“Bác sĩ Tử thần” Harold Shipman: Gã sát nhân thay đổi cả nền y tế Anh

Cập nhật: 26/10/2019

VOV.VN - Con số hơn 200 bệnh nhân trở thành nạn nhân của Harold Shipman thậm chí vẫn chưa lột tả hết sự man rợ và tàn độc của tên “Bác sĩ Tử thần” này.

Gã sát nhân dưới vỏ bọc bác sĩ danh tiếng

Harold Shipman (tên đầy đủ Harold Frederick Shipman), sinh ngày 14/1/1946 tại Nottingham, Anh trong một gia đình công nhân. Từ nhỏ, Shipman đã nổi tiếng là một cậu bé sáng dạ và đam mê y học do thường xuyên thấy mẹ của mình tiêm morphine giảm đau vì bà mắc bệnh ung thư phổi và chết không lâu sau đó.

"bac si tu than" harold shipman: ga sat nhan thay doi ca nen y te anh hinh 1
"Bác sĩ Tử thần" Harold Shipman. Ảnh: ITV

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành y tại Đại học Leeds, Shipman trở thành bác sỹ gia đình tại Todmorden, Lancashire. Shipman bắt đầu thực hiện hành vi giết người vào năm 1972 bằng cách kê khai nhiều loại thuốc có chất kích thích quá liều cho các bệnh nhân khiến họ thiệt mạng.

Ít nhất có 71 người đã trở thành nạn nhân của “Bác sĩ Tử thần” trong giai đoạn 1972-1975 và bản thân hắn cũng bị xác định là nghiện thuốc giảm đau Pethidine đến mức đã tự khai nhiều đơn thuốc có chất này để sử dụng cá nhân cho đến khi bị đồng nghiệp tố cáo. Năm 1975, Shipman bị đình chỉ hành nghề và phải đi cai nghiện.

Chỉ hai năm sau khi cai nghiện xong, Shipman lại trở lại hành nghề bác sĩ tại thị trấn Hyde ở Manchester. “Bác sĩ Tử thần” nhanh chóng gây dựng được tiếng tăm và công việc làm ăn của hắn hết sức phát đạt. Tuy nhiên, thời gian này cũng là lúc hắn tiếp tục thực hiện hành vi tàn độc của mình khi lợi dụng danh tiếng để tiếp tục sát hại hơn 140 người khác.

Mọi chuyện chỉ bại lộ vào năm 1988, khi một nạn nhân của Shipman – một cụ bà 81 tuổi – được phát hiện tử vong tại nhà riêng chỉ vài giờ sau khi Shipman đến khám cho bà.

Gia đình cụ bà vốn rất bất ngờ trước cái chết của người thân do sức khỏe của cụ bà khi đó rất tốt lại càng nghi ngờ hơn khi trong bản di chúc, cụ bà này để lại toàn bộ số tài sản trị giá hơn £400.000 cho Shipman. Hơn thế nữa, tên “Bác sĩ Tử thần” khăng khăng cho rằng, việc khám nghiệm tử thi là “không cần thiết” và nạn nhân “cần phải được hỏa táng ngay”.

Con gái của cụ bà, luật sư Kathleen Grundy đã đưa vụ việc ra tòa và kiện Shipman về tội sát nhân và làm giả di chúc để trục lợi. Thi thể của nạn nhân sau đó được khám nghiệm và các nhà điều tra nhận thấy một lượng lớn diamorphine (hóa chất mà Shipman sử dụng để sát hại những nạn nhân của hắn).

"bac si tu than" harold shipman: ga sat nhan thay doi ca nen y te anh hinh 2
Nạn nhân của "Bác sĩ Tử thần" chủ yếu là những người phụ nữ lớn tuổi. Ảnh: ITV

Vụ án rúng động nước Anh

Phiên toà đầu tiên xét xử Shipman diễn ra tại Preston Crown vào ngày 5/10/1999. Shipman được xác định là đã sát hại 15 bệnh nhân của hắn bằng cách tiêm diamorphine vào người họ. Đến ngày 31/1/2000, sau 6 ngày nghị án, Bồi thẩm đoàn ra phán quyết Shipman bị buộc tội Giết người phải chịu án chung thân (không được giảm án hay ân xá).

Ngay cả sau khi Shipman đã ngồi tù, Chính phủ Anh vẫn tiếp tục mở rộng điều tra những vụ việc liên quan đến tên “Bác sĩ Tử thần”. Báo cáo chính thức được công bố hồi năm 2002 cho thấy, từ năm 1975 đến khi bị kết án, Shipman đã sát hại ít nhất 215 người (con số tối đa có thể lên đến 260 người), 80% trong số này là những người già yếu.

Đáng chú ý, mỗi lần bệnh nhân của Shipman thiệt mạng, hắn thường nhanh chóng đứng ra ký giấy chứng tử cho các nạn nhân trong đó khẳng định các bệnh nhân của hắn “chết một cách tự nhiên” và thuyết phục gia đình họ hỏa táng thi thể người thân trong thời gian sớm nhất có thể. Điều này lý giải tại sao tên “Bác sĩ Tử thần” có thể sát hại tới hơn 200 nạn nhân mà không hề bị nghi ngờ.

Dù không đưa ra được động cơ chính thức của việc sát hại các nạn nhân của “Bác sĩ Tử thần”, các nhà điều tra đã đưa ra 3 giả thiết liên quan đến những vụ sát hại bệnh nhân của hắn, trong đó bao gồm khả năng Shipman muốn trả thù việc mẹ hắn bị bệnh và qua đời trước đó; hay hắn mắc chứng muốn loại bỏ những người già hoặc những đối tượng bị coi là “gánh nặng cho hệ thống y tế” và cuối cùng, có thể hắn muốn thể hiện “quyền sinh sát” đối với các bệnh nhân của hắn.

"bac si tu than" harold shipman: ga sat nhan thay doi ca nen y te anh hinh 3
Hồ sơ của cảnh sát Anh liên quan đến vụ "Bác sĩ Tử thần". Ảnh: ITV

Vụ “Bác sĩ Tử thần” khiến hệ thống chăm sóc y tế của Anh bị rúng động bởi Shipman là bác sĩ đầu tiên trong lịch sử nước Anh bị kết tội sát hại chính những bệnh nhân của mình. Dù Shipman đã thắt cổ tự vẫn trong nhà tù vào ngày 13/1/2004 (chỉ một ngày trước sinh nhật hắn), những gì “Bác sĩ Tử thần” làm đã gây ra “Hiệu ứng Shipman” khiến nhiều bác sĩ thay đổi phương thức kê thuốc và ngại không dám kê những loại thuốc có chất kích thích (dù rất bình thường) vì lo ngại bệnh nhân có thể thiệt mạng.

Cũng chính từ “Hiệu ứng Shipman”, mô hình bác sĩ gia đình tại Anh đã thay đổi từ hình thức 1 bác sĩ sang nhiều bác sĩ thăm khám để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Tất cả các đơn thuốc do bác sĩ kê khai sẽ được kiểm tra chéo nhằm tránh việc bác sĩ cố tình kê đơn quá liều hoặc cho bệnh nhân sử dụng những loại chất kích thích không cần thiết.

Ngoài ra, thủ tục để đưa thi thể những người đã mất đi hỏa táng cũng đã được thay đổi, theo đó, người đứng ra đăng ký dịch vụ hỏa táng bắt buộc phải trả lời một số câu hỏi. Trong đó, đáng chú ý có 2 câu hỏi về việc liệu người đứng ra đăng ký dịch vụ hỏa táng có nhận thấy bất kỳ điều gì bất thường liên quan đến cái chết của người được đưa đi hỏa táng và liệu người người đứng ra đăng ký dịch vụ hỏa táng có nhận thấy cần phải thực hiện khám nghiệm tử thi người được đưa đi hỏa táng trước khi thực hiện hỏa táng hay không.

Có thể nói, vụ “Bác sĩ Tử thần” Harold Shipman đã trở thành một vụ án “kinh điển” đối với ngành tư pháp nước Anh khi những gì mà Shipman thực hiện vượt xa cả những hành động của những tên sát nhân tàn ác khác. Vụ việc cũng đã làm lung lay tận gốc quan điểm của người Anh về các bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ gia đình, khi luôn đặc biệt coi trọng các bác sĩ và đôi lúc lắng nghe họ một cách mù quáng mà không mảy may nghi ngờ bất kỳ điều gì dù là bất thường./.

Từ khóa: “Bác sĩ Tử thần”, Harold Shipman, giết người hàng loạt, Hiệu ứng Shipman

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập