Bắc Ninh gìn giữ và bảo tồn các di tích cách mạng
Cập nhật: 11/10/2023
VOV.VN - Việc bảo tồn và phát huy các di tích cách mạng không chỉ là trách nhiệm mà còn là cách tri ân của người Bắc Ninh với các chiến sĩ cách mạng tiền bối ưu tú của Đảng và Nhà nước, nhằm tiếp nối và giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Bắc Ninh có 1.589 di tích, trong đó 656 di tích được Nhà nước xếp hạng gồm: 4 di tích Quốc gia đặc biệt, 204 di tích cấp Quốc gia và 448 di tích cấp tỉnh. Trong 1.589 di tích, có 9 di tích lịch sử cách mạng đã được Nhà nước xếp hạng và khoảng 50 di tích, địa danh cách mạng từng là nơi diễn ra các sự kiện tiêu biểu của quê hương, đất nước.
Có những công trình xây dựng, địa điểm gắn với các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng, Nhà nước, tiêu biểu như: Khu di tích lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (Phù Khê, Từ Sơn); khu di tích lưu niệm đồng chí Ngô Gia Tự (Tam Sơn, Từ Sơn); di tích nhà thờ họ Hạ và nhà trưng bày thân thế, sự nghiệp đồng chí Hoàng Quốc Việt (thành phố Bắc Ninh)...
Tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo cho các di tích cách mạng. Năm 2008, Bắc Ninh đã đầu tư trên 100 tỷ đồng trùng tu tôn tạo khu lưu niệm gốc và xây dựng công viên tượng đài đồng chí Ngô Gia Tự rộng trên 4ha tại Tam Sơn; năm 2012, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đầu tư trên 1.000 tỷ đồng mở rộng, nâng cấp khu lưu niệm gồm: Nhà trưng bày, xây nhà khách, lát sân, vườn, hàng rào; dựng tượng đài đồng chí Nguyễn Văn Cừ, vườn hoa công viên, hồ bán nguyệt... phục vụ cho giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước và nhu cầu tham quan, tưởng niệm của nhân dân.
Bên cạnh đó, các di tích cách mạng khác đều được đầu tư, hỗ trợ kinh phí tu bổ, chống xuống cấp như chùa Đồng Kỵ, chùa Hồng Ân, đình Long Khám, đình Liễu Khê, nhà cụ Đám Thi, nhà cụ Tú Ba... Cùng với việc đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo cho các di tích, tỉnh cũng quan tâm tới chế độ chính sách cho những người làm công tác quản lý, bảo vệ, trông coi trực tiếp tại các di tích cách mạng.
Mỗi di tích sẽ có 1 người trông coi thường xuyên và được hưởng chế độ thù lao do Nhà nước quy định; riêng di tích lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ và Ngô Gia Tự, Ban quản lý di tích tỉnh trực tiếp quản lý, thuyết minh giới thiệu giá trị di tích tới khách tham quan; thường xuyên sưu tầm, bổ sung và chỉnh lý các tài liệu hiện vật tại nhà trưng bày nhằm làm sáng tỏ thêm công lao của các vị cách mạng tiền bối.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày nhiều chuyên đề chuyên sâu, thiết thực như: “Thân thế sự nghiệp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ”; “đồng chí Ngô Gia Tự”; “Sáng mãi tấm gương người chiến sĩ cách mạng tỉnh Bắc Ninh bị địch bắt tù đầy”… Qua các hiện vật gốc trưng bày tại Bảo tàng tỉnh góp phần không nhỏ vào việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ học tập, noi theo. Các tổ chức đoàn thể quần chúng tổ chức nhiều hoạt động mang ý nghĩa “Uống nước nhớ nguồn” như thăm viếng, kể chuyện truyền thống, thi tìm hiểu về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của danh nhân cách mạng; phong trào Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự, chương trình “Tuổi trẻ Bắc Ninh hành trình theo dấu ấn lịch sử”, chương trình “Trường học thân thiện học sinh tích cực” với nhiều hoạt động thiết thực gắn với các di tích lịch sử cách mạng tại địa phương...
Di tích cách mạng là minh chứng về niềm tin, lý tưởng, ý chí, nghị lực và ghi dấu chiến công của các chiến sĩ cách mạng trung kiên, nguyện hiến dâng cuộc đời cho lý tưởng cao đẹp của Đảng và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc được xem như “địa chỉ đỏ” có sức lay động, nhân lên niềm tự hào đối với mỗi người.
Việc bảo tồn và phát huy các di tích cách mạng không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cách tri ân của người Bắc Ninh với các chiến sĩ cách mạng tiền bối ưu tú của Đảng và Nhà nước, nhằm tiếp nối và giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Từ khóa: bắc ninh, gìn giữ, bảo tồn, các di tích, cách mạng
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả: tiến dũng/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN