Bà giáo già tận tâm với những mảnh đời kém may mắn
Cập nhật: 20/11/2019
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN - Dù đã 80 tuổi, mắt mờ chân chậm, nhưng gần 20 năm nay, bà Vũ Thị Minh Hương vẫn miệt mài chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ kém may mắn, chậm phát triển...
Trên nền nhạc bài “Bụi phấn”, các mẹ và những tình nguyện viên người Pháp tại Trung tâm Phúc Tuệ (Ba Đình, Hà Nội) đang hướng dẫn các bé học múa, hát chuẩn bị cho ngày 20/11. Gọi là các bé, nhưng ở đây bé nhỏ nhất khoảng 6-7 tuổi, cũng có "bé" đã 19, 20 tuổi, cao lớn gấp đôi các mẹ ở trung tâm, thỉnh thoảng lại cười ngô nghê thích thú.
Chị Hà, phụ huynh cháu Phúc (10 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) không giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc khi thấy con đứng tập văn nghệ vui vẻ cùng các bạn. Chị Hà rơm rớm nước mắt, kể với giọng đầy hạnh phúc: “Từ ngày đến với bà Hương, với trung tâm Phúc Tuệ, con có tiến bộ vượt bậc. Trước đây, dù đã 6 tuổi nhưng con vẫn chưa biết nói, tăng động. Thế nhưng từ khi đến với ngôi nhà Phúc Tuệ, con đã biết đọc, biết viết, nói khá sõi và biết cả làm toán. Nhiều bài đến bố mẹ còn làm sai, nhưng con lại làm được. Lần đầu tiên được nghe con nói, thấy con về nhà tự mở sách ra ngồi làm toán, tôi đã sung sướng đến khóc ngất đi, gọi ngay cho chồng báo tin. Giờ đây con rất thích đến lớp, các mẹ và bà ở đây chăm sóc con rất chu đáo như ở nhà”.
Bà Vũ Thị Minh Hương bao năm nay vẫn miệt mài với công việc chăm sóc, dạy dỗ các trẻ chậm phát triển, tự kỷ. |
Kể từ khi thành lập năm 2001 đến nay, Trung tâm Phúc Tuệ đã trở thành mái nhà của hàng trăm trẻ khuyết tật, chậm phát triển, tự kỷ. Theo các bậc phụ huynh, trung tâm Phúc Tuệ không nhằm mục đích kinh doanh mà thiện nguyện là chính, nên học phí của các trẻ ở đây chỉ khoảng hơn 1triệu đồng/cháu, nhiều cháu có hoàn cảnh khó khăn thì đóng góp tùy theo khả năng.
Những người đến đây sẽ còn bất ngờ hơn nữa bởi người đứng ra thành lập trung tâm Phúc Tuệ và gắn bó suốt bao năm nay là một bà giáo già về hưu đã gần 80 tuổi Vũ Thị Minh Hương.
Dẫn chúng tôi vào căn phòng làm việc riêng, thực chất chỉ là một góc nhỏ được ngăn lại bằng tấm màn gió, có kê chiếc bàn và bên cạnh là vô số tài liệu về tâm lý, trị liệu cho trẻ tự kỷ, bà Vũ Thị Minh Hương vừa chỉ cho chúng tôi thấy từng lớp và nhóm trẻ khác nhau được chia theo trình trạng bệnh.
“Có những con bị nhẹ hơn, chỉ chậm nói, chậm phát triển, có con tăng động, hở ra là trốn xuống sân, thấy cái gì cũng nghịch, có trẻ bị down... Mỗi con một đặc điểm và cần một cách dạy khác nhau, nên đầu tiên trẻ vào đây sẽ được kiểm tra và chia lớp”, bà Hương nói.
Dù ở tuổi thất thập cổ lai hy, nhiều người đang vui hưởng tuổi già bên con cháu, nhưng bà Hương vẫn minh mẫn và miệt mài với việc chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ. Nói về cơ duyên đến với những đứa trẻ đặc biệt, bà Hương chia sẻ, vào những năm 2000 khi vừa nghỉ hưu ở Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, bà Hương nhận thấy các cơ sở dạy trẻ đặc biệt còn hạn chế, phụ huynh vẫn còn nhiều khó khăn.“Lúc ấy gia đình tôi cũng có một cháu họ bị tự kỷ, mẹ cháu đã phải rất vất vả đi tìm tài liệu, lớp học cho cháu. Thời gian còn công tác ở Sở GD-ĐT Hà Nội, tôi thấy công tác giáo dục trẻ tự kỷ vẫn chưa được thực sự chú trọng, số lượng các trường dạy nhóm trẻ đặc biệt còn hạn chế, khái niệm này cũng còn khá xa lạ với phụ huynh. Nhiều con phải vào các trường học bình thường như bao trẻ khác, nên vốn đã chịu thiệt thòi, nay các con còn chịu thêm sự kỳ thị, phân biệt đối xử từ những bạn học khác.
Hơn nữa, nhìn những bà mẹ có con bị tự kỷ, tôi mới thấy mình may mắn đến nhường nào khi có những đứa con của mình khỏe mạnh, học tập phát triển tốt. Tôi nghĩ rằng bản thân mình đã may mắn, nếu có khả năng thì nên san sẻ cho người khác”, bà Hương tâm sự.
Với những đứa trẻ ở đây, bà Hương giống như một người bà trong gia đình. |
Nói về quá trình dạy trẻ tự kỷ, bà Hương cho rằng, cần nhất là sự kiên trì, nhẫn nại, dạy các em từng câu nói, hành vi. Mỗi trẻ có môt hành vi khác nhau, cảm xúc khác nhau. Nhiều cháu bị hạn chế về ngôn ngữ giao tiếp, có cháu khả năng hiểu tốt nhưng lại có tính tăng động cao nên không thể học được. Nhiều cháu dù đã 17, 18 nhưng vẫn không thể tự làm vệ sinh cá nhân, mọi hoạt động từ ăn uống, vệ sinh đều phải do các mẹ giúp đỡ.
“Ở đây chúng tôi không phân lớp theo độ tuổi, nên phải luôn theo sát từng hành động của trẻ để dần tìm ra phương pháp tiếp cận thích hợp, từ đó có thể hướng dẫn trẻ theo một nề nếp học tập, sinh hoạt có ảnh hưởng tích cực tới sự tiến bộ của trẻ. Các con ở đây giống như những búi chỉ rối, có chỗ rối nhiều, chỗ rối ít. Thậm chí các con rất nhạy cảm, còn chịu ảnh hưởng rất lớn từ môi trường, thời tiết. Chỉ cần thay đổi một chút cũng làm các con hắt hơi, sổ mũi, ảnh hưởng đến tâm lý, nhiều khi phải chú ý đến từng chi tiết nhỏ như âm thanh, tiếng ồn. Có con rất thích nơi náo nhiệt, có con chỉ cần nghe tiếng động mạnh là bịt tai kêu lên. Vì thế mỗi trẻ phải có kế hoạch chăm sóc và giáo dục riêng”, bà Hương nói.
Dạy trẻ bình thường đã vất vả, nhưng dạy những trẻ tự kỷ, chậm phát triển thì còn vất vả hơn nhiều. Dù vậy, mức lương của các giáo viên ở đây thấp hơn nhiều so với những chỗ khác. “Nếu thu học phí cao như những chỗ khác, thì phụ huynh lấy tiền đây cho con đi học. Nhiều khi phải đi khắp mơi kêu gọi từ thiện. Bản thân chúng tôi cũng phải nghĩ cách chắt chiu để làm sao đời sống của những giáo viên không quá khó khăn. May mắn là các cô giáo ở đây đều rất chia sẻ, dù khó khăn, vất vả, đồng lương ít ỏi mang tính hỗ trợ nhưng họ vẫn gắn bó với Trung tâm, với tôi bao năm nay”.
Bà Hương tâm sự, với bản thân bà và những mẹ nuôi dạy trẻ khác ở đây, động lực lớn nhất để cố gắng mỗi ngày là nhìn thấy sự tiến bộ của các con. “Có những con trước khi đến đây hay hờn, hay khóc, không biết viết chữ gì cả nhưng bây giờ giống như những đứa bình thường. Có cháu đã biết giúp gia đình bán nước chè, thậm chí nói được cả tiếng Anh, vì ở đây hay có tình nguyện viên quốc tế tới dạy, chủ động mời khách nước ngoài, rất nhanh nhẹn.
Đây không chỉ là niềm hạnh phúc của riêng tôi, mà còn của các giáo viên khác. Từng tiến bộ nhỏ của các con cũng là niềm vui. Có những cháu không nói được, nhưng hôm nay thấy bà, hay các mẹ ở trung tâm mặc một cái áo mới, nó mon men ra mân mê cái vạt áo... chỉ cần những thay đổi rất nhỏ thế thôi đã khiến chúng tôi mừng rồi”.
Để hiểu và dạy trẻ tự kỷ không dễ, bao năm qua, để gắn bó với những đứa trẻ đặc biệt, bà giáo già Vũ Thị Minh Hương đã phải đi khắp nơi, tham gia các hội thảo khoa học, tìm hiểu thực tế. Vất vả, khó khăn, nhưng điều bà luôn cảm thấy may mắn là những đứa trẻ tại đây đang dần có những chuyển biến tích cực và bên cạnh luôn có những người đồng nghiệp khác, gọi bà là mẹ, là bà. Họ cũng ngày đêm tận tụy, chăm sóc những đứa trẻ kém may mắn như chính con của mình./.
Bà Giáo già hơn 40 năm sưu tầm ảnh Bác Hồ
Cô giáo vùng cao miệt mài truyền tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái
Từ khóa: trẻ tự kỷ, cô giáo dạy trẻ tự kỷ, người bà người mẹ của những đứa con không bao giờ lớn, trung tâm Phúc Tuệ, dạy trẻ tự kỷ
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN