Bác sĩ đường dây mang thai hộ không có giấy phép hành nghề

Cập nhật: 09/04/2021

VOV.VN - Đường dây mang thai hộ bị phanh phui nhờ tình tiết hai thai phụ sinh con cho cùng một người đàn ông.

Công an TP Hà Nội vừa phát hiện và khởi tố vụ án một đường dây mang thai hộ vì mục đích thương mại. Vụ việc được phanh phui khi tại cùng 1 bệnh viện có 2 trẻ em được 2 người mẹ sinh ra nhưng chung 1 người cha. Điều đáng nói là trong đường dây này có bác sĩ tham gia và bước đầu xác định bác sĩ này không có chứng chỉ hành nghề nhưng là cộng tác viên của nhiều bệnh viện trên địa bàn Thủ đô. 

Theo Công an thành phố Hà Nội, bước đầu xác định được 3 đối tượng trong đường dây tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại. Trong đó, Phạm Ngọc Thảo (40 tuổi) ở TPHCM và Nguyễn Anh Thư (29 tuổi) ở tỉnh Vĩnh Long đã bị tạm giam để phục vụ điều tra. Bị can còn lại là bác sĩ Nguyễn Danh Hòa, 59 tuổi, ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Trước đó, đối tượng Phạm Ngọc Thảo từng sử dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm nên có quen biết bác sĩ Nguyễn Danh Hòa. Còn đối tượng Nguyễn Anh Thư thường xuyên tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội nên biết thông tin về người có nhu cầu thụ tinh trong ống nghiệm. Năm 2019, Thư biết Nguyễn Thanh Tuấn và Đặng Minh Trang không phải vợ chồng nhưng muốn có con chung nên đã tìm người mang thai hộ. Thư và Thảo “chốt giá” 480 triệu đồng cho một thai phụ. Nguyễn Thanh Tuấn và Đặng Minh Trang muốn có con trai nên đã cấy 2 phôi vào 2 người phụ nữ. Bác sĩ Nguyễn Danh Hòa là người thực hiện tất cả các thủ thuật liên quan để hai phụ nữ này mang thai.

Trao đổi với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng hành nghề Y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội cho biết, qua kiểm tra thông tin trong hồ sơ quản lý cho thấy bác sĩ Nguyễn Danh Hòa không có giấy phép hành nghề.

“Bác sĩ Nguyễn Danh Hòa thôi hành nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2016. Trước đó, bác sĩ này đăng ký hành nghề ở Bệnh viện Đông Đô, nhưng đến năm 2016 đã rút tên ra khỏi danh sách và không đăng ký hành nghề ở bất cứ nơi nào ở Hà Nội” - ông Trung khẳng định.

Theo ThS. BS Hà Ngọc Mạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt Bỉ, các quy định về mang thai hộ rất chặt chẽ. Hiện chỉ có 4 bệnh viện trong cả nước có đủ điểu kiện thực hiện ngay kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, gồm: Phụ sản Trung ương, Đa khoa Trung ương Huế, Từ Dũ và Mỹ Đức (TPHCM). Tuy nhiên, vẫn có những đối tượng làm giả giấy tờ, trong đó có giấy đăng ký kết hôn, kèm theo bản công chứng để làm thủ tục thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Về bản chất đây là hình thức mang thai hộ bất hợp pháp.

ThS. BS Hà Ngọc Mạnh cho biết, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, từng tìm được những dấu hiệu nghi ngờ nên đã nhờ chính quyền địa phương xác minh, phát hiện một số trường hợp giả làm vợ chồng nên đã từ chối điều trị.

“Trong thực tế, chúng tôi đã gặp khá nhiều trường hợp giấy tờ tùy thân, hồ sơ có dấu hiệu làm giả. Khi bệnh nhân mong muốn làm kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, chúng tôi yêu cầu xuất trình giấy đăng ký kết hôn, chứng minh nhân dân, số hộ khẩu. Tuy nhiên, chúng tôi không phải là cơ quan chuyên thẩm định giấy tờ đó là thật hay giả. Chúng tôi không có chuyên môn như cơ quan công an. Hiện không có quy định nào về việc chúng tôi phải xác minh giấy tờ đó là thật hay giả…”, ThS. BS Hà Ngọc Mạnh nói.

Thực tế vừa nêu cho thấy, Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần tăng cường kiểm tra, nâng cao trách nhiệm quản lý mới có thể phát hiện kịp thời được những trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại./.

Từ khóa: phá đường dây mang thai hộ, thụ tinh nhân tạo, mang thai hộ, mang thai hộ có vi phạm pháp luật

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập