Ba kịch bản cho Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib
Cập nhật: 19/02/2020
VOV.VN - Thổ Nhĩ Kỳ muốn ngăn lực lượng chính phủ Syria tiến về Idlib nhưng không muốn đối đầu với Nga – đồng minh chính của chính quyền Tổng thống Assad.
Trong những tuần gần đây, tình hình ở Idlib, tây bắc Syria đã bước vào giai đoạn mới. Các lực lượng chính quyền Syria, với sự hậu thuẫn của Nga và Iran, đã tiến tới giành lại được các tuyến đường cao tốc M4 và M5, lần lượt kết nối thành phố Latakia và thủ đô Damascus tới Aleppo.
Một người đàn ông lái xe máy bên cạnh đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở Hazano, gần Idlib, Syria ngày 11/2/2020. Ảnh: Reuters |
Các lực lượng của chính phủ Syria tiến về Idlib với sự hậu thuẫn từ chiến dịch dội bom dày đặc của Nga và Iran.
Những cuộc đụng độ ở Idlib - thành trì cuối cùng của lực lượng nổi dậy Syria đã khiến hàng chục dân thường, các tay súng đối lập, cùng 13 bính sỹ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng và khiến hàng trăm nghìn dân thường phải chạy tị nạn tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này khiến Ankara phải hành động.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa hàng trăm xe quân sự vào lãnh thổ Syria, củng cố các chốt quan sát mà nước này sử dụng ở tây bắc Syria, đồng thời thiết lập thêm các chốt mới ở các khu vực do lực lượng đối lập ở Syria kiểm soát.
Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng mục tiêu cuối cùng của Nga là bao vây lực lượng vũ trang đối lập ở Syria và cắt các tuyến cung cấp chính từ lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ cho lực lượng này - một diễn biến mà Ankara vô cùng muốn tránh.
Ở vào thế “bí”, Ankara đang phải cân nhắc các lựa chọn nhằm tránh một thất bại hoàn toàn cho các lực lượng liên minh tại Syria cũng như canh bạc của chính họ tại quốc gia láng giềng.
Vùng giảm căng thẳng cuối cùng chưa được giải phóng
Idlib là vùng giảm căng thẳng cuối cùng trong số 4 vùng giảm căng thẳng được nhất trí giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ năm 2017 mà chính quyền Syria vẫn chưa giành lại quyền kiểm soát. Ba vùng còn lại là Đông Ghouta nằm gần Damascus; Deraa và Quneitra ở phía Nam; Rastan và Talbiseh ở tỉnh Homs – đều lần lượt được các lực lượng chính phủ Syria tiếp quản trong vòng 1 năm.
Sau mỗi cuộc tiếp quản, hàng chục nghìn dân thường và tay súng không muốn ở trong quyền quản lý của chính quyền đều được phép rời đi và phần lớn đều đến Idlib.
Năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách để tránh kịch bản chính phủ Syria cuối cùng cũng giành lại quyền kiểm soát Idlib như 3 vùng giảm căng thẳng trước đó bằng một thỏa thuận với Nga ở Sochi theo đó thiết lập vùng phi quân sự ở Idlib. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ cam kết giải giáp vũ khí và đẩy Hay'et Tahrir al-Sham (HTS) – nhóm vũ trang trước đây có liên kết với al Qaeda – khỏi vùng phi quân sự. Hai bên cũng nhất trí mở lại M4 và M5 vì mục đích đi lại và thương mại.
Tuy nhiên, thỏa thuận chưa bao giờ được thực hiện triệt để. Thổ Nhĩ Kỳ không thể buộc HTS thực hiện giao kèo, trong khi Nga cũng không ngăn chính quyền Syria tiến hành chiến dịch Idlib và luôn nghĩ rằng vùng phi quân sự chỉ là một giải pháp tạm thời hướng tới mục đích cuối cùng đưa toàn bộ lãnh thổ Syria nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Assad.
Theo chiều hướng này, sự leo thang ở Idlib là không thể tránh khỏi. Nhưng không giống như các cuộc tiếp quản những vùng giảm căng thẳng khác. Nếu các lực lượng chính phủ Syria giành hoàn toàn quyền kiểm soát Idlib, điều đó đồng nghĩa với một thất bại hoàn toàn của lực lượng đối lập Syria và việc loại bỏ các nhóm này khỏi các cuộc đàm phán về giải pháp cuối cùng cho một Syria hậu chiến tranh.
Và nếu như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ - lực lượng chính ủng hộ phe đối lập Syria, cũng sẽ bị gạt sang một bên và không có tiếng nói trong các cuộc đàm phán tương lai. Đây sẽ là một thất bại ngoại giao lớn sau nhiều năm Thổ Nhĩ Kỳ can dự vào cuộc xung đột ở nước láng giềng.
Hơn nữa, việc chính phủ Syria tiếp quản Idlib có thể dẫn tới việc 3 triệu dân thường đổ về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các khu vực biên giới nhỏ mà Ankara kiểm soát ở phía bắc tỉnh Aleppo. Với làn sóng phản đối người tị nạn Syria ở trong nước, chính quyền Tổng thống Erdogan không thể chấp nhận có thêm người Syria tràn sang lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
Quan hệ Nga-Thổ
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ một giải pháp quân sự ở tây bắc Syria, nước này cũng không thể rủi ro đối đầu với Nga. Thổ Nhĩ Kỳ từng phải trả cái giá không nhỏ khi xung đột với Nga năm 2015 sau vụ bắn rơi tiêm kích Nga gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Đáp lại, Nga khi đó đã cấm nhập khẩu hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ và khuyến cáo công dân hạn chế du lịch Thổ Nhõ Kỳ, khiến Ankara chịu thiệt hại lớn về kinh tế.
Trong khi đó, cả Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đều không ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ trong diễn biến leo thang căng thẳng với Nga. Thậm chí cả 2 đều chậm trễ trong việc lên tiếng chỉ trích âm mưu đảo chính lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hồi tháng 7/2016.
Cảm thấy bị cô lập bởi chính các đồng minh truyền thống, Ankara đã phải đặt ra nhiều nỗ lực lớn, trong đó có cả lời xin lỗi công khai từ Tổng thống Erdogan, nhằm cải thiện quan hệ với Nga.
Ngày nay, quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga phát triển mạnh mẽ hơn so với năm 2015. Nga là một trong những đối tác thương mại chính của Thổ Nhĩ Kỳ (thương mại song phương vượt 25 tỷ USD mỗi năm) và quan trọng hơn, Nga trở thành nhà cung cấp dầu mỏ và khí đốt hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang trở thành một trung tâm trung chuyển đối với khí đốt xuất khẩu của Nga sang châu Âu. Tháng trước, Tổng thống Erdogan và Tổng thống Putin cùng khánh thành Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, dự án đường ống dẫn khí đốt vượt Biển Đen từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến vận chuyển khí đốt tới đông nam châu Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng hy vọng giành thêm sự ủng hộ của Nga trong bối cảnh căng thẳng gia tăng về vấn đề thăm dò khí đốt ở phía Đông Địa Trung Hải, đặc biệt, sau khi Mỹ tỏ ra ủng hộ đối với Hy Lạp.
Hiện tại cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang hợp tác trong vấn đề Libya, nơi mà 2 nước ủng hộ các bên khác nhau. Cả Ankara và Moscow đều tích cực dàn xếp đàm phán một lệnh ngừng bắn giữa chính phủ đoàn kết dân tộc được Liên Hợp Quốc thừa nhận với lực lượng do Tướng Khalifa Haftar đứng đầu ở Libya.
Sự hợp tác giữa Nga và Thổ cũng được đẩy mạnh trong lĩnh vực quân sự. Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 của Nga bất chấp sự phản đối của các đồng minh phương Tây và thậm chí cũng đã thảo luận khả năng mua tiêm kích Su-35 và Su-57 của Nga.
Những kịch bản cho Thổ Nhĩ Kỳ
Dưới sức ép phải ngăn chặn chính quyền Syria tiến quân về Idlib trong khi vẫn phải bảo vệ mối quan hệ với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ không có nhiều lựa chọn. Ở thời điểm này, Ankara dường như chỉ có 3 kịch bản khả thi.
Kịch bản thứ nhất và được Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn nhất là Nga chấp nhận ủng hộ thỏa thuận về vùng giảm căng thẳng ở Idlib, yêu cầu lực lượng chính phủ Syria quay trở lại các vị trí mà họ nắm giữ trước chiến dịch gần đây nhất. Điều này có thể được kết hợp với việc khôi phục tiến trình chính trị và khôi phục các cuộc họp của Ủy ban hiến pháp – với nhiệm vụ soạn thảo các sửa đổi Hiến pháp được nhất trí giữa Chính phủ Syria, phe đối lập Syria và cộng đồng quốc tế.
Dù Thổ Nhĩ Kỳ đã cố thúc đẩy một giải pháp như vậy bằng cách đe dọa hành động quân sự nếu chính quyền Syria không rút quân, nhưng khả năng kịch bản này xảy ra vẫn khá mong manh.
Kịch bản thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận những thực tế mới trên thực đựa và cho phép chính quyền Syria kiểm soát các tuyến cao tốc M4 và M5, nhưng vẫn sử dụng lực lượng để ngăn chặn các lực lượng của chính quyền Assad tiến quân thêm về phía Idlib.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể tìm cách thiết lập một “vùng an toàn” ở Idlib bằng cách dựng các chốt phòng thủ dọc mặt trận và cung cấp vũ khí hạng nặng cho lực lượng đối lập Syria, đặc biệt là các tên lửa phòng không. Có vẻ như Ankarra đã sử dụng chính sách này khi 2 trực thăng của chính quyền Syria bị bắn hạ ở Idlib bằng vũ khí phòng không.
Kịch bản thứ ba – và cũng là điều mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn tránh nhất – là leo thang căng thẳng với Nga. Sự hiện diện của các vũ khí phòng không trên thực địa làm gia tăng nguy cơ máy bay Nga bị bắn hạ. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ có các biện pháp đề phòng nhằm tránh diễn biến nguy hiểm này, nhưng với sự triển khai quy mô lớn trên thực địa, kịch bản này sẽ rất giống với những gì đã xảy ra năm 2015 dẫn tới sự đối đầu với các lực lượng của Nga.
Dù Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề Idlib, điều gì xảy ra tiếp theo sẽ còn phụ thuộc vào việc Mỹ quyết định làm gì. Lâu nay, Mỹ vẫn phát tín hiệu không rõ ràng tới Thổ Nhõ Kỳ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hay Đặc phái viên Syria James Jeffrey đều bày tỏ ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ. Song, Lầu Năm Góc lại nói rằng “chưa đạt được thỏa thuận nào” về việc Mỹ sẽ có thêm những bước đi cụ thể gì ở Idlib.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Nga đang cố đẩy Thổ Nhĩ Kỳ rời xa các đồng minh NATO, Mỹ có thể sẽ nắm bắt cơ hội để làm điều tương tự với mối quan hệ Nga-Thổ bằng cách ủng hộ chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib.
Nói cách khác, các quyết định lớn sẽ được Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Mỹ đưa ra trong những tuần tới và những quyết định này có thể định hình giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột Syria sắp bước sang năm thứ 10./.
Xung đột ở Syria: Từ ủy nhiệm tới đối đầu trực tiếp?
Từ khóa: căng thẳng ở Syria, chiến sự Idlib, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN