Bắc Ninh thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng do bão số 3
Cập nhật: 16/09/2024
VOV.VN - Sau cơn bão số 3 tỉnh Bắc Ninh ước tính thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng về cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp và đê điều, thủy lợi và phải di dời trên 650 hộ dân với trên 2.700 người có nhà cửa bị ngập úng, nguy cơ ngập úng.
Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh. Tổng giá trị thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và đầu tư tu sửa hệ thống đê điều, công trình thủy lợi khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong đó về sản xuất nông nghiệp khoảng 220 tỷ đồng; về cơ sở hạ tầng khoảng 600 tỷ đồng; về đê điều, thủy lợi khoảng 180 tỷ đồng.
Có 52 người bị thương, hơn 4.000 nhà cửa, công trình kiên cố, công trình phụ, trường học, chợ dân sinh, trụ sở các cơ quan đơn vị nhà nước bị sập, tốc mái; 655 hộ dân (2.749 nhân khẩu) bị ngập úng và nguy cơ cao xảy ra ngập úng phải di dời.
Về sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh có trên 82.000 con gia cầm bị chết; 7.500 m2 chuồng trại bị tốc mái; thiệt hại 3.400 tấn thủy sản; trên 9.700 ha lúa, 971 ha rau màu, 939 ha cây ăn quả, 11 ha hoa cây cảnh bị đổ, ngập nước và 25,98 ha diện tích nhà màng, nhà lưới bị tốc mái, hư hỏng.
Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn đã gửi thư cảm ơn các lực lượng vũ trang, cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân về sự đóng góp tích cực trong công tác phòng chống và khắc phục hậu quả của bão số 3.
Trong thư, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: "Bão số 3 không chỉ là cơn bão mạnh nhất Biển Đông trong vòng 30 năm qua mà còn là cơn bão có sức gió kỷ lục từ đầu năm 2024 đến nay. Bão đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều tỉnh phía Bắc, trong đó Bắc Ninh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất".
Thư cũng nêu rõ: "Nhờ thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", nhiều tình huống nguy cấp đã được ứng cứu kịp thời như: Nứt tại bờ tả, hữu sông Ngũ Huyện Khê, huyện Yên Phong và huyện Tiên Du; tham gia xử lý sự cố vỡ bờ hữu sông Ngũ Huyện Khê tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Thư của Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cũng kêu gọi lực lượng Quân đội, Công an, đoàn viên thanh niên, hội viên, đoàn viên các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tiếp tục hỗ trợ nhân lực, phương tiện để khắc phục hậu quả bão lũ. Qua đó, bảo đảm đưa cuộc sống của Nhân dân và lao động, sản xuất kinh doanh bình thường trở lại.
Ông Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ: "Qua bão lũ, chúng ta rút kinh nghiệm, tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai, đoàn kết, thống nhất, có thêm kinh nghiệm lãnh đạo, điều hành, khắc phục hậu quả sau bão lũ và tăng tốc để về đích - đảm bảo hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024 - năm nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025...".
Bên cạnh đó là các sự cố nước tràn đê sông Cầu, sự cố rò rỉ bể xả Trạm bơm Văn Thai, huyện Lương Tài... Đến nay, trên địa bàn tỉnh không có thiệt hại về người, không có sự cố lớn về hạ tầng công trình giao thông, đê điều, thủy lợi và các công trình khác làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân và các khu công nghiệp".
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Anh Tuấn trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ và nỗ lực hết lòng của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của các lực lượng vũ trang; kinh nghiệm, trách nhiệm và sự đồng lòng của nhân dân...
"Xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của các tỉnh, thành phố bạn, các nhà hảo tâm và cộng đồng doanh nghiệp đã ủng hộ, chia sẻ, động viên kịp thời với nhân dân tỉnh Bắc Ninh. Với mục tiêu khẩn trương ổn định đời sống của nhân dân, tôi mong rằng các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất các kế hoạch, phương án khắc phục hậu quả của bão số 3...", Bí thư tỉnh uỷ Bắc Ninh viết trong thư.
Từ khóa: bắc ninh, Bắc Ninh, thiệt hại, cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, bão số 3, lũ lụt
Thể loại: Thời sự
Tác giả: văn giang/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN