ai nếu cả con thuyền chìm”.
Không những không hỗ trợ về tài chính, Đức và Hà Lan thậm chí còn ngăn trở những chuyến hàng viện trợ về khẩu trang và trang thiết bị y tế từ Nga và Trung Quốc trên đường qua 2 nước này đến Italy. Cựu Thủ tướng Italy Enrico Letta đã chỉ trích gay gắt hành động này của cả Đức và Hà Lan.
“Các nhân viên hải quan Đức đã ngăn cản một số lượng lớn khẩu trang trên những xe tải của Nga tiến vào biên giới nước này để chuyển đến Rome cũng như hàng triệu khẩu trang mà Trung Quốc tìm cách chuyển cho chúng tôi. Những hành động này khiến cho chúng tôi buộc phải nói rằng: “Thấy chưa, chúng ta chẳng thể trông đợi gì từ EU hết”.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, mọi chuyện sẽ sớm thay đổi khi từng nước EU đang cảm nhận rõ rệt sức tàn phá khủng khiếp của dịch bệnh Covid-19. Đến thời điểm đó, họ sẽ hiểu được rằng, phải thực sự đoàn kết nếu không muốn mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU Josep Borrell khẳng định: “Sau giai đoạn đầu bị chia rẽ bởi các quốc định mang tính cá nhân của mỗi quốc gia, chúng ta sẽ bước vào giai đoạn hợp tác và khi đó, EU sẽ đóng vai trò điều phối trung tâm. Khi khủng hoảng dịch bệnh mới diễn ra, nhiều nước đã không chịu hợp tác mà đi theo cách riêng của mình. Giờ thì họ cũng đã hiểu rằng, cách duy nhất để vượt qua dịch bệnh là đi cùng với nhau”./.
Từ khóa: Covid-19, châu Âu, bài học xương máu, cạnh tranh ngấm ngầm, Trung Quốc
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN