"Bắc Ninh quy hoạch và điều động cán bộ đảm bảo công khai, dân chủ"
Cập nhật: 25/09/2020
VOV.VN - "Trong công tác cán bộ, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện đồng bộ các khâu, bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định, quy trình, hướng dẫn của Trung ương".
Từ ngày 24-26/9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra với sự tham dự của 315 đại biểu đại diện cho hơn 58.000 đảng viên. Một trong những mục tiêu Đại hội đặt ra là phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững, cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại.
Phóng viên VOV phỏng vấn bà Đào Hồng Lan, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh.
PV: Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, Bắc Ninh đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội. Xin bà cho biết một số kết quả nổi bật mà tỉnh Bắc Ninh đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua?
Bà Đào Hồng Lan: 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Bắc Ninh đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra. Cụ thể trong 26 chỉ tiêu, nhiệm vụ thì có 19 chỉ tiêu nhiệm vụ thực hiện đạt và vượt. Quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng, đưa Bắc Ninh trở thành cực tăng trưởng của Vùng Thủ đô và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân tăng 6,6%/năm, quy mô GRDP năm 2020 ước đạt 195,4 nghìn tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2015 và chiếm 3% GDP cả nước, đứng thứ 7 toàn quốc; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.900 USD, gấp 1,2 lần so với năm 2015 và gấp 2,1 lần bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Năm 2020, tổng thu ngân sách ước đạt 27.000 tỷ đồng, gấp 1,8 lần năm 2015, bình quân tăng 12,2%/năm (riêng năm 2019 đạt 30.400 tỷ đồng); trong đó thu nội địa bình quân tăng 15,8%/năm. Thu hút đầu tư nước ngoài là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước, lũy kế đã thu hút được 19,8 tỷ USD; đầu tư trong nước được 161.000 tỷ đồng.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển toàn diện, chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn được nâng lên, luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về giáo dục. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, chất lượng dịch vụ y tế được nâng cao; 100% các xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế và lập hồ sơ quản lý sức khỏe người dân.
Thực hiện đồng bộ, toàn diện, các chính sách an sinh xã hội; công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo đạt nhiều kết quả; đời sống nhân dân được nâng lên. Nhiều chính sách an sinh, phúc lợi xã hội của tỉnh được mở rộng đối tượng và có mức trợ cấp cao hơn so với quy định chung của cả nước.
Giảm 211 cơ quan, đơn vị, đầu mối
PV: Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được coi là yếu tố then chốt quyết định sự thành công, vậy công tác này đã được thực hiện ra sao trong nhiệm kỳ qua, thưa bà?
Bà Đào Hồng Lan: Trong nhiệm kỳ qua, công tác xây dựng Đảng về chính trị tiếp tục được coi trọng, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng được đổi mới và hiệu quả; tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, tạo sự đồng thuận trong xã hội, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền được nâng lên. Chủ động triển khai quán triệt, nghiên cứu, tuyên truyền, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của tỉnh đảm bảo nghiêm túc, kịp thời.
Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được nghiêm túc triển khai thực hiện, trọng tâm là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) đạt kết quả thiết thực, với vai trò nêu gương của 100% cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cấp ủy, cán bộ chủ chốt và trên 90% cán bộ, đảng viên đăng ký làm theo.
Công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị được tập trung thực hiện với quyết tâm chính trị cao. Chỉ đạo việc sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã giải thể, sáp nhập giảm 211 cơ quan, đơn vị, đầu mối.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng Đảng viên được nâng lên. Đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên bảo đảm đúng quy định. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm, bảo đảm số lượng và chất lượng; trong nhiệm kỳ kết nạp 8.245 đảng viên mới, bình quân hằng năm đạt 110% chỉ tiêu Đại hội. Thực hiện có hiệu quả quy định các đồng chí cấp uỷ đi công tác cơ sở và dự sinh hoạt chi bộ.
Trong công tác cán bộ, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các khâu: Đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, luân chuyển, điều động và thực hiện chính sách cán bộ bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định, quy trình, hướng dẫn của Trung ương. Thực hiện bố trí 5/8 Bí thư (chiếm 62,5%) và 4/8 Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (chiếm 50%) không phải là người địa phương.
Thực hiện nghiêm việc kiểm tra tổ chức Đảng, đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp và tổ chức Đảng cấp dưới; tập trung những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực; đẩy mạnh công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, thi hành kỷ luật đảng viên; xử lý nghiêm tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
Phát huy vai trò và đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng sâu sát thực tiễn, để tuyên truyền, vận động, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước; Xây dựng nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ và từng năm, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và coi trọng hiệu quả, khắc phục tính hình thức trong hoạt động.
PV: Để xây dựng tỉnh Bắc Ninh ngày càng phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại. Để đạt được mục tiêu này trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đề ra những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá nào, thưa bà?
Bà Đào Hồng Lan: Trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tập trung xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Củng cố và tăng cường lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, chính quyền.
Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh; phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế, trong đó chú trọng tạo đột phá phát triển thương mại - dịch vụ.
Quy hoạch và xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn dài hạn, gắn công nghiệp hóa với phát triển mở rộng không gian đô thị văn minh, hiện đại, phát huy lợi thế so sánh, mở rộng liên kết vùng, tạo động lực mới với vai trò cực tăng trưởng của Vùng Thủ đô. Huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, gắn kết đồng bộ giữa thành thị và nông thôn để đẩy nhanh quá trình đô thị hóa.
Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; phát huy bản sắc văn hóa Kinh Bắc và ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Giữ vững quốc phòng - an ninh, mở rộng hợp tác đối ngoại, tranh thủ các nguồn lực và phát huy sức mạnh toàn dân, tạo sự đồng thuận và môi trường ổn định thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững.
PV: Xin cảm ơn bà./.
Từ khóa:
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN