Bài 1: Những cái chết trên vùng tranh chấp đất

Cập nhật: 23/02/2020

VOV.VN - Việc tranh chấp đất đai nhiều năm qua ở các tỉnh Tây Bắc không chỉ dẫn đến các vụ án mạng đau lòng mà còn khiến tình trạng khiếu kiện kéo dài.

LTS: Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Bắc - nơi đất rộng, người thưa đã xảy ra nhiều vụ án mạng kinh hoàng, đau xót là có những vụ sát hại nhau trong chính một gia đình. Nguyên nhân của tình trạng này là do mâu thuẫn từ việc tranh chấp đất đai, nhiều diện tích đất vùng cao không quy chủ, không cấp được bìa đỏ, hoặc đất cấp trong bìa không giống như thực tế, đất không có giấy tờ; Việc xác định, điều chỉnh, chia tách địa giới hành chính nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế của địa phương; Một bộ phận người dân còn thiếu hiểu biết, thờ ơ với việc đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Việc tranh chấp đất đai nhiều năm qua ở các tỉnh Tây Bắc không chỉ dẫn đến các vụ án mạng đau lòng mà còn khiến tình trạng khiếu kiện kéo dài, gây mất an ninh trật tự. Đây là một thực tế báo động cần các giải pháp cụ thể, hữu hiệu và kịp thời trong công tác địa chính.

Loạtphóng sự với nhan đềTranh chấp đất đai ở Tây Bắc:Tấc đất -Mạng người”của nhóm phóng viên VOV thường trú khu vực Tây Bắc đề cập thực trạng này.

 nhung cai chet tren vung tranh dat hinh 1
Hiện trường vụ thảm án do tranh chấp đất ở Huổi Lèng, Mường Chà, Điện Biên.

Bản Ma Lù Thàng, xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đã 3 năm trôi qua, không khí tang thương vẫn như bao trùm khắp các nẻo. Căn nhà gỗ nhỏ hoang vắng, cửa đóng then cài của ông Sùng Sái Dơ, dân tộc Mông, sinh năm 1950 u ám như mới có đám. Ông là một trong 3 nạn nhân trong vụ thảm án chấn động vùng sơn cước Ma Lù Thàng xảy ra đầu năm 2017, khiến 4 người chết. Chỉ vì tranh chấp mảnh đất nương mà từng nhát dao phát nương đã găm oan nghiệt vào bố mẹ và người em trai út.

Theo Sùng A Hí, sinh năm 1997, người con trai thứ 7 của nạn nhân Sùng Sái Dơ, người họ hàng gây ra ngày đại tang cho gia đình anh ngay sau khi gây án cũng đã ăn lá ngón tự tử. Mảnh đất nương tranh chấp, đánh đổi bằng 4 mạng người trong cùng thân tộc giờ bỏ hoang lạnh lẽo. Mảnh nương ấy, bản thân Hí cũng chẳng biết rõ có diện tích bao nhiêu, ranh giới từ đâu, liệu rồi đây có lại xảy ra tranh chấp gây xung đột, án mạng nữa hay không? Chỉ biết, có một nỗi lo vẫn âm ỉ cháy trong lòng, khi không chỉ gia đình Sùng A Hí, mà cả bản Ma Lù Thàng này hầu như chẳng ai có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, hoặc bản đồ phân định rõ ranh giới cho đất canh tác của từng nhà.

"Bây giờ còn mỗi em, em còn trẻ nên cũng chưa biết làm gì nữa, cuộc sống cũng khó khăn hơn nhiều. Chỗ đất nương tranh chấp kia thì em cũng chưa biết rõ nên cũng không dám làm, giờ bỏ hoang. Về sổ đỏ thì trên bản này chưa có nhà nào làm đâu, ai cũng không có, đất khai hoang hay nhà ở gì đó cũng chưa có", anh Sùng A Hí nói.

Hơn 4 năm đã trôi qua, làng Cài, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái vẫn chưa hết rúng động. Chiều 12/8/2015 cũng do mâu thuẫn từ tranh chấp đất nương rẫy, Đặng Văn Hùng, 25 tuổi, đã sát hại 4 người trong cùng một gia đình. Bất kể ai khi nghe chuyện đều bàng hoàng, không thể hiểu vì sao mà chỉ vì những tấc đất nương đồi chẳng mấy đáng giá nơi bìa rừng, mà hung thủ lại ra tay tàn độc đến thế! Trong khi đó, những người làm công tác hòa giải ở cơ sở có thể đã không lường được sự việc đi quá xa như vậy dù trước đó 1 tuần, chính ông Phàn Văn Chung, bố đẻ, bố vợ của các nạn nhân đã báo cho chính quyền về sự đe dọa của cha con hung thủ Đặng Văn Hùng.

"Tôi có báo trưởng thôn là cha con ông Mừu dọa, cấm không cho lấy. Lúc đấy trưởng thôn và Bí thư chi bộ bảo được rồi, cứ người nhà với nhau ở sát nhau mà sống đừng có làm to tát lên làm gì".

 nhung cai chet tren vung tranh dat hinh 2
Hiện trường vụ thảm sát ở Lâm Giang, Văn Yên.

Cũng tại Văn Yên (Yên Bái), ngày 28/4/2019, Nguyễn Văn Mạc, sinh năm 1968, trú tại thôn Trung Tâm, xã An Bình đã dùng kiếm chém gây tử vong 2 người cũng chỉ vì những tranh chấp đất đai. Vụ việc rất hiếm xảy ra trong cộng đồng người dân miền núi lành hiền. Không chỉ làm rúng động dư luận, những vụ án mạng liên tiếp xảy ra từ tranh chấp đất còn để lại sự bất an trong cộng đồng. Những mảnh đất vốn rẻ như cho và thực tế là người dân vùng cao cũng thường hay cho nhau, bỗng chốc lấy đi hết cả tình nghĩa, lấy đi cả mạng sống - một cái giá thực sự quá đắt.

Theo Thượng tá Nguyễn Trọng Chức, Trưởng Phòng An ninh đối nội - Công an tỉnh Yên Bái: Tranh chấp đất đai vốn ban đầu chỉ âm ỉ, nhưng lại rất dễ bùng lên thành đám cháy lớn. Thậm chí hành vi độc ác xuất hiện chỉ trong một phút thiếu kiềm chế:"Khó khăn của lực lượng công an khi giải quyết các tranh chấp về đất đai là không được tham gia ngay từ đầu, nhiều vụ việc đã xảy ra tranh chấp mâu thuẫn đã lên đến đỉnh điểm và đã có xảy ra những thương vong".

Thượng tá Điêu Chính Huyến, Phó Trưởng Công an huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên cũng cho rằng, việc quản lý đất đai chưa chặt chẽ từ cấp cơ sở, đặc biệt là việc chưa cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân là căn nguyên tất yếu dẫn đến những tranh chấp, khiếu kiện kéo dài liên quan đến đất đai, từ đó dễ nảy sinh những mâu thuẫn giữa các hộ gia đình, cá nhân, kéo thành khiếu kiện vượt cấp, tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự xã hội.

"Qua vụ việc ở Ma Lù Thàng, chúng tôi xác định rằng đây là nguyên nhân dẫn đến việc tranh chấp, dẫn đến án mạng. Vì bà con ở đây canh tác chủ yếu là theo tập quán luân canh, sau nhiều năm mới quay lại, hết năm này sang năm khác rồi quay lại canh tác ở đám nương cũ. Mà việc quản lý của chính quyền ở cơ sở về đất đai, nếu mà chúng ta không đo đạc, không quy chủ thì dễ xảy ra việc tranh chấp, mâu thuẫn sau này đất canh tác, đặc biệt chủ yếu là đất nương. Qua đó dễ nảy sinh tranh chấp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự", Thượng tá Điêu Chính Huyến nhận định.

Những vụ án mạng nghiêm trọng liên quan đến tranh chấp đất đai thời gian qua ở các tỉnh Tây Bắc đã cho thấy những hậu quả, hệ lụy khôn lường của việc không quản lý được đất đai, không cấp được bìa đỏ cho người dân ngay từ cơ sở.

Những vụ án mạng một lần nữa gióng hồi chuông báo động về sự xuống cấp của đạo đức xã hội và cấp thiết đòi hỏi phải có những biện pháp quyết liệt nhằm giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn trong tranh chấp đất đai ở cơ sở. Vậy vì sao khó quản lý đất đai? Vì sao không cấp được bìa đỏ cho dân?Chúng tôi sẽ đề cập trong bài viết thứ 2 với nhan đề: “Đất không bìa: Vì đâu nên nỗi?”./.

Từ 2018 đến nay, Yên Bái xảy ra 16 vụ án mạng, trong đó nhiều vụ do tranh đất đai, chủ yếu ở khu vực nông thôn, miền núi.

- Tỉnh Điện Biên, từ năm 2016 đến nay có hơn 40 vụ tranh chấp phức tạp về đất đai, trong đó gây chết 4 người tại bản Ma Lù Thàng, xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà; bị thương nặng 6 người tại bản Long Dạo, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ…

- Tại tỉnh Sơn La, nhiều vụ tranh chấp đất kéo dài hàng chục năm. Điển hình như vụ tranh chấp đất giữa người dân bản Huổi My, xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La và người dân bản Na Su, Chua Ta A, B (xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) kéo dài tới 30 năm; nhiều lần xảy ra ẩu đả, xô xát, đốt lán nương, thậm chí nổ súng, nổ mìn… giữa người dân 2 bên.

Từ khóa: tranh chấp đất đai, Tây Bắc, tranh chấp đất đoạt mạng người, thiệt mạng vì đất

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập