Bác toàn bộ lập luận bào chữa cho các bị cáo vụ án Vạn Thịnh Phát

Cập nhật: 11/04/2024

VOV.VN - Sáng 11/4, Tòa án nhân dân TP.HCM bắt đầu tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 85 bị cáo khác liên quan đến sai phạm xảy ra tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan. Do bản án dài, đến trưa nay HĐXX vẫn đang nêu nhận định hành vi phạm tội đối với các bị cáo.

Trương Mỹ Lan là chủ thực sự của SCB

HĐXX nhận định, căn cứ hồ sơ, chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, và lời khai của các bị cáo trong quá trình thẩm vấn công khai tại tòa, có đủ cơ sở để kết luận bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ Công ty Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và nhiều pháp nhân khác. Trong đó, Công ty Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giữ vai trò trung tâm, điều hành.

Trước thực trạng yếu kém, buộc phải mua hoặc hợp nhất 3 ngân hàng tiền thân SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan đã thu mua lượng lớn cổ phần ngân hàng nêu trên để nắm quyền biểu quyết quyết định tiến tới hợp nhất 3 ngân hàng.

HĐXX cho rằng, bị cáo Lan là cổ đông thực sự của hơn 91% cổ phần SCB, các cá nhân đứng tên trên sổ sách chỉ là hình thức. Qua lời khai, các cá nhân trên đều thừa nhận đứng giùm Trương Mỹ Lan. Từ đó, HĐXX bác bỏ lập luận cũng như lời khai của bị cáo Lan khi cho rằng các cổ đông trên là đứng tên giùm cổ đông nước ngoài, họ hàng, bạn bè.

Là đại cổ đông, sở hữu trên 91% cổ phần Ngân hàng SCB, HĐXX khẳng định, bị cáo Trương Mỹ Lan thực sự là chủ ngân hàng này, nắm quyền chi phối, điều hành và quyết định đối với  mọi hoạt động của SCB từ tín dụng đến nhân sự. Do đó, bị cáo Trương Mỹ Lan có đủ yếu tố cấu thành chủ thể của tội “Tham ô tài sản”, không như lập luận của các luật sư bào chữa cho bị cáo.

Theo HĐXX, nhóm các pháp nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã phát sinh nợ xấu tại SCB. Luật sư và bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng, việc đưa tài sản vào Ngân hàng SCB để tái cơ cấu nợ là không đúng, không có cơ sở để HĐXX chấp nhận.

Trương Mỹ Lan đã bố trí nhân sự chủ chốt trong SCB, như: Nguyễn Thị Thu Sương, Trầm Thích Tồn, Tạ Chiêu Trung… để dễ dàng rút tiền Ngân hàng SCB mà không phải tuân theo quy định vay vốn. Các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là người tiếp nhận ý chí của bà Trương Mỹ Lan, sau đó lên phương án vay vốn, “giải quỹ” rồi chỉ đạo nhân viên cấp dưới thực hiện lập khống hồ sơ, phê duyệt cấp tín dụng “ngược” cho các pháp nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trái quy định. Hành vi các bị cáo đã giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Ngân hàng SCB.

HĐXX đã áp dụng nguyên tắc có lợi cho các bị cáo

HĐXX cho rằng đã áp dụng các nguyên tắc có lợi cho các bị cáo khi xác định thiệt hại vụ án, xem xét các tội danh đối với các bị cáo. Hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm diễn ra trong thời gian dài. Tuy nhiên, đối với những hành vi chiếm đoạt tiền của SCB trước ngày 1/1/2018, các bị cáo không bị xem xét xử lý về tội danh “Tham ô tài sản”. Do trước đó, pháp luật chưa có quy định tội danh này trong lĩnh vực tư nhân.

HĐXX nhận định có đủ cơ sở để kết luận Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác đã phạm vào các tội như cáo trạng quy kết. Các bị cáo phạm tội có tổ chức, dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội và thuộc trường hợp phạm tội từ 2 lần trở lên. Tuy nhiên, nhiều bị cáo phạm tội có hạn chế, không được hưởng lợi, là cấp dưới làm theo chỉ đạo cấp trên, nên khi lượng hình HĐXX đã phân hóa vai trò của từng bị cáo, để có mức án tương xứng với hành v

Bác đề nghị chuyển hơn 1.000 tỷ đồng cho Trương Huệ Vân

Đối với nhóm bị cáo nguyên là cán bộ Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước, toà nhận định quá trình thanh tra SCB và ban hành kết luận thanh tra, các bị cáo đã thu hẹp phạm vi thanh tra, báo cáo không trung thực, bưng ít, che giấu thực trạng tài chính, sai phạm trong cấp tín dụng của SCB, để ngân hàng này tiếp tục được tại cơ cấu.

Riêng bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Trưởng đoàn thanh tra) biết rõ Trương Mỹ Lan là đại cổ đông, có vai trò chi phối và điều hành SCB nên đã 2 lần gặp gỡ bị cáo Lan để trao đổi, bàn các phương án xử lý nợ xấu tại SCB. Sau khi gặp gỡ, bị cáo Đỗ Thị Nhàn nhiều lần nhận tổng số tiền 5,2 triệu USD của Trương Mỹ Lan.

HĐXX bác bỏ lời khai tự bào chữa của bị cáo Nhàn khi cho rằng nhận tiền hối lộ là để bảo vệ gia đình. Bởi lẽ, bị cáo Nhàn nhận tiền của SCB nhiều lần, trong thời gian dài và không có ý định trả lại như bị cáo khai.

Xét yêu cầu của bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị chuyển toàn bộ số tiền hơn 1.000 tỷ đồng mà bị cáo Nguyễn Cao Trí nộp khắc phục cho hành vi chiếm đoạt tài sản của mình cho Trương Huệ Vân (cháu gái bà Lan) để khắc phục hậu quả, HĐXX cho biết không có cơ sở chấp nhận đề nghị này. Bởi hậu quả, thiệt hại của SCB do hành vi phạm tội của bị cáo Lan và đồng phạm gây ra là đặc biệt lớn, không có khả năng khắc phục.

HĐXX vẫn đang tuyên án đối với các bị cáo, VOV sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tại phiên toà và chuyển tải đến độc giả.

 

Từ khóa: vạn thịnh phát, vụ án vạn thịnh phát, ngân hàng scb, trương mỹ lan, xét xử vụ án vạn thịnh phát,xét xử trương mỹ lan

Thể loại: Giáo dục

Tác giả: tỷ huỳnh - ctv thanh hiền/vov-tp.hcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập