Ngày 18/4, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, khóa XIX do Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi tổ chức, các đại biểu đã chính thức bỏ phiếu bầu bổ sung Phó Bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh được bầu giữ chức danh Phó Bí thư Tỉnh ủy với 43/43 phiếu, đạt 100% đại biểu dự tán thành.
|
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân vừa được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Ảnh: Báo Quảng Ngãi |
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, sinh năm 1974, quê quán phường Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi có trình độ chuyên môn Đại học chuyên ngành Ngữ văn, Cao cấp Lý luận chính trị, chuyên viên cao cấp về quản lý nhà nước…
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân đã từng trải qua các vị trí Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi, Bí thư Huyện ủy Tư Nghĩa, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy và Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh.
Kết quả bầu tại Hội nghị này sẽ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi trình Ban Bí thư Trung ương phê chuẩn.
Ngoài việc kiện toàn công tác cán bộ, Hội nghị đã thông qua kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tỉnh Quảng Ngãi xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế của các huyện, thành phố ven biển và đảo Lý Sơn đóng góp trên 90% GRDP toàn tỉnh; các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển.
Tỉnh hướng đến ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm, suy thoái môi trường biển; 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt tại các huyện ven biển, đảo của tỉnh được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường.
Tỉnh quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng cường năng lực khu bảo tồn biển Lý Sơn, phục hồi và bảo vệ các hệ sinh thái trong khu bảo tồn; đến năm 2030 độ che phủ rừng các xã ven biển đạt 33,4%...
Để thực hiện mục tiêu này, Quảng Ngãi đã xác định các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
Về phát triển Du lịch, dịch vụ biển đảo, tỉnh khai thác hiệu quả tài nguyên về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, lịch sử của các địa phương ven biển và đảo Lý Sơn để đẩy mạnh phát triển du lịch biển, đảo.
Tỉnh triển khai thực hiện Dự án Bảo tồn khẩn cấp đảo Bé; hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận Công viên địa chất toàn cầu huyện đảo Lý Sơn, xã Bình Châu và các vùng phụ cận.
Quảng Ngãi triển khai có hiệu quả chương hợp trình liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố và với doanh nghiệp lữ hành du lịch có thương hiệu trong và ngoài nước; xây dựng tuyến du lịch Bình Châu-Mỹ Khê-Lý Sơn.
Về kinh tế hàng hải, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục quy hoạch, xây dựng và tổ chức khai thác đồng bộ, hiệu quả các cảng biển gắn với các dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ vận tải biển và dịch vụ biển như: đại lý tàu biển, hoa tiêu, lai dắt, vận tải hàng hóa, dịch vụ cung cấp vật tư, thiết bị hàng hải, thông tin liên lạc trên biển.
Tỉnh quy hoạch địa điểm xây dựng các đầu mối Logistics sau cảng; Kêu gọi đầu tư xây dựng tuyến Container trung chuyển quốc tế tại Khu kinh tế Dung Quất. Tỉnh sẽ phát triển cảng nước sâu Dung Quất trở thành một trong những cảng có quy mô lớn của quốc gia.
Đối với công tác nuôi trồng và khai thác hải sản, tỉnh Quảng Ngãi xác định chuyển từ nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị kinh tế cao; tăng cường bảo vệ, tái tạo nguồn lợi, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt.
Đồng thời, tỉnh hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển; Củng cố, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, đội, nghiệp đoàn nghề cá để vươn khơi đánh bắt dài ngày kết hợp bảo vệ chủ quyền vùng biển.
Tỉnh thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ ngư dân cải hoán, đóng mới phát triển tàu có công suất lớn, hiện đại, đặc biệt là tàu vỏ thép, composite và vật liệu mới; khuyến khích phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần để thực hiện chuỗi liên kết khai thác, dịch vụ, thu mua, tiêu thụ, chế biến sản phẩm...
Bên cạnh đó, Quảng Ngãi tiếp tục chú trọng phát triển công nghiệp ven biển; phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Tỉnh phát triển đồng bộ Khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển…./.