Bắc Cạn: Tỉnh thứ 2 thực hiện "Mỗi xã phường một sản phẩm"
Cập nhật: 19/10/2019
Phiên chứng khoán chiều qua: Thị trường tăng nhẹ, giao dịch quanh mốc 1230 điểm (26/11/2024)
Hà Nội tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh y, dược vi phạm (26/11/2024)
VOV.VN - Bắc Kạn là tỉnh thứ hai trong cả nước thực hiện Chương trình quốc gia "Mỗi xã phường một sản phẩm" (hay còn gọi là Chương trình OCOP).
Tháng 6/2019, tỉnh Bắc Kạn cũng là địa phương đầu tiên thành lập Hội doanh nhân OCOP nhằm gắn kết các đơn vị, doanh nghiệp tham gia chương trình. Hoạt động của Hội đã góp phần đáng kể giúp cho Đề án xây dựng mỗi xã phường một sản phẩm của địa phương này đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm được triển khai tại Bắc Kạn từ năm 2016 nhưng chỉ thực sự phát triển mạnh từ năm 2018 sau khi Đề án Mỗi xã phường một sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018-2020 được thông qua. Hiện địa phương này đã xác định được khoảng 130 sản phẩm có ưu thế. Trong đó, năm 2018 đã có 37 sản phẩm được phân hạng 3 sao và 4 sao.
Các sản phẩm đã được chú trọng hơn đến mẫu mã, bao bì cũng như chất lượng khi đưa ra thị trường |
Mặc dù đã chú trọng đến mẫu mã và quảng bá giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, điểm yếuchung của các sản phẩm đó là thiếu sự liên kết giữa các đơn vị sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng không nhỏ đến mở rộng đầu ra trên thị trường trong nước.
Anh Nguyễn Đình Tân, Giám đốc HTX Rượu chuối Tân Dân cùng các bạn của mình đã có ý tưởng thành lập một tổ chức hội của những đơn vị cùng tham gia chương trình OCOP. Được sự tư vấn, hỗ trợ của tỉnh Bắc Kạn, tháng 6/2019, Hội doanh nhân OCOP Bắc Kạn đã chính thức ra mắt với 83 thành viên do anh Nguyễn Đình Tân làm Chủ tịch Hội.
Anh Tân cho biết: "Chúng tôi nghiên cứu và thành lập Hội doanh nhân OCOP với mục đích, tôn chỉ là đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, tư vấn cho nhau cùng nhau phát triển. Và chúng tôi chú trọng đến xúc tiến thương mại để làm sao tìm được đầu ra cho sản phẩm cho người nông dân Bắc Kạn.
Hội Doanh nhân OCOP tỉnh Bắc Kạn ra mắt tháng 6/2019. |
Chúng tôi thành lập ra 4 ban đó là: Ban Xúc tiến thương mại, Ban Hội viên, Ban Pháp chế và Ủy ban Kiểm tra. 4 ban này có chức năng riêng, trong đó Ban Xúc tiến thương mại được chúng tôi chú trọng hàng đầu làm sao mở được thị trường trong tỉnh và toàn quốc".
Ngay sau khi ra đời, Hội doanh nhân OCOP Bắc Kạnđã có nhiều hoạt động thiết thực như: Phối hợp cùng các cơ quan chức năng của tỉnh kết nối các hợp tác xã, doanh nghiệp của Bắc Kạn với các chuỗi nhà hàng, cửa hàng tại các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Nội... thông qua các hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nhiều chương trình hội nghị kết nối cung cầu được tổ chức tại một số tỉnh phía Bắc, mở gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Siêu thị Big C Thăng Long, Hà Nội…
Thấy được hiệu quả, đến nay, 100% các đơn vị tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP đều đã tham gia Hội doanh nhân OCOP, nâng tổ chức hội lên 113 thành viên.
Anh Hoàng Văn Thành, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Hoàn Thành, huyện Chợ Đồn cho biết: HTX của anh thành lập được hơn 2 năm với sản phẩm chủ yếu là gạo Bao thai Chợ Đồn và một số gạo đặc sản khác. Từ chỗ chỉ dám tiêu thụ vài chục tấn do thị trường chỉ gói gọn trong tỉnh, bây giờ HTX đã mạnh dạn đưa sản phẩm vươn ra các tỉnh như Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội, đồng thời ký thêm hợp đồng bao tiêu cho người dân với sản lượng dự kiến tăng lên gấp ba, gấp bốn lần.
Anh Hoàng Văn Thành, Giám đốc HTX Hoàn Thành cho biết, thông qua các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm do Hội Doanh nhân OCOP tỉnh Bắc Kạn tổ chức đã có thêm nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến sản phẩm của đơn vị. |
"Hiện tại khó khăn nhất là về đầu ra, do mẫu mã mình chưa đa dạng, thị trường mình chưa tiếp cận được nhiều. Đặc thù vùng núi cao tiếp cận thị trường Hà Nội hay thành phố lớn khá khó khăn. Thông qua Hội Doanh nhân OCOP chúng tôi được tiếp cận các khu trưng bày, triển lãm và giúp giới thiệu cho người dân biết đến các sản phẩm của Bắc Kạn khá nhiều" - anh Thành chia sẻ.
Bắc Kạn là địa phương có nhiều sản phẩm nông, lâm sản đặc sản như: Gạo Bao thai, chè, miến dong, hồng không hạt, cam, quýt, dược liệu, các loại bánh trái, rau, củ quả và một số sản phẩm gia súc, gia cầm đặc trưng... Đẩy mạnh các sản phẩm OCOP cũng là một trong những giải pháp cho phát triển kinh tế trong xây dựng Nông thôn mới của địa phương thời gian tới.Riêng năm 2019 Bắc Kạn đã có thêm gần 100 sản phẩm của gần 80 tổ chức, đơn vị đăng ký tham gia chương trình.
Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết: "Trục sản phẩm xã, phường chính là trục sản phẩm OCOP, trục sản phẩm này sẽ định hướng có thể có nhiều sản phẩm nhưng phải mang tính đặc thù, đặc sản địa phương và phải có biện pháp nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, và các tiêu chí sản phẩm để tham gia được thị trường, từ đó mới nâng cao được giá trị sản phẩm".
Với mục tiêu mà Bắc Kạn đã đặt ra, vai trò của Hội Doanh nhân OCOP sẽ là rất quan trọng nhằm thúc đẩy việc phát triển thị trường và tạo sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Mặc dù mới thành lập, còn gặp những khó khăn nhất định như về kinh phí hoạt động, quy chế sinh hoạt hội còn chưa chặt chẽ thậm chí chưa có trụ sở, nhưng sự ra đời của Hội doanh nhân OCOP là một bước tiến cho thấy quyết tâm và cách làm đầy sáng tạo của các doanh nhân trẻ vùng cao, họ đã khởi nghiệp dựa trên phát huy lợi thế, thế mạnh ngay trên chính mảnh đất quê hương./.
Hội chợ thương mại Lai Châu, nơi hội tụ đặc sản vùng cao
Từ khóa: Hội Doanh nhân OCOP, Bắc Cạn, doanh nghiệp, Mỗi xã phường một sản phẩm, đặc sản vùng miền
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN