[Bài 1] Doanh nghiệp sẵn sàng tâm thế cho thời khắc “mở cửa”

Cập nhật: 26/09/2021

[VOV2] - Những doanh nghiệp có quá trình phát triển thì ít nhiều đã tạo ra được thặng dư về vốn. Nhưng các doanh nghiệp vừa khởi nghiệp, chưa có khả năng tích lũy tài chính mà phải đương đầu với thử thách của đại dịch Covid- 19 thì rất khó để trụ vững.

Đại dịch Covid-19 kéo dài trong nhiều tháng qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp ở nước ta. Tuy nhiên, chưa có dự báo nào cho thấy dịch Covid-19 sẽ được đầy lùi hoàn toàn. Bởi vậy, giải pháp sống còn hiện nay của doanh nghiệp là buộc phải “sống chung với dịch”. Với tâm thế đó, nhất là ở thời điểm này, khi nhiều địa phương thực hiện chỉ thị 16 bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi, tìm cách quản trị lại doanh nghiệp của mình để thích ứng với tình hình mới.

Doanh nghiệp gồng mình trước “cơn bão” Covid - 19

“Sốt ruột từng giờ, từng phút”, đó là tâm trạng của ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), khi chia sẻ với PV VOV2 về việc xây dựng lại kế hoạch tái xuất sau khi nhiều địa phương bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế.  

“Cơn bão” Covid- 19 lần thứ 4 ập tới, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn chưa từng có trong lịch sử. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng không nằm ngoài những thử thách này.

Đặc thù của ngành dệt may là lực lượng lao động lớn, phân bố sản xuất trải dài khắp cả 3 miền Bắc-Trung- Nam, đặc biệt là khu vực phía Nam, cụ thể là TP. Hồ Chí Minh, nơi phát triển đầu tiên của ngành dệt may Việt Nam và tập trung nhiều doanh nghiệp có quy mô rất lớn. Hiện khu vực này chiếm khoảng 40% tổng doanh thu của ngành may. Chính vì vậy, việc 19 tỉnh thành phía Nam thực hiện Chỉ thị 16 của thủ tướng Chính phủ đã tạo áp lực rất lớn lên các doanh nghiệp dệt may, làm tê liệt hệ thống sản xuất của các doanh nghiệp. Việc kiểm soát đi lại khiến sản xuất bị đứt gãy, bộ phận phát triển mẫu, công nhân không đi làm được… nên rất khó cho đơn hàng mùa tới.

“Trong giai đoạn vừa rồi, lực lượng lao động ngành may ở khu vực này về cơ bản là phải nghỉ ở nhà, điều đó cũng có nghĩa mất tới 80 đến 90% doanh thu trong 40% năng lực mà khu vực phía Nam mang lại”, ông Lê Tiến Trường thông tin.

Mặc dù tại khu vực phía Nam, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức sản xuất “ba tại  chỗ” nhưng theo ông Lê Tiến Trường, mô hình này không thực sự khả thi với ngành dệt may. Bởi thực tế có những đơn vị may quân số lên tới hàng nghìn lao động, thậm chí có đơn vị lên đến cả chục nghìn công nhân. Như vậy việc tổ chức ăn ở sinh hoạt tại chỗ trong khuôn viên của cơ sở sản xuất vốn không được thiết kế sẵn sàng cho người lao động ở lại là hết sức khó khăn.

Ông Trường chia sẻ: “Nếu thời gian của việc thực hiện giãn cách xã hội chỉ kéo dài trong vòng khoảng 15 đến 20 ngày ngày thì có thể thực hiện được mô hình 3 tại chỗ. Nhưng thực tế nó đã kéo dài lên đến 2 - 3 tháng thì giải pháp 3 tại chỗ đối với ngành may là rất là khó khăn và không thể thực hiện được”. Chính vì vậy, trong 2 tháng 8 và tháng 9 này, các doanh nghiệp của ngành dệt may cả nước bao đã giảm khoảng 45 đến 50% năng lực sản xuất của mình.

Vừa tham gia điều hành tại một tập đoàn lớn lại trong vai trò của Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam, có lẽ hơn ai hết, ông Đặng Hồng Anh, là người hiểu rõ và quá “thấm” tác động của đại dịch Covid- 19 đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp.

“Đợt dịch lần thứ 4 này đang diễn ra cho thấy quy mô cũng như mức độ ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với 3 đợt dịch trước cộng lại. Trong bối cảnh đó, hiện rất nhiều doanh nghiệp hội viên đã đến giới hạn của mức chịu đựng. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm dừng hoạt động, thậm chí đến hạn trả gốc và lãi ngân hàng nhưng không có khả năng trả đúng hạn”, doanh nhân Đặng Hồng Anh chia sẻ.

Cũng theo ông Đặng Hồng Anh, với những doanh nghiệp đã có quá trình phát triển, kinh doanh đa ngành nghề thì ít nhiều cũng đã tạo ra được thặng dư về vốn. Nhưng với những doanh nghiệp trẻ vừa khởi nghiệp, kinh doanh sản xuất ở quy mô nhỏ, chưa có khả năng tích lũy được tài chính mà phải đương đầu với những thử thách của đại dịch Covid- 19 thì rất khó để trụ vững.

Ngay như tập đoàn mà ông đang tham gia điều hành là TTC, đầu tư đa ngành, lĩnh vực này hỗ trợ cho lĩnh vực khác, nhưng thời gian này cũng đang lao đao bởi Covid-19, nhất là ngành du lịch và bất động sản.

“Ngành du lịch thì bị ảnh hưởng trầm trọng, rồi bất động sản cũng vậy không khác gì đâu, số lượng khách đi tham quan nhà mẫu và quyết định mua gần như không có. Chỉ có lĩnh vực năng lượng thì cơ bản vẫn hoạt động tốt. Nhưng nhìn trên tổng thể, Covid-19 đang gây thiệt hại nhiều thứ cho chúng tôi”

Doanh nghiệp sẵn sàng tâm thế như thế nào khi thị trường hồi phục?

Trả lời câu hỏi về kế hoạch sản xuất của ngành dệt may sẽ như thế nào sau khi TP. HCM và các địa phương đều đã có lộ trình khôi phục các hoạt động trong thời gian tới, ông Lê Tiến trường cho biết: Hiện tập đoàn đang triển khai bước rà soát, kết nối lại chặt chẽ với lực lượng công nhân. Bởi vì do dịch bệnh nên có những công nhân đã nghỉ việc, có người ở lại các khu trọ, và một phần không nhỏ lao động đã trở về quê để tránh dịch. Sau khi rà soát, sẽ căn cứ vào lộ trình mở cửa của các địa phương để thực hiện theo thứ tự ưu tiên từng lần, gọi người lao động quay trở lại với sản xuất theo quy mô cho phép 30%, 50%, 70% hay 100%.

Tuy nhiên ông Trường cho rằng, đây là một việc cũng không hề đơn giản. “Mặc dù trước khi thực hiện việc giãn cách này, ngay từ năm 2020  đã có kinh nghiệm và cũng đã chuẩn bị thành lập các nhóm trao đổi qua zalo, facebook theo tổ để giữ liên hệ với người lao động, nhưng chúng tôi vẫn đánh giá đây vẫn là thách thức rất lớn”, ông Trường khẳng định.

Đặc biệt, ông Trường nhấn mạnh ở thời điểm này sẽ chỉ hoạt động theo từng lộ trình mở cửa, cho phép mấy chục phần trăm đi làm thì mới cố gắng đáp ứng đủ yêu cầu đó, còn ngay lập tức để mở cửa 100% quả thật cũng không thể đủ lao động quay trở lại làm việc ngay lập tức: “Thiếu hụt ít nhất từ 10 đến 15%. Đây là số lượng người lao động đã quyết định dịch chuyển trở về địa phương, không ở lại các vùng kinh tế trọng điểm như trước nữa, thì đây là số lượng thiếu hụt vĩnh viễn”.  Ông Trường cũng cho rằng, với lực lượng lao động thiếu hụt vĩnh viễn này buộc phải tái bố trí, tuyển dụng lại, đào tạo lại do đó thời gian để phục hồi trở lại tay nghề như cũ, năng suất như cũ của số lao động này sẽ kéo dài hơn rất nhiều so với người công nhân cũ quay trở lại làm việc.

Cùng với đó, Tập đoàn dệt may Việt Nam Vinatex cũng tập trung cao vào cải thiện năng suất lao động những tháng cuối năm với giải pháp tổng hợp cả quản lý - công nghệ, thiết bị - đãi ngộ công nhân viên. Tìm mọi biện pháp, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đảm bảo công tác phòng chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”. Với quyết tâm biến thách thức thành cơ hội, ông Trường tin tưởng và kỳ vọng ngành dệt may sẽ bứt phá trở lại khi dịch bệnh Covid-19 đi qua.

Mặc dù, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều rất nóng lòng được mở cửa trở lại để kinh doanh, phục hồi sản xuất, nhưng trong số đó cũng không ít đơn vị đang loay hoay chưa biết phải ưu tiên vấn đề nào trước để tập trung đầu tư, nhằm chuẩn bị “sống chung với dịch” trong thời gian tới. Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam, ông Đặng Hồng Anh cho rằng, tùy tính chất đặc thù, ngành nghề, thị trường của từng doanh nghiệp cụ thể, doanh nghiệp sẽ có cách quản trị lại cho phù hợp, để ưu tiên vấn đề nào trước.

Covid-19 đã gây ra nhiều thách thức, khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhưng đây cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội để các ý tưởng, dự án khởi nghiệp nắm bắt thời cơ, tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường.

Doanh nhân Đặng Hồng Anh cũng chia sẻ, đối với Tập đoàn TTC, giai đoạn khó khăn do Covid-19 này được cho là cơ hội để chiêm nghiệm lại, chấn chỉnh, xem xét lại quy trình, quy chế, khâu nào có thể giảm chi phí để xây dựng lại chiến lược mới trong bối cảnh mới. Theo ông Đặng Hồng Anh, trong bối cảnh “sống chung với dịch bệnh”, cũng có nghĩa là hàng năm sẽ phải tiêm phòng vắc xin, phải có thuốc để điều trị khi mắc bệnh bởi vậy sẽ phải xây dựng chế độ chính sách hàng năm cho cán bộ, nhân viên, người lao động của mình để đảm bảo sức khỏe cho họ yên tâm làm việc.

Luôn sẵn sàng tâm thế để hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới nhưng cũng có rất nhiều vấn đề khiến doanh nhân Đặng Hồng Anh lo lắng. Đầu tiên là các quy định trong việc đi lại, di chuyển của người dân. Ông cho rằng, cần phải có quy định hướng dẫn rõ ràng để không ảnh hưởng đến quá trình hoạt động sản xuất. Vấn đề nữa là các chi phí xét nghiệm, nếu thực hiện như trong giai đoạn vừa qua sẽ gây gánh nặng rất lớn cho các doanh nghiệp. Đây là một vấn đề cũng cần sớm điều chỉnh trong trạng thái “bình thường mới”. Một lo lắng khác mà ông Hồng Anh nhắc tới là các thủ tục hành chính tại các cơ quan công quyền. “Chúng tôi mong muốn sẽ nhận được sự chia sẻ cảm thông hỗ trợ của cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương với doanh nghiệp. Đặc biệt sau thời gian dài giãn cách, tồn đọng nhiều thủ tục hành chính phải cần giải quyết ngay của các doanh nghiệp thì khi bình thường mới các cơ quan hành chính phải nâng công suất như thế nào để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp”

Với tôn chỉ “kinh doanh là sứ mệnh chứ không phải quyền lợi”, doanh nhân Đặng Hồng Anh cũng thẳng thắn nêu quan điểm: Trước khi nói đến khó khăn và những việc phải làm, phải thay đổi, thì cũng cần xác định doanh nhân là một sứ mệnh nên cuộc đời doanh nhân phải chịu rất nhiều thăng trầm, phải đối diện với khó khăn thách thức và ngay từ khi bắt đầu đã phải làm tốt. 

Ở thời điểm chạy đua với thời gian để xây dựng kế hoạch, lộ trình phòng, chống dịch bệnh và khôi phục kinh tế thì ngoài tâm thế chủ động của mỗi doanh nghiệp, còn rất cần giải pháp mạnh hơn, các chính sách, các gói hỗ trợ đủ lực từ Chính phủ, Nhà nước để tạo sự bứt phá cho doanh nghiệp. Những mong muốn, kiến nghị của doanh nghiệp cùng những phân tích của chuyên gia kinh tế sẽ có trong bài 2 với nhan đề “Phục hồi sản xuất, cần chính sách hỗ trợ như thế nào để tạo bứt phá cho doanh nghiệp?”

 

 

 

Từ khóa: Doanh nghiệp, Covid- 19, Đặng Hồng Anh, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, bứt phá, người lao động, Tập đoàn TTC, dệt may Việt Nam

Thể loại: Đời sống

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập