Bắc Ninh gỡ khó cho người chăn nuôi tái đàn lợn

Cập nhật: 03/06/2020

VOV.VN -Mặc dù giá lợn hơi lên cao, nhưng do khó khăn của dịch tả lợn Châu Phi còn tiềm ẩn, người chăn nuôi ở tỉnh Bắc Ninh vẫn e ngại trong việc tái đàn.

Thiếu vốn, đàn lợn bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch tả lợn châu Phi, khan hiếm con giống và giá tăng cao... đang là những khó khăn đối với người chăn nuôi ở huyện Quế Võ nói riêng và tỉnh Bắc Ninh nói chung.

Từ cuối năm 2019, sau khi đàn lợn bị dịch tả lợn châu Phi, đến nay, gia đình ông Đào Viết Xuê, ở xã Phú Lương, huyện Quế Võ mới tái đàn trở lại trên cơ sở gây được đàn lợn giống tại chỗ, kiểm soát chặt chẽ nguồn giống đầu vào. Anh Xuê chia sẻ, đàn lợn nái đẻ ra đến đâu, gia đình tái đàn đến đó chứ không nhập giống bên ngoài, đề phòng dịch bệnh tái phát.

“Năm 2019 gia đình thiệt hại gần 100 tấn vừa lợn nái, lợn thịt và lợn con, tổng đàn của gia đình mất 2/3. Qua dịch tả lợn châu Phi, quy mô hiện tại còn 70 nái sinh sản, với 800 lợn lớn, nhỏ, vừa, lợn to và lợn con. Đến nay, gia đình đã tái đàn thêm được 20 con nái và bắt đầu sinh sản, trong khi cung – cầu thiếu thì giá thực phẩm được đẩy lên tương đối cao, gỡ được vốn để có cơ hội tái đàn sản xuất”, ông Đào Việt Xuê nói.

bac ninh go kho cho nguoi chan nuoi tai dan hinh 1

Do khó khăn của dịch tả lợn Châu Phi còn tiềm ẩn, người chăn nuôi ở tỉnh Bắc Ninh còn e ngại trong việc tái đàn.

Theo ông Ngô Đăng Bình, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn toàn huyện khoảng 40.000 con, với hơn 3.000 hộ chăn nuôi, tuy nhiên, đến nay chỉ còn khoảng 700 hộ, với gần 12.000 con, chủ yếu tăng đàn ở các trang trại bởi những hộ này còn giữ được đàn nái sau dịch. Trong khi giá thịt lợn đang ở mức rất cao, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Quế Võ đẩy mạnh khôi phục đàn lợn tại chỗ theo hướng an toàn, hiệu quả, đảm bảo vệ sinh môi trường.

“Hiện nay, có khoảng gần 10 hộ đăng ký phát triển theo hướng tập trung quy mô tương đối lớn. Đàn lợn được nuôi và theo dõi theo đúng quy định của ngành chuyên môn đảm bảo an toàn dịch bệnh. Có trang trại đã qua giai đoạn 30 ngày không xuất hện dịch và tiếp tục đăng ký giống để mở rộng quy mô. Còn một số nông hộ nhỏ chủ yếu do hợp tác xã quản lý”, ông Ngô Đăng Bình cho hay.

Ông Đào Tiến Khuynh, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Bắc Ninh cho biết, đã có hơn 131.000 con lợn phải tiêu hủy sau dịch tả lợn châu Phi, tương đương khoảng 9.000 tấn. Đến nay, việc hỗ trợ thiệt hại sau dịch cho người chăn nuôi đã cơ bản được hoàn thành với số tiền gần 350 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, vệ sinh chuồng trại chưa bảo đảm cùng với khan hiếm con giống do giá cao, khiến người chăn nuôi thận trọng hơn trong việc tái đàn.

“Đến nay, công tác tái đàn gặp rất nhiều khó khăn, thứ nhất, do vốn và quỹ đất dành cho nông nghiệp hạn chế. Thứ hai, việc rà soát, điều tra cụ thể chi tiết những hộ chăn nuôi đảm bảo đủ điều kiện còn yếu. Chi cục cũng lưu ý các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cố gắng hỗ trợ nguồn cung con giống. Đồng thời, lưu ý các hộ chăn nuôi sản xuất theo quy trình khép kín để giảm được chi phí không cần thiết đối với khâu trung gian. Đảm bảo được an toàn dịch bệnh, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch và chăn nuôi an toàn sinh học”, ông Đào Tiến Khuynh cho biết.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để tăng đàn và tái đàn, quan trọng nhất là phải đủ số lượng và chất lượng con giống. Tuy nhiên, ngoài việc cung cấp giống, chăn nuôi an toàn sinh học vẫn là giải pháp then chốt để đảm bảo hiệu quả vì dịch tả lợn châu Phi vẫn có nguy cơ tái bùng phát khi chưa có vaccine và thuốc chữa.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến lưu ý: “Chúng ta làm tốt công tác phòng chống dịch sẽ có điều kiện để tái đàn. Tuy nhiên, bây giờ phải đảm bảo an toàn sinh học mới cho tái đàn, làm sao tăng đàn, tái đàn nhanh nhưng phải bền vững”.

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong đó có nhập khẩu con giống bố mẹ về để nhân giống tái đàn; nhập khẩu lợn sống để “giảm nhiệt” giá thịt lợn trong nước và mới đây nhất, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho nhu cầu tiêu dùng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân 22 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tái đàn thấp dưới 70% tăng cường tái đàn.

Trong đó, nhấn mạnh việc triển khai cấp bách các giải pháp tối ưu như: có chính sách hỗ trợ về quỹ đất, lãi suất vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng cường tái đàn và tăng đàn lợn; công bố hết dịch khi đủ điều kiện để các cơ sở chăn nuôi tái đàn, tăng đàn đảm bảo an toàn sinh học; hoàn thiện thủ tục hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi trong thời gian qua và tăng cường thông tin, tuyên truyền chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.

Từ khóa: tái đàn lợn, gỡ khó cho người chăn nuôi tái đàn, giá thịt lợn tăng cao, tỉnh Bắc Ninh

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập