Bắc Kạn bố trí tái định cư, vì sao người dân vẫn còn trăn trở?

Cập nhật: 20/08/2024

VOV.VN - Giai đoạn 2023 - 2024, thành phố Bắc Kạn triển khai một số công trình hạ tầng trọng điểm với mục tiêu tạo bước đột phá cho kinh tế, xã hội địa phương. Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều rơi vào tình trạng chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và bố trí tái định cư cho người dân.

Để phục vụ dự án tuyến đường vào hồ Nặm Cắt, một số hộ dân tại tổ Nà Pèn, phường Huyền Tụng được thành phố Bắc Kạn bố trí di dời vào khu tái định cư Khuổi Kén, xã Dương Quang. Tuy nhiên, hầu hết các hộ dân đều thắc mắc bởi khi nhận 100m2 đất tại đây, gia đình sẽ phải đóng thêm số tiền khoảng 50 triệu đồng. Người dân cho biết, trước đó, chủ đầu tư đã định hướng bố trí vào khu dân cư Dự án WB, thôn Phặc Tràng, xã Dương Quang nhưng mỗi lô đất sẽ phải đóng thêm hơn 500 triệu đồng, theo cơ chế đất đổi đất. Đây là khoản chi phí gần bằng tổng số tiền đền bù nhà cửa, đất đai, hoa màu nên người dân đành chọn tái định cư tại Khuổi Kén.

Ông Phan Văn Hoàn, người dân tổ Nà Pèn cho rằng, số tiền 50 triệu đồng là quá lớn khi thu nhập của gia đình ông không ổn định:  “Tại sao 3 bố con thì 2 người được bố trí tại chỗ, 1 người lại không được dù nhà tôi có tách hộ đàng hoàng, có bìa đỏ hết. Cắm ở đó giờ con tôi không biết lấy đâu tiền bù vào được. Từ đầu thống nhất là đất đổi đất, thống nhất rồi, giờ làm sai đi tôi không thống nhất. Bây giờ tôi yêu cầu là cắm tại chỗ và phải là đất đổi đất, không thêm bất cứ khoản gì, tái định cư không hơn thì phải bằng nơi cũ, đằng này không được bằng thì thôi, lại còn bù thêm thì tôi không hiểu thế nào nữa”.

Thời gian qua, thành phố Bắc Kạn đã triển khai nhiều dự án trọng điểm cho phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Điển hình là Dự án tuyến đường vào hồ Nặm Cắt và công trình Sân vận động tiêu chuẩn thi đấu quốc tế, được xem là điểm nhấn cho đô thị vùng cao này. Hai dự án này ảnh hưởng trực tiếp khoảng 300 hộ gia đình, trong đó có 55 hộ phải di dời. Bên cạnh các hộ được bố trí tái định cư tại chỗ, một số hộ buộc phải di dời đến khu tái định cư có sẵn và đóng thêm khoảng 50 triệu đồng để nhận đất, chính vì vậy nhiều hộ gia đình còn chưa đồng thuận.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Hữu Trung, Trưởng ban Bồi thường - Giải phóng mặt bằng thành phố Bắc Kạn cho biết: “Khu tái định cư Khuổi Kén hiện có đơn giá là 2,4 triệu đồng/m2, trong khi tại Nà Pèn là dưới 2 triệu đồng/m2, đối với những hộ có diện tích thu hồi nhỏ hơn và đơn giá bồi thường thấp hơn thì khi nhận đất tái định cư sẽ phải đóng thêm phần chênh lệch, lớn nhất là khoảng 50 triệu đồng. Đây là đúng quy định của pháp luật, vì nếu đơn giá bồi thường cao hơn thì người dân được nhận tiền chênh lệch về, còn nếu thấp hơn thì người dân phải đóng bù thêm”.

Điều này rõ ràng đưa người dân vào thế khó hơn, buộc phải đóng thêm tiền vì phần lớn đất thu hồi thuộc khu vực đồi núi hẻo lánh, đơn giá không thể cao hơn các khu tái định cư vốn đã hoàn thiện hạ tầng. Bởi vậy, phần lớn hộ dân mong muốn tái định cư tại chỗ để tránh phát sinh chi phí và hơn hết là thuận lợi cho lao động sản xuất, bởi nhiều gia đình kinh tế chỉ phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Các khu tái định cư quy mô 100m2/lô không thể đủ diện tích để có mảnh vườn trồng rau, chưa nói đến việc chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đồng thời, tái định cư tại chỗ giúp người dân thuận lợi canh tác ở phần đất chưa thu hồi và tránh phải làm thủ tục, giấy tờ do phải chuyển qua xã, phường khác… Dù vậy, đến nay các khu tái định cư tại chỗ vẫn chưa hoàn thành.

Thành phố Bắc Kạn đưa ra giải pháp tạm thời là hỗ trợ mỗi gia đình 18 triệu đồng cho 1 năm thuê trọ. Nhưng theo người dân, với một gia đình 4-5 thành viên, số tiền 1,5 triệu đồng để thuê trọ/tháng khó khả thi. Chưa kể, trong thời gian này họ phải lựa chọn nơi ở đảm bảo trồng trọt, chăn nuôi cũng như điều kiện sinh hoạt tối thiểu khác….

 Bà Vi Thị Tốt, người dân tổ Nà Pèn, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn chia sẻ: “Chi 18 triệu thì tất nhiên là gây ảnh hưởng khó khăn cho gia đình, lấy tiền về thì trước hết sẽ chăn nuôi, trồng trọt thêm, rồi phải làm lán trại ở tạm thôi, chứ thuê trọ là không được rồi, 18 triệu kia chắc hỗ trợ được khoảng một nửa. Cuộc sống giờ xáo trộn hết cả, vừa rồi mưa lớn còn cả tuần không có đường đi ra ngoài được”.

Nhiều nguyên nhân vướng mắc GPMB tại thành phố Bắc Kạn đã được chỉ ra, như việc sai lệch hồ sơ thực địa hay đơn giá hỗ trợ, đền bù chưa nhận được sự đồng thuận của người dân, chưa có vị trí tái định cư phù hợp… còn có nguyên nhân đến từ khâu tuyên truyền chính sách chưa thực sự hiệu quả như trường hợp bà Hà Thị Trình, thôn Nà Ỏi, xã Dương Quang. Trước khi di dời đến khu dân cư Thôm Dầy, phường Sông Cầu để phục vụ dự án xây trường Mầm non Dương Quang, bà được chính quyền tuyên truyền và thông báo bằng văn bản sẽ được giảm tiền sử dụng đất cho người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, sau khi xây nhà tại nơi ở mới, bà Trình bất ngờ được thông báo không thuộc diện được miễn giảm từ cơ quan thuế thành phố Bắc Kạn.

“Họ nói, chúng tôi được hỗ trợ, tôi người dân tộc Tày thì được hỗ trợ tái định cư hơn 156 triệu mà giờ không có tiền đâu. Cả đất, cả nhà tôi được đền bù chỉ 548 triệu, mà giờ bắt tôi nộp tổng 443 triệu thì tôi còn có hơn 100 triệu, làm sao tôi làm nổi căn nhà. Con tôi phải vay mượn khắp nơi về làm cho bà cháu tôi căn nhà này ở”, bà Hà Thị Trình cho biết. 

Thừa nhận với trường hợp của gia đình bà Hà Thị Trình, công tác tuyên truyền chính sách còn có chỗ thiếu sót, ông Võ Quốc Toàn, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng thành phố Bắc Kạn cho biết thêm: việc thiếu quỹ đất cũng như thiếu nguồn lực đầu tư đã khiến công tác bố trí tái định cư cho người dân còn khá bị động. Chưa kể, với các dự án tái định cư tại chỗ đang thi công, khi hoàn thành hạ tầng mới có thể tiến hành định giá đất. Lúc này tiếp tục có thể phát sinh vướng mắc nếu đơn giá đất cao hơn hiện tại khiến người dân khó chấp thuận.

 “Thực sự theo Luật đất đai thì phải có tái định cư trước mới được thu hồi đất, nhưng Bắc Kạn là tỉnh hạn chế nguồn lực, không thể có nguồn lực bố trí tái định cư trước nên phải làm song song với dự án, nên công tác GPMB gặp khó khăn. Nếu có điều kiện thì làm các khu tái định cư chung cho 1 kỳ đầu tư công trung hạn thì sẽ hiệu quả nhất”, ông Võ Quốc Toàn nói.

Đến thời điểm này cả 2 dự án trọng điểm của thành phố Bắc Kạn vẫn chưa thể hoàn thiện công tác GPMB, thậm chí công trình sân Vận động mới chỉ giải ngân phần GPMB đạt khoảng 50%. Ông Long Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn cho hay, hiện, chính quyền đang nỗ lực tuyên truyền, vận động và làm tốt nhất chính sách bồi thường với người dân, để các công trình có thể hoàn thành trong năm 2025.

 “Công tác GMPB người dân còn thắc mắc về đơn giá liên quan đến bồi thường cây cối, hoa màu, tái định cư. Tuy nhiên đây là quy định của pháp luật thôi, thành phố không thể đưa ra đơn giá khác, khi triển khai chúng tôi cũng đã cố gắng vận dụng đúng, đủ chính sách để nhân dân không thiệt thòi. Chúng tôi cũng chỉ đạo quyết liệt, tăng cường vận động, tuyên truyền để người dân hiểu về chính sách GPMB cũng như ý nghĩa của các dự án với địa phương”, ông Long Văn Thắng cho biết.

Từ thực tế công tác GPMB và bố trí tái định cư tại thành phố Bắc Kạn cho thấy những bất cập, hạn chế cần được chính quyền địa phương quan tâm giải quyết. Đặc biệt là cần có sự chuẩn bị từ sớm về bố trí tái định cư, tránh bị động trong quá trình triển khai. Điều này, không chỉ đảm bảo quyền lợi cho người dân mà còn tránh được những vướng mắc với các dự án được triển khai trong thời gian tới.

Từ khóa: bắc kạn, bố trí tái định cư, giải phóng mặt bằng, chậm tiến độ, tái định cư tại chỗ

Thể loại: Xã hội

Tác giả: công luận/vov-đông bắc

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập