Bác bỏ luận điệu xuyên tạc “Văn hóa các dân tộc thiểu số bị người Kinh đồng hóa"

Cập nhật: 15/01/2024

VOV.VN - Gần đây, một số phần tử cơ hội bất mãn đưa ra luận điệu "Văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đang bị người Kinh đồng hóa”. Thủ đoạn không mới nhưng lại rất nguy hiểm bởi nó phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Cần phải nhận diện và phê phán luận điệu xuyên tạc này.

 

Thực hiện chính sách dân tộc nói chung, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số của nước ta nói riêng, đời sống của các đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam được nâng lên; bản sắc văn hóa của từng dân tộc được giữ gìn, phát huy, tạo nên bức tranh văn hóa Việt Nam đa dạng, đặc sắc.

Vậy nhưng, các thế lực thù địch vẫn ra sức xuyên tạc, chống phá bằng nhiều thủ đoạn công khai, trực diện, hòng hạ thấp những thành quả ấy, âm mưu chia rẽ các dân tộc.

Gần đây, các phần tử cơ hội bất mãn còn đưa ra luận điệu "văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đang bị người Kinh đồng hóa". Thủ đoạn không mới nhưng lại rất nguy hiểm bởi nó phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Phóng viên VOV phỏng vấn PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

 

PV: Thưa ông, ông có bình luận gì về những thông tin cho rằng "văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đang bị người Kinh đồng hóa"?

PGS-TS Bùi Hoài Sơn: Đây chắc chắn là những luận điệu xuyên tạc và mang tính chất chống đối; chắc chắn không đúng với sự thật và bản chất của quá trình phát triển tiếp biến văn hóa nói chung và của văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng.

Thứ nhất, về quan điểm chính sách pháp luật của Nhà nước, chúng ta thấy rằng Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc giữ gìn giá trị văn hóa của tất cả các dân tộc, đặc biệt là dân tộc thiểu số. Điều này được thể hiện rất rõ trong Hiến pháp của nước ta qua các thời kỳ, ngay từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến bản gần nhất năm 2013, chúng ta đều xác định nước ta là quốc gia đa dân tộc, thống nhất trong đa dạng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Chúng ta cũng nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Chúng ta cũng nhấn mạnh ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt, nhưng các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.

Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện cũng như tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước. Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ hay lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp. Chúng ta cũng xác định Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

Thực tế, chúng ta đã ban hành nhiều chính sách để tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc khẳng định bản sắc của mình. Ở Quốc hội, chúng ta có 89 đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, chiếm 18% số đại biểu Quốc hội, lớn hơn tỷ lệ 15% trên tổng số dân của quốc gia. Điều này giúp chúng ta đảm bảo cho tiếng nói, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số luôn luôn được lắng nghe.

Đồng bào dân tộc thiểu số có thể tham gia vào mọi quyết định lớn của đất nước và đó là lý do tại sao chúng ta có thể bác bỏ một cách dứt khoát luận điệu xuyên tạc chia rẽ dân tộc của các thế lực thù địch.

PV: Việc phát tán quan điểm sai trái đó trên môi trường mạng gây ra hậu quả không hề nhỏ đối với quá trình xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Vậy cần phải làm gì để nhận diện rõ những âm mưu đó, thưa ông?

PGS-TS Bùi Hoài Sơn: Đây là một thách thức văn hóa phi truyền thống chúng ta đang phải đối mặt. Nếu như trước kia, thông tin được thẩm định, được lựa chọn một cách cẩn thận hơn thì bây giờ, với môi trường mạng xã hội, nhanh, mang tính vô danh lớn, khó kiểm soát, hậu quả của việc phát tán thông tin sai trái rất nghiêm trọng. Chúng ta có thể nhận diện được những thông tin đó bằng các biểu hiện có thể là những thông tin kích động phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc giữa các dân tộc và các tôn giáo; đó cũng có thể là các thông tin về tuyên truyền kích động bạo lực và gây rối trật tự công cộng.

Tôi nghĩ rằng, khi tiếp cận các thông tin này, chúng ta rất cần có phân tích, sàng lọc, tìm hiểu kỹ các nguồn thông tin trước khi chia sẻ và bình luận. Nếu phát hiện thông tin sai trái, xuyên tạc, kịp thời báo với cơ quan chức năng để xử lý ngay.

PV: Ai cũng biết, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc; coi đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của cách mạng. Trong các văn kiện Đại hội Đảng, nhất là thời kỳ đổi mới, sự kế thừa quan điểm đó được cụ thể hóa như thế nào, thưa ông?

PGS-TS Bùi Hoài Sơn: Tôi thấy tư tưởng đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc giữ một vai trò vô cùng đặc biệt, nhất quán và xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đảng ta luôn xác định đoàn kết là giá trị cốt lõi, đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược và là cội nguồn sức mạnh hay động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quyết định đến mọi thắng lợi của cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chúng ta cũng biết, kế thừa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân tộc, Đảng đã ban hành khá nhiều nghị quyết và có quan điểm nhất quán về vấn đề này. Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại hội IV của Đảng đã đề ra chính sách về dân tộc, trong đó nhấn mạnh việc giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc là một trong những nhiệm vụ có tính chất chiến lược của cách mạng Việt Nam. Chính sách dân tộc của Đảng là thực hiện triệt để quyền bình đẳng về mọi mặt giữa các dân tộc. Đến Đại hội VIII, vấn đề dân tộc tiếp tục được nhấn mạnh thể hiện quan điểm là vấn đề có vị trí chiến lược lớn, thực sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, CNH-HĐH đất nước.

Ở Đại hội IX đã tổng kết và tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách về dân tộc, trong đó nhấn mạnh thực hiện tốt các chính sách dân tộc, bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhau cùng phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, phát triển sản xuất hàng hóa, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, xóa đói giảm nghèo, mở mang dân trí; giữ gìn và làm giàu bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc giữa miền núi và miền xuôi, đặc biệt vùng khó khăn.

Trong cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH bổ sung và phát triển năm 2011 cũng đã nhấn mạnh việc thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết và tôn trọng, giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển; gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc và chống tư tưởng kỳ thị, chia rẽ dân tộc.

Gần đây nhất, văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định lấy giá trị văn hóa con người Việt Nam là nền tảng sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo cho phát triển bền vững và quan tâm tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ của các dân tộc thiểu số.

Chúng ta thấy, xuyên suốt các văn bản của Đảng, Nhà nước ta đã thể hiện thông điệp quan trọng về bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số. Tôi nghĩ đây là tín hiệu tốt, tích cực cho việc bảo vệ các giá trị văn hóa của dân tộc.

 PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Từ khóa: xuyên tạc, văn hóa, dân tộc thiểu số, phần tử cơ hội

Thể loại: Nội chính

Tác giả: pv/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan