Bắc Ninh ra tối hậu thư đối với 228 doanh nghiệp "bức tử" sông Cầu
Cập nhật: 12/09/2024
63 năm truyền thống ngành dầu khí Việt Nam: “Một đội ngũ - Một mục tiêu”
Quảng Ninh chuẩn bị sản phẩm OCOP phục vụ Tết Nguyên đán (28/11/2024)
VOV.VN - Chủ trương của tỉnh Bắc Ninh không bố trí mặt bằng cho các cơ sở sản xuất tái chế trên địa bàn tỉnh, nên các cơ sở sản xuất không thể đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh.
Ngày 5/9, UBND phố Bắc Ninh tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp sản xuất giấy tại phường Phong Khê.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Hiếu thông tin cho biết, về thực trạng sản xuất giấy tại phường Phong Khê: Đến nay trên địa bàn phuờng có 341 cơ sở sản xuất giấy, trong đó có 228 cơ sở, doanh nghiệp nằm trong khu dân cư, sản xuất trên đất vi phạm; giải quyết việc làm cho khoảng hơn 4.000 lao động trong và ngoài tỉnh, phần lớn không được ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm theo quy định.
"Đa số các cơ sở sản xuất giấy sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu, thải loại của một số nhà máy trong và ngoài nước (chủ yếu sử dụng công nghệ của Trung Quốc), năng suất sản xuất thấp, gây ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí, tiếng ồn nghiêm trọng"- ông Hiếu nhấn mạnh.
Từ tháng 11/2021, thực hiện sự chỉ đạo gắt gao của tỉnh Bắc Ninh, UBND thành phố Bắc Ninh đã có nhiều cuộc kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời tổ chức nhiều cuộc họp bàn về lộ trình di dời các hộ dân sản xuất giấy tại phường Phong Khê, bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững.
Ngay sau hội nghị giải quyết ô nhiễm môi trường sản xuất giấy Phong Khê đầu tháng 7 vừa qua, UBND thành phố đã lập Đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra 70/228 cơ sở sản xuất trong khu dân cư, có 7 cơ sở sản xuất không hợp tác. Quá trình kiểm tra cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất giấy và 53 cơ sở sản xuất hơi thương phẩm đang vi phạm về bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, an toàn điện, an toàn lao động, vi phạm về nộp thuế và xây dựng các công trình trái phép.
Quan điểm của thành phố kiên quyết di dời các hộ sản xuất theo đúng lộ trình của Đề án đã được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt; trình UBND tỉnh hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/1 hộ di dời, trình HĐND tỉnh thông qua; giới thiệu địa điểm tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Kạn, Lào Cai sẽ đón nhận các cơ sở, doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục sản xuất. Đồng thời làm việc với Ban quản lý các KCN Bắc Ninh giới thiệu việc làm cho gần 4.000 lao động đến các doanh nghiệp trong các KCN hoặc trên địa bàn thành phố làm việc, với mức lương cam kết bằng hoặc hơn mức lương cũ làm việc tại các cơ sở sản xuất giấy.
"Hiện còn 132 đơn vị đang hoạt động. Đoàn kiểm tra liên ngành đặt mục tiêu, tháng 9 kiểm tra 50 đơn vị, tháng 10 kiểm tra 50 đơn vị và đến tháng 11 kiểm tra toàn bộ các đơn vị sản xuất giấy; sẽ lập tức đóng cửa sản xuất đối với tất cả các cơ sở vi phạm, không phải chờ đến 31-12-2024 mới thực thi. Song song với đó sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở trong cụm công nghiệp I, II, sai đâu, đóng cửa đó, không chờ đến lộ trình năm 2029 mới đóng cửa các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp"- Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh khẳng định.
Bên cạnh đó, chủ trương của tỉnh Bắc Ninh không bố trí mặt bằng cho các cơ sở sản xuất tái chế trên địa bàn tỉnh, nên các cơ sở sản xuất không thể đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh Bắc Ninh.
Đại diện các cơ sở sản xuất giấy phường Phong Khê cơ bản thống nhất với chủ trương di dời của thành phố. Đề nghị UBND thành phố Bắc Ninh tích cực tuyên truyền, giải thích để nhân dân đồng thuận; kiến nghị về Nhà máy xử lý nước thải chưa bảo đảm công suất và mới chỉ tiếp nhận nước đã xử lý sơ bộ; sẵn sàng di dời mặt bằng do tỉnh, thành phố sắp xếp tại địa bàn trong tỉnh như CCN Tam Đa, Dũng Liệt (Yên Phong); đề xuất phương án quy hoạch CCN, ưu tiên sản xuất trong tỉnh Bắc Ninh.
"Doanh nghiệp cho rằng Đoàn kiểm tra làm việc chưa hợp tình, hợp lý, có sự o ép doanh nghiệp, yêu cầu ký biên bản tự nguyện tháo dỡ, dừng sản xuất các cơ sở vi phạm là không đúng chức năng...."- đại diện cơ sở sản xuất giấy cho biết.
Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh khẳng định, chậm nhất đến năm 2029, 100% các cơ sở sản xuất giấy tại Phong Khê phải di dời, nhưng trong quá trình hoạt động, nếu sai phạm đến đâu sẽ xử lý, dừng sản xuất đến đó. Với phương châm kiểm tra công khai, công bằng, xử lý dứt điểm sai phạm và buộc di dời các cơ sở sản xuất, phấn đấu xây dựng một Phong Khê phát triển xanh, sạch, đẹp, hài hòa, bền vững.
Theo lộ trình, thành phố Bắc Ninh sẽ dừng hoạt động sản xuất toàn bộ các cơ sở sản xuất giấy trong khu dân cư trước ngày 31/12/2024. Mục tiêu đến hết năm 2029, thành phố quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất trong các cụm công nghiệp Phong Khê I, Phong Khê II gắn với các điều kiện về bảo vệ môi trường, đất đai; thường xuyên thanh tra, kiểm tra xử lý các cơ sở vi phạm các quy định về môi trường, đất đai, an toàn điện, phòng cháy chữa cháy... Đồng thời, dừng hoạt động của các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp trước ngày 31/12/2029, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại cụm công nghiệp để phát triển đô thị, nhà ở, thương mại-dịch vụ.
Từ khóa: bắc ninh, Bắc Ninh, tối hậu thư, 228 doanh nghiệp giấy Phong Khê, bức tử môi trường
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: văn giang/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN