Bài 2: Những Phó Bí thư mang quân hàm xanh
Cập nhật: 23/10/2019
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp từ mô hình rau an toàn tại Đông Anh, Hà Nội (25/11/2024)
Phát triển bền vững thương mại điện tử để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số (26/11/2024)
VOV.VN - Việc đưa cán bộ biên phòng về làm Phó Bí thư Đảng ủy các xã biên giới đã góp phần xây dựng biên giới vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc.
LTS: Tại tỉnh Sơn La, thực tiễn qua nhiều năm tăng cường cán bộ biên phòng cho 17 xã biên giới trên địa bàn và 3 năm thực hiện đề án “Bố trí chức danh cán bộ Bộ đội biên phòng là Phó Bí thư Đảng ủy xã biên giới” đã chứng minh đây là chủ trương đúng, trúng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Trả lời phỏng vấn với VOV, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Sơn La Lê Hồng Long khẳng định: “Việc đưa cán bộ biên phòng tăng cường cho các xã biên giới ở Sơn La có ý nghĩa thiết thực với địa phương, góp phần xây dựng địa bàn biên phòng, khu vực biên giới vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc trên biên giới”.
Bài 2 trong loạt bài “Cùng đồng bào xây cột mốc sống nơi biên ải” sẽ giới thiệu tới quý vị và các bạn về những Phó Bí thư xã mang quân hàm xanh.
>>Cùng đồng bào xây “cột mốc sống” nơi biên ải:Duy trì bữa sáng cho em
Bộ đội Biên phòng tuyên truyền vận động nhân dân bảo vệ đường biên, cột mốc. |
Bản Láy có 128 hộ, trên 760 nhân khẩu, thuần dân tộc Mông sinh sống. Với tập quán sản xuất tự cấp tự túc, bà con quanh năm chỉ quanh quẩn với mảnh nương vạt ruộng, đời sống rất khó khăn. Hiện tới hơn một nửa số hộ dân trong bản vẫn thuộc diện hộ nghèo.
Sớm mùa Thu trời còn giăng mây phủ, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Xuân Đỗ Văn Lời đã có mặt tại hộ gia đình anh Phàng A Cha, ở bản Láy, xã biên giới Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.Nhà anh Phàng A Cha có gần héc ta đất nương, mấy đời trồng ngô, trồng sắn, nhưng cố lắm cũng chỉ đủ ăn. Được cấp ủy, chính quyền xã, bản tuyên truyền, hướng dẫn, 2 năm nay, anh và gia đình mạnh dạn chuyển dần diện tích đất nương sang trồng cây ăn quả. Dù chưa đến ngày thu hoạch, song nhìn những vạt đồi xanh thẳm đang thay thế màu vàng úa của ngô lúa ngày nào, anh hoàn toàn tin tưởng vào trái ngọt ngày mai.
“Tôi thấy trồng ngô với lúa chủ yếu để ăn thôi. Nhưng làm ngô thì không hiệu quả vì đất ngày càng bạc màu đi. Đầu tư nhiều nhưng không năng suất, có nhà làm còn lỗ nên nhà tôi đã chuyển sang trồng cây ăn quả như nhãn, xoài… và các loại cây có giá trị. Nhà tôi mới trồng được hơn 1 năm, sau 3-4 năm sẽ có thu nhập ổn định”, anh Phàng A Cha nói.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Đỗ Văn Lời là Trung tá bộ đội biên phòng, mới được tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã theo Đề án phối hợp giữa Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng với Tỉnh ủy Sơn La. Trước khi là Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Xuân, Trung tá Lời đã phụ trách địa bàn này từ hơn 10 năm trước; hàng chục năm bám xã, bản, cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc với đồng bào, anh đã được người dân địa phương coi là người con của bản.
Là xã đặc biệt khó khăn, tiếp giáp với 2 tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa và có gần 3 km đường biên giáp với nước bạn Lào, nên tình hình an ninh trật tự ở Tân Xuân rất phức tạp. Trên cương vị Phó bí thư Đảng ủy xã, Trung tá Lời đã cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trực tiếp tuyên truyền, vận động bà con tham gia chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; cùng với các đoàn thể tích cực tuyền truyền, vận động đồng bào dân tộc Mông thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc ma chay, không để người chết trong nhà lâu ngày, chôn cất phải đưa người mất vào trong quan tài... Đồng thời, làm tốt công tác nắm tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống, góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các chi bộ đảng, tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Đỗ Văn Lời hướng dẫn bà con chăm sóc vườn cây ăn quả. |
“Kinh nghiệm của tôi là trước mắt phải gần dân, nghe dân nói. Sau đó, về phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương để bàn bạc, nhằm đưa ra các chủ trương đúng đắn để tiếp cận, chuyển đổi cho nhân dân nắm được, biết được. Từ đó, nhân dân mới tin tưởng, mới ủng hộ mình”, Trung tá Lời nói.
Tích cực “4 cùng” với nhân dân, sỹ quan biên phòng Trần Đức Thể trên cương vị Phó Bí thư Đảng ủy xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu cũng luôn được người dân nơi biên giới coi như người thân trong gia đình. Là xã còn nhiều khó khăn, nơi đồng bào Mông chiếm gần 50% dân số, những năm trước đây, các mặt công tác, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính quyền ở Lóng Sập còn nhiều hạn chế. Chi bộ bản là hạt nhân chính trị ở cơ sở, tuy nhiên trên địa bàn Lóng Sập những năm trước đa số là chi bộ ghép, đảng viên ít, tổ chức chi bộ thiếu bền vững.
Sau khi được tăng cường về xã, Trung tá Trần Đức Thể đã trực tiếp dự sinh hoạt chi bộ ở các bản, hướng dẫn các chi bộ trình tự sinh hoạt chi bộ, tổ chức đại hội, ra Nghị quyết và triển khai Nghị quyết, phát triển đảng viên… giúp ổn định tổ chức cơ sở đảng. Đến nay, các chi bộ trên địa bàn xã Lóng Sập không còn chi bộ ghép, nhiều chi bộ đã chủ động trong xây dựng Nghị quyết và cụ thể hóa các nghị quyết bằng hoạt động cụ thể.
“Trước khi được bổ nhiệm, chúng tôi cũng được tập huấn một thời gian về công tác chính trị, cũng như về phát triển kinh tế xã. Trong quá trình công tác thực tế, có vấn đề gì, lại tiếp tục trao đổi với các anh các chị trên Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Bước đầu như vậy; sau một thời gian 3 đến 6 tháng tôi bắt đầu thấy quen việc và thấy ổn, công việc cứ thế diễn ra”, Trung tá Thể cho hay.
Trung tá Trần Đức Thể và Trung tá Đỗ Văn Lời là 2 trong số những cán bộ biên phòng được đưa về làm Phó Bí thư Đảng ủy các xã biên giới theo chủ trương của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các địa phương có đường biên giới trong cả nước. Đây là chủ trương lớn, đã được triển khai trong nhiều năm. Tại tỉnh Sơn La, chủ trương này được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh cụ thể hóa bằng Đề án “Bố trí chức danh cán bộ bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La tăng cường các xã biên giới”.
Thực tế cho thấy, với bản lĩnh, kinh nghiệm, sự nhiệt tình và cách làm việc khoa học, hiệu quả, các cán bộ Biên phòng đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương từng bước xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở ngày một vững mạnh.
Ông Dương Anh Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sơn, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La nói: “Chủ trương này rất là đúng, rất kịp thời. Các đồng chí xuống đã giúp rất nhiều cho xã, giúp xã sát hơn, kịp thời hơn trong công tác quản lý, trong công tác nắm bắt tình hình và giúp phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các cơ sở các xã biên giới đối với Đồn trực thuộc nằm ở sát với xã đó. Tôi thấy đây là chủ trương rất đúng ý Đảng, lòng dân”.
Đến tháng 8 năm 2019, tỉnh Sơn La đã bố trí đủ 17/17 xã biên giới có cán bộ bộ đội biên phòng tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã. Đội ngũ này đã cùng cấp ủy, chính quyền xã triển khai thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên. Theo đó, đã xét kết nạp đảng 360 đảng viên, trong đó có 43 đảng viên ở bản đặc biệt khó khăn nơi có ít đảng viên; tham mưu thành lập mới, chia tách 8 chi bộ.
Con số này cho thấy hiệu quả của việc triển khai thực hiện Đề án bố trí chức danh cán bộ bộ đội biên phòng tăng cường các xã biên giới, góp phần xây dựng địa phương khu vực biên giới vững mạnh về chính trị, ổn định về kinh tế, an ninh trật tự.
Việc đưa cán bộ biên phòng về làm Phó Bí thư Đảng ủy các xã biên giới đã đạt kết quả nhiều mặt, có ý nghĩa thiết thực đối với địa phương, góp phần xây dựng địa bàn biên phòng, khu vực biên giới vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc.
Để những Phó Bí thư mang quân hàm xanh tiếp tục có nhiều đóng góp, tham gia xây dựng cơ sở chính trị khu vực biên giới ngày càng vững mạnh, thực tiễn từ công tác củng cố hệ thống chính trị vùng biên giới Sơn La cho thấy cần xây dựng, điều chỉnh một số chủ trương, chính sách cho thật phù hợp./.
Từ khóa: bộ đội biên phòng, cột mốc sống tại biên giới, đại đoàn kết dân tộc, Phó Bí thư mang quân hàm xanh
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN