Bà Nguyễn Thanh Hải: Đào tạo nghề cho người lao động là vấn đề sống còn

Cập nhật: 21/07/2022

[VOV2] - Với đặc thù 70% lao động sống ở vùng nông thôn và 75% dân số ở khu vực nông thôn, tỉnh Thái Nguyên xác định việc đào tạo nghề cho người lao động là vấn đề sống còn.

Tại Hội thảo khoa học “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức (20/7), bà Nguyễn Thanh Hải-Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết, năm 2021 mức lương trung bình của người lao động tỉnh Thái Nguyên đạt mức 8,5 triệu đồng/người/tháng và mức thưởng trung bình đạt 9 triệu đồng/người. Nhiều doanh nghiệp như Samsung, Gang thép Thái Nguyên… có mức thưởng lên đến 20 triệu đồng/người.

Mức lương, thưởng cho người lao động ngày càng cao theo bà Nguyễn Thanh Hải một phần do chất lượng người lao động ngày càng được cải thiện.

“Tỉnh đã đề nghị các doanh nghiệp đóng trên địa bàn ưu tiên tuyển dụng lao động đã qua đào tạo và là người Thái Nguyên. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy tỷ lệ học sinh sau THCS và THPT đi học nghề”, bà Hải cho biết.

Cũng tại hội thảo khoa học “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” bà Nguyễn Thanh Hải cho biết, hiện số người trong độ tuổi lao động của Thái Nguyên là hơn 763 nghìn người (chiếm 61% dân số); Số người lao động sinh sống tại khu vực thành thị là hơn 224 nghìn người (chiếm 29,4%); Số lao động sống tại khu vực nông thôn, miền núi là hơn 539 nghìn người (chiếm 70,6%).

“Với hơn 70% lao động sinh sống ở khu vực nông thôn nên vấn đề tam nông: Nông nghiệp, nông thôn, nông dân nói chung và đào tạo nghề cho người lao động sinh sống ở khu vực nông thôn là vấn đề sống còn. Trong các chính sách phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới của tỉnh chắc chắn sẽ ưu tiên vấn đề đào tạo nghề cho người lao động”, Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho biết.

Liên quan tới những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bà Nguyễn Thanh Hải cho biết, tỉnh Thái Nguyên là một trong những địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số. Ngoài việc cho ra đời các nền tảng, ứng dụng CNTT để người dân dễ dàng tương tác với chính quyền thì việc phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương gắn liền với ứng dụng CNTT.

“Người nông dân phải được trang bị các kiến thức về chuyển đổi số để có thể giao dịch, kinh doanh sản phẩm của mình trên các sàn giao dịch điện tử. Hiện nay phần lớn các sản phẩm chè của các doanh nghiệp, HTX đều có mã QR code, truy xuất nguồn gốc. Nhờ ứng dụng CNTT mà hầu như các doanh nghiệp cũng không phải lo lắng về việc tiêu phụ sản phẩm, ngay cả thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội năm 2021”, bà Hải cho biết.

Đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, bà Hải cũng thông tin, Thái Nguyên ứng dụng một cổng thông tin mà người lao động có thể tìm kiếm được việc làm và nhà tuyển dụng cũng có thể tuyển dụng được lao động.

Từ khóa: Đào tạo nghề, lao động, nông thôn, bà Nguyễn Thanh Hải, Thái Nguyên, dạy nghề, VOV2

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập