Bắc Giang kết nối tiêu thụ vải thiều chín sớm Tân Yên
Cập nhật: 27/05/2024
VOV.VN - Bà Lâm Thị Hương Thành - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang cho biết: "Vải thiều Bắc Giang đã đến với các thị trường trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường có yêu cầu khắt khe về chỉ tiêu chất lượng sản phẩm".
Ngày 27/5, UBND huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều chín sớm năm 2024 và lễ cắt băng xuất hành, chứng kiến đoàn xe khởi hành đưa vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội nghị, bà Lâm Thị Hương Thành - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh Bắc Giang hiện đang duy trì và kiểm soát chặt chẽ 223 mã vùng trồng vải thiều phục vụ xuất khẩu với diện tích khoảng 17.198ha, 39 cơ sở đóng gói quả vải tươi xuất khẩu. Dự báo sản lượng vải thiều toàn tỉnh năm 2024 là 100 nghìn tấn (trong đó vải sớm 50 nghìn tấn, vải chính vụ 50 nghìn tấn).
"Hiện nay, vải thiều Bắc Giang đã đến với các thị trường trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường có yêu cầu khắt khe về chỉ tiêu chất lượng sản phẩm"- bà Lâm Thị Hương Thành nói.
Năm 2024, huyện Tân Yên có 1.420 ha vải thiều, sản lượng khoảng 15.500 tấn, giá trị ước đạt 520 tỷ đồng. Trong đó, diện tích vải thiều sớm là 1.250 ha, ước sản lượng 15.000 tấn, diện tích vải thiều chính vụ là 170 ha, ước sản lượng 300 tấn.
Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo chất lượng ATTP 900ha; diện tích GlobalGAP đạt 455ha (duy trì 415ha, mở rộng 40ha), để phục vụ cho xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU. Dự kiến, sản lượng vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP khoảng 5.550 tấn.
Dự kiến năm 2024, khoảng 7.800 tấn (chiếm 50,3% tổng sản lượng) tiêu thụ tại thị trường nội địa, khoảng 7.700 tấn (chiếm 49,7% tổng sản lượng) phục vụ xuất khẩu chủ yếu sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc.
Hiện huyện Tân Yên đang quản lý 27 mã vùng trồng vải thiều phục vụ xuất khẩu, gồm: 17 mã vùng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với diện tích 856ha, sản lượng 10.200 tấn; 3 mã vùng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với diện tích 25ha, sản lượng 300 tấn; 2 mã vùng xuất khẩu sang Úc, diện tích 22ha, sản lượng 260 tấn; 2 mã vùng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, diện tích 21,4ha, sản lượng 250 tấn; 3 mã vùng xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, diện tích 42ha, sản lượng 500 tấn.
Huyện Tân Yên đã chủ động kết nối, mời gọi các doanh nghiệp ký liên kết tiêu thụ, đã có khoảng 10 doanh nghiệp có kế hoạch và ký hợp đồng tiêu thụ vải xuất khẩu với người trồng vải và chuẩn bị tốt các điều kiện tham gia các chương trình, hội nghị xúc tiến do UBND tỉnh tổ chức; tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, huyện cũng thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hướng tới mô hình sản xuất hữu cơ, tiếp tục ứng dụng tốt hơn tiến bộ khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm trong canh tác nên chất lượng vải thiều năm nay cao hơn những năm trước và sản phẩm vải thiều sớm Tân Yên đã trở thành thương hiệu nổi tiếng có chỗ đứng trong nhiều năm ở thị trường các nước như: Trung Quốc, Nhật, ÚC, Hoa Kỳ.
Trong thời gian tới, huyện Tân Yên sẽ tiếp tục mở rộng diện tích mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đối với các thị trường xuất khẩu, chuẩn hóa mẫu mã, bao bì sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng chỉ dẫn địa lý, quản lý nhãn hiệu, đảm bảo quy trình sản xuất tạo ra sản phẩm quả vải chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Từ khóa: bắc giang, vải thiều, tân yên,vải thiều tân yên, bắc giang kết nối tiêu thụ vải thiều, vải thiều chất lượng cao
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: văn giang/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN