Bài học về công tác nhân sự nhìn từ các đại hội cơ sở
Cập nhật: 07/07/2020
Chủ tịch Quốc hội dâng hương tưởng niệm nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh
Bộ máy của Chính phủ sẽ được tinh gọn từ 30 xuống còn 21 đầu mối
VOV.VN - Một trong những nguyên nhân khiến công tác nhân sự đại hội không thành công là do tổ chức cơ sở đảng mất đoàn kết nội bộ, sai phạm
Nhìn lại các đại hội đảng cơ sở và đại hội điểm cấp trên cơ sở thời gian qua, một trong những thành công lớn nhất của các đại hội là công tác nhân sự được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, công tâm, khách quan; thực hiện đúng quy trình, nguyên tắc tập trung dân chủ nên tạo sự nhất trí cao. Những nơi nào có vấn đề về mất đoàn kết nội bộ thì phải tập trung giải quyết đơn thư, tập trung xử lý thay thế cán bộ… Nếu nhân sự dự kiến không trúng cấp ủy tại đại hội thì quyền quyết định cao nhất là đại hội.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Thanh Trì (TP Hà Nội) nhiệm kỳ 2020-2025 (Ảnh: Cổng TTĐT TP Hà Nội) |
Phát hiện, giải quyết sai phạm, mất đoàn kết
Nêu kinh nghiệm tại cuộc tọa đàm mới đây do Báo điện tử Đảng Cộng sản tổ chức, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, ông Vũ Đức Bảo cho biết, đến thời điểm này, cơ bản có thể khẳng định công tác nhân sự ở các đại hội cơ sở của Hà Nội đã thành công. Yếu tố làm nên thành công đó là việc tích cực thực hiện Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15, tập trung củng cố tổ chức cơ sở đảng yếu kém trong nhiều năm vừa qua. Ông Bảo cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến công tác nhân sự đại hội không thành công là do tổ chức cơ sở đảng có vấn đề đoàn kết nội bộ, vấn đề sai phạm, có những vấn đề chưa thật thống nhất, đặc biệt là những sai phạm của cán bộ.
Do vậy, trước đại hội, Hà Nội đã xác định có 83 tổ chức cơ sở đảng, là xã, phường, thị trấn có nhiều vấn đề trong sai phạm, mất đoàn kết để tập trung giải quyết các vấn đề đơn thư, tập trung xử lý thay thế cán bộ, tập trung vào những vấn đề đảng viên quan tâm ở địa phương...
Kết quả là 83/83 tổ chức cơ sở đảng đã tổ chức thành công đại hội. Tuy nhiên, cá biệt còn một số đại hội ở xã, phường, nhân sự chủ chốt không trúng cử Ban chấp hành. Đại hội đảng bộ của 3 đơn vị làm điểm đều thành công, trong đó 2 đơn vị bầu trực tiếp Bí thư.
Tại Ninh Bình, có 665/665 đảng bộ, chi bộ cơ sở trong Đảng bộ tỉnh đã tổ chức thành công đại hội. Hiện toàn tỉnh đã bố trí được 59 bí thư và 22 chủ tịch UBND cấp xã không là người địa phương. Tại các đại hội đảng bộ cấp xã, các nhân sự bí thư, chủ tịch UBND không là người địa phương đều trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu cao, từ 92% trở lên.
Để có được thành công đó, theo bà Bùi Mai Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình, công tác nhân sự đại hội được tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, quy định; bảo đảm tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ và đổi mới cấp ủy.
Việc ứng cử, đề cử, bầu cử tại đại hội và hội nghị ban chấp hành được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục bầu cử theo Quy chế bầu cử trong Đảng; danh sách bầu cử cấp ủy, ban thường vụ và ủy ban kiểm tra cấp ủy có số dư theo đúng tỷ lệ quy định; bầu một lần đủ số lượng, cơ bản đúng nhân sự dự kiến, các nhân sự trúng cử đều đạt số phiếu bầu cao.
Đặc biệt, trong quá trình chuẩn bị nhân sự, nhiều nơi cấp ủy đã kết hợp công tác chuẩn bị nhân sự đại hội gắn với thực hiện chủ trương bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND cấp xã không là người địa phương.
Bầu trực tiếp bí thư cấp ủy: Khách quan, công tâm …
Về bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội, ông Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, ngay từ đầu, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chủ động và có sự chuẩn bị để làm thật tốt, vừa đảm bảo yêu cầu của Trung ương, vừa đảm bảo được thực tế của Hà Nội.
Ông Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội (Ảnh: dangcongsan.vn) |
Cụ thể, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chuẩn bị rất kỹ việc triển khai thực hiện chủ trương này từ khâu rà soát các đảng bộ, xem xét khách quan, thậm chí xem xét cụ thể những cá nhân sẽ là nhân sự để bầu trực tiếp bí thư tại đại hội để đảm bảo nguyên tắc dân chủ, ổn định và phát triển.
Bên cạnh đó,phải quán triệt trong Đảng ủy trên tinh thần xây dựng, đóng góp. Thật ra, tâm lý các đồng chí bí thư trước đại hội không khỏi lo lắng, hồi hộp… Nhưng rõ ràng, việc xác định trách nhiệm, uy tín của các đồng chí trước đại hội và tinh thần xây dựng của các đại biểu dự đại hội trên nguyên tắc cái chung, căn cứ hiệu quả của cấp ủy và năng lực của đồng chí bí thư để sáng suốt lựa chọn. Quan trọng là phải hết sức khách quan, công tâm vì cái chung chứ không có bè cánh, lôi kéo…
Điều đặc biệt là quy trình bầu trực tiếp bí thư tại đại hội phải rất kỹ càng, từ việc lấy tín nhiệm, thông qua ban chấp hành rồi bầu trực tiếp bí thư tại đại hội. Nội dung này trong công tác điều hành chuẩn bị đại hội phải làm rất chu đáo, chuẩn chỉ và đồng chí bí thư khi trình bày chương trình hành động của mình phải có sức thuyết phục, tạo được niềm tin của đại hội.
Với công tác chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy nên bước đầu Hà Nội đã tổ chức thành công một số đại hội cơ sở và đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở. Từ kinh nghiệm này, tới đây đồng loạt một số quận huyện, một số đảng bộ trực thuộc đã đăng ký việc bầu trực tiếp bí thư tại đại hội.
Nhân sự dự kiến không trúng cấp ủy: Quyền quyết định cao nhất là đại hội
Về kinh nghiệm giải quyết vấn đề nhân sự dự kiến không trúng cấp ủy tại đại hội, ông Vũ Đức Bảo cho rằng,trước tiên, quyền quyết định cao nhất là đại hội. Đại hội sẽ bầu ra ban chấp hành, ban chấp hành bầu ra các vị trí chủ chốt. Như vậy, các cán bộ chủ chốt không trúng cử thể hiện tín nhiệm không cao.
“Về nguyên tắc, chúng ta phải tôn trọng kết quả của đại hội. Sau này, ban thường vụ các cấp sẽ quyết định”- ông Bảo nêu quan điểm.
Bà Bùi Mai Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình (Ảnh: dangcongsan.vn) |
Cũng bàn về vấn đề này, bà Bùi Mai Hoa- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình cho rằng, nếu nhân sự dự kiến không trúng cấp ủy thì người chủ trì phải rất bình tĩnh, xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy cấp trên và tiếp tục điều hành đại hội theo chương trình đã được thông qua. Sau đại hội sẽ căn cứ nhân sự cụ thể để xin ý kiến cấp trên và kiện toàn vào một phiên họp ban chấp hành trong nhiệm kỳ mới. Vấn đề này không thể bổ sung luôn trong đại hội, vì nhân sự trước khi đưa vào danh sách phải làm quy trình với nhiều bước trong quy định theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.
Cùng quan điểm, Bí thư Thành ủy Hải Dương Lê Đình Long cho rằng, phải làm đúng nguyên tắc bầu cử. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là sắp xếp vị trí cho các nhân sự không trúng cử vào ban chấp hành như thế nào.
Ông Long cho biết: “Về kinh nghiệm của Hải Dương, với những cá nhân uy tín giảm sút, ngay từ đầu, chúng tôi sẽ làm việc, trao đổi, vận động tuyên truyền. Theo đó, có người được cho nghỉ theo quy định, có người được bố trí các vị trí công tác khác, thậm chí vẫn cho tham gia dự đại hội nhưng sau đại hội sẽ phân công. Có những vị trí nhân sự chưa đảm bảo điều kiện sẽ bầu khuyết và sau đại hội, ban thường vụ sẽ xem xét để chỉ định bổ sung...”./.
Từ khóa: Đại hội Đảng, Đại hội cơ sở, đại hội cấp trên cơ sở, công tác nhân sự, nhân sự đại hội
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN