Bắc Kạn: Điểm sạt lở gần 3 năm đe dọa an toàn của người dân nhưng chưa khắc phục
Cập nhật: 23/08/2024
Sông Nho Quế - vẻ đẹp hùng vĩ nơi địa đầu Tổ Quốc
Xây dựng Đại học Đà Nẵng thành Đại học vùng trọng điểm quốc gia
VOV.VN - Vị trí sạt trượt với hàng chục nghìn m3 đất đá ven Quốc lộ 3 (đoạn qua thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) vùi lấp quá nửa mặt đường và đe dọa sự an toàn của người dân, nhưng gần 3 năm qua vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Đợt mưa lớn vừa qua, nhiều hộ dân sinh sống ven quốc lộ 3, đoạn Km158+350 (tổ Khuổi Thuổm, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn) vô cùng lo lắng khi bên kia đường là khối lượng lớn đất, đá nằm đồi cao sẵn sàng ập xuống bất cứ lúc nào.
Thực tế, nhiều cơn mưa đã kéo theo bùn, đất vùi lấp quá nửa mặt đường và tràn vào sân một số nhà ven đường. Bà Nguyễn Thị Sáu (tổ Khuổi Thuổm, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn) cho biết tình trạng này đã kéo dài gần 3 năm qua và không ít vụ tai nạn giao thông đã xảy ra.
“Ngã nhiều lắm, ít nhất 2 người què, 1 người gãy đôi tay ra ấy, phải đưa đi viện, tại họ đi tối trời lại trơn quá. Mưa thì bùn nó tràn hết vào cổng nhà, chúng tôi cứ phải lấy nước dội rồi lấy chổi quét đi, nắng thì lại bụi...”, bà Sáu nói.
Tình trạng sạt lở xuất hiện từ khoảng đầu năm 2022, sau khi Phòng Quản lý đô thị thành phố Bắc Kạn cấp phép cho một hộ gia đình tại tổ 3, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn san ủi 460m2 thuộc phần đất thổ cư của gia đình này, trong đó chiều dài bám theo mặt đường QL3 là 23,7m và chiều sâu từ 16-18m. Toàn bộ đất đá san ủi đã được lấy để phục vụ san lấp mặt bằng cho một dự án đô thị gần đó.
Tuy nhiên, do đây là khu vực đồi cao, địa chất không ổn định cộng với việc chân đồi bị khoét sâu đã khiến sạt trượt xảy ra ngay khi việc san ủi hoàn thành. Theo tính toán của thành phố Bắc Kạn, vị trí sạt trượt đã kéo dài khoảng 100m bám theo mặt đường, khối lượng đất đá vùi lấp rãnh thoát nước và tràn ra quá nửa mặt đường ước tính hơn 1.000m3.
Chưa kể hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn m3 đất đá còn nằm phía trên taluy, như một quả “bom” đất, sẵn sàng ập xuống bất cứ lúc nào. Hiện có khoảng 10 hộ gia đình sinh sống ngay đối diện vị trí sạt trượt và tuyến giao thông huyết mạch này có hàng nghìn lượt người, phương tiện qua lại hàng ngày. Do đó, việc khẩn trương xử lý khắc phục dứt điểm, đảm bảo an toàn tại khu vực này là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Văn Lâm, người dân tổ Khuổi Thuổm, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn lo lắng: “Thực tế đường từ khi hoàn thành, thông tuyến 2002 đến giờ chỗ này có sạt trượt gì đâu, từ khi cấp phép cho họ san ủi thì mới sạt lở như thế đấy chứ. Họ có hót gạt đâu đó 2-3 lần xong lại sạt, sau chả thấy ai xử lý cứ để như thế suốt 2-3 năm nay. Mong làm sao xử lý cho sạch sẽ đô thị, trả lại tuyến quốc lộ cho người dân đi chứ giờ 2 xe tránh nhau đã vất vả rồi”.
Sau khi vụ sạt lở xảy ra, UBND thành phố Bắc Kạn đã có văn bản yêu cầu chủ đất hót dọn toàn bộ phần đất đá sạt trượt xuống mặt đường và có biện pháp đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, việc xử lý của hộ gia đình rất chậm nên chính quyền địa phương nhiều lần phải đôn đốc, nhắc nhở. Hơn nữa, khối lượng quá lớn nên việc khắc phục không được triệt để, đất đá vẫn tiếp tục tràn xuống QL3, chiếm tới một nửa lòng đường trong thời gian dài.
Tháng 6 vừa qua, chính quyền thành phố Bắc Kạn đã bố trí kinh phí hót dọn nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, ngay sau những trận mưa cuối tháng 7, đất đá lại sạt xuống mặt đường với khối lượng ước tính trên 700m3.
Ông Lưu Đình Tín, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Bắc Kạn cho biết: “Chúng tôi cũng đang phối hợp với cơ quan thường trực về phòng chống lụt bão thành phố có báo cáo vị trí sạt trượt với Sở Giao thông vận tải để cho phương án khắc phục. Thời gian tới, khi mưa ngớt, ổn định tình hình chúng tôi sẽ nghiên cứu phương án xử lý sao cho đảm bảo an toàn cho người dân và công trình. Phương án là tiếp tục hót gạt đất và có thể là gia cố mái taluy, chúng tôi sẽ nghiên cứu sao cho đảm bảo an toàn, hiệu quả nhất”.
Theo tính toán, để khắc phục triệt để vị trí này cần số tiền hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng nếu gia cố mái taluy. Nhưng nếu sử dụng tiền ngân sách để khắc phục trong trường hợp này liệu có thực sự phù hợp? Bởi rõ ràng, việc để xảy ra sạt trượt có nguyên nhân trực tiếp từ việc san ủi mặt bằng của hộ gia đình.
Đồng thời, trong đó có cả sự thiếu chặt chẽ trong khâu đánh giá, thẩm định khi cấp phép của đơn vị quản lý dẫn tới hình thành một điểm nguy cơ cao về sạt lở, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân. Vấn đề này rất cần cơ quan chức năng địa phương nhanh chóng làm rõ.
Từ khóa: sạt lở, Bắc Kạn, Quốc lộ 3, sạt lở,mùa mưa bão, satk lở đường
Thể loại: Xã hội
Tác giả: công luận/vov-đông bắc
Nguồn tin: VOVVN