Bắc Kạn huy động tối đa nguồn lực nhằm đảm bảo điều kiện học tập của trẻ
Cập nhật: 30/12/2023
Dùng hàn the làm chả, vợ chồng lĩnh án tù
Phát hiện “xưởng” chế tạo, mua bán vũ khí trái phép tại Phú Yên
VOV.VN - Dù còn khó khăn, Bắc Kạn nỗ lực đầu tư tối đa chăm lo cho học sinh, nhất là học sinh dân tộc thiểu số, học sinh vùng cao có những điều kiện tốt nhất để theo đuổi ước mơ đến trường.
Chợ Đồn là huyện có nhiều xã khó khăn và đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống của tỉnh Bắc Kạn. Hiện, tất cả các trường Mầm non đã tổ chức được ăn bán trú nhưng với bậc Tiểu học thì mới chỉ có 7/13 trường có thể nấu bữa trưa cho trẻ. Bà Hứa Hoàng Anh, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Chợ Đồn cho hay, dù các trường Tiểu học rất muốn tổ chức nấu bữa trưa cho học sinh nhưng cơ sở vật chất hạn chế nên không thể thực hiện. Thậm chí tại xã Xuân Lạc, một số điểm trường không có bếp nấu nên các cô giáo phải chế biến đồ ăn cho học sinh ở nơi khác rồi dùng xe máy đưa đến lớp cho các con. May mắn là mới đây, Chợ Đồn đã được một số tổ chức từ thiện, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng bếp ăn, giúp gỡ khó phần nào cho công tác chăm lo cho trẻ.
“Chợ Đồn đã được hỗ trợ một số công trình bếp ăn, như Cục Công nghệ thông tin, Bộ Công an hỗ trợ xây bếp ăn ở Nà Bản xã Xuân Lạc, Trường Mầm non Vinschool hỗ trợ xây tại điểm Lũng Noong, xã Nam Cường. Ngoài việc các cháu được hưởng định mức 160.000/tháng theo quy định, các cháu học sinh còn được các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm một số tiền nhất định để bữa ăn được phong phú, nhiều giá trị dinh dưỡng hơn”, bà Hứa Hoàng Anh cho biết.
Còn tại điểm trường Khâu Qua - Nặm Dài, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, vùng khó khăn nằm sâu trong vùng lõi vườn Quốc gia Ba Bể, dù trường không có điều kiện bán trú cho học sinh tiểu học, nhưng từ năm 2021 đến nay, nhờ chương trình “Nuôi em đến trường” do một tổ chức thiện nguyện triển khai, tất cả các em đã có bữa ăn trưa tươm tất. Các em học sinh người Mông, Dao đã không còn phải ăn trưa với mèn mén hoặc gói cơm trắng, rau luộc gói từ nhà mà đã được các cô giáo nấu những bữa trưa với đủ thịt, trứng, rau và cơm nóng.
Cô Lèng Thị Dậu, giáo viên nhà trường cho hay, năm nay, 38 em học sinh của điểm trường vẫn tiếp tục được ăn bữa trưa thiện nguyện, nhưng hiện đã có thêm sự hỗ trợ của phụ huynh và người dân: “Đến trường các cháu được ăn cơm trắng, ăn thịt cá, rau đầy đủ, các cháu rất thích. So với trước, bây giờ các cháu có sức khỏe tốt hơn, ít ốm và học bài rất tiến bộ, đi học đầy đủ”.
Là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế còn khó khăn, do đó Bắc Kạn không dễ để có thể triển khai bếp ăn bán trú cho tất cả các trường bậc tiểu học. Tuy nhiên, địa phương còn nhận được sự chung tay của các nhà đầu tư, hiện cơ bản 100% lớp học được kiên cố hóa, không còn nhà tranh tre, đảm bảo kín gió trong mùa đông. Tất cả các trường mầm non thực hiện nấu ăn trưa cho trẻ. Đồng thời, Bắc Kạn cũng là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai mô hình bán trú cho học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở. Các em học sinh ở các bản xa từ lớp 3 đến lớp 9 , ăn ở, sinh hoạt tập trung dưới sự quản lý, chăm sóc của các thầy cô giáo. Các em được hỗ trợ gạo, sinh hoạt phí theo quy định. Hiện, toàn tỉnh Bắc Kạn ngoài 7 trường Phổ thông dân tộc nội trú còn có tới 32 trường phổ thông dân tộc bán trú ở các bậc tiểu học và trung học cơ sở.
Thời gian qua, chính quyền các địa phương phối hợp ngành giáo dục thường xuyên kiểm tra các cơ sở nhằm đảm bảo điều kiện ăn ở, học tập và các quyền lợi chính đáng cho học sinh theo quy định.
Ông Lê Ngọc Quyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn cho hay: “Tuần vừa qua, UBND huyện và ngành giáo dục đã đi kiểm tra đột xuất 3 trường, trong đó có 2 trường Mầm non, 1 trường nội trú. Qua kiểm tra, các trường đều chấp hành tốt. Chúng tôi cũng nhắc nhở các đơn vị hết sức chú ý đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và chuẩn bị tốt công tác phòng, chống rét đậm, rét hại để trẻ có đủ điều kiện học tập”.
Năm 2022 Bắc Kạn cũng đã phát hiện và khởi tố một cán bộ kế toán trường học tham ô số tiền gần 160 triệu đồng hỗ trợ học sinh nghèo và học sinh khuyết tật tại xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm. Do đó, để tình trạng này không tái diễn và đảm bảo quyền lợi cho học sinh, ngành giáo dục cũng xem việc tăng cường công tác kiểm tra quản lý là công tác thường xuyên.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc sở Giáo dục và đào tạo Bắc Kạn cho biết: ngay khi công điện số 1385 ngày 20/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ (về tăng cường, bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ em mầm non, học sinh nội trú, bán trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) được ban hành, UBND tỉnh Bắc Kạn đã khẩn trương chỉ đạo các sở ngành và các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai.
“Việc đầu tiên là sẽ tiếp tục rà soát xem điều kiện nơi ăn, nơi ở của các cháu như thế nào để nhằm đảm bảo điều kiện tối thiểu nhất cho các cháu học tập và rèn luyện. Thêm vào đó, sẽ triển khai đồng bộ, kịp thời thực hiện các chế độ, chính sách đối với học sinh dân tộc, học sinh bán trú ở các địa phương, những em có điều kiện hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thì việc triển khai tổ chức thực hiện", ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết.
Tinh thần chỉ đạo chung của tỉnh Bắc Kạn là đảm bảo điều kiện tối đa cho học sinh, nhất là học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn có đủ điều kiện cho học tập, sinh hoạt. Kiên quyết xử lý nghiêm nếu có các hành vi vi phạm xảy ra.
Từ khóa: bắc kạn, đảm bảo điều kiện học tập,học sinh,học sinh dân tộc thiểu số,học sinh vùng cao
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: công luận/vov-đông bắc
Nguồn tin: VOVVN