Australia và Mỹ chuẩn bị thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh
Cập nhật: 01/12/2020
Nga triển khai đạn pháo dẫn đường bằng laser mới nhất tấn công Ukraine
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
VOV.VN - Australia và Mỹ đang chuẩn bị thử nghiệm vũ khí siêu thanh, có tốc độ nhanh hơn ít nhất 5 lần so với tốc độ âm thanh.
Việc thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh nằm trong kế hoạch tăng cường năng lực quốc phòng được nêu trong bản cập nhật chiến lược quốc phòng mà nước này vừa công bố vào tháng 7 vừa qua.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds hôm nay (1/12) cho biết, Australia và Mỹ vừa ký kết thỏa thuận để phát triển và thử nghiệm các mẫu tên lửa siêu thanh. Thỏa thuận này được ký kết trong khuôn khổ chương trình Thử nghiệm nghiên cứu bay tích hợp Southern Cross (SCIFiFE) để hợp tác bay thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh nguyên mẫu đầy đủ kích thước.
Bộ trưởng Linda Reynolds cho biết, việc thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh sẽ cho thấy vũ khí này hoạt động như thế nào trong quá trình vận hành. Sau khi Mỹ và Australia ký thỏa thuận, chính phủ Australia sẽ làm việc với các công ty công nghệ về việc triển khai một loạt công nghệ để đưa tên lửa siêu âm từ giai đoạn thử nghiệm vào dây chuyển sản xuất cho Không quân Hoàng gia Australia.
Tờ The Sydney Morning Herald cho biết, Australia mong muốn phát triển tên lửa siêu thanh có thể phóng từ biển và đất liền. Mặc dù tầm bắn của tên lửa phóng từ trên không rất khác nhau, tùy thuộc vào loại được sử dụng, máy bay mang chúng song không quân Mỹ cho biết, các tên lửa loại này có thể bắn trúng mục tiêu cách xa 1.600 km. Báo này cũng cho hay, theo ước tính, một tên lửa siêu thanh được phóng từ trên không sẽ mất từ 6 đến 7 phút để di chuyển trên quãng đường dài gần 900 km từ Sydney đến Melboune.
Tờ The Sydney Morning Herald cũng cho hay, theo kế hoạch, các tên lửa siêu thanh sẽ được vận chuyển bằng các máy bay hiện có của Không quân Hoàng gia Australia bao gồm máy bay Growlers, Super Hornet, máy bay chiến đấu và máy bay do thám Poseidon. Tên lửa này cũng có thể được gắn vào các thiết bị bay không người lái như thiết bị bay Loyal Wingman thế hệ mới.
Mặc dù không tiết lộ chi phí của dự án này song việc thử nghiệm tên lửa siêu âm nằm trong khuôn khổ Kế hoạch tái cơ cấu lực lượng quốc phòng Australia có trị giá 9,3 tỷ AUD mà chính phủ Australia công bố vào tháng 7/2020.
Bộ trưởng Linda Reynolds khẳng định: “Việc cùng với Mỹ phát triển năng lực có khả năng thay đổi cuộc chơi mang lại cơ hội cho ngành công nghiệp Australia. Điều này thể hiện cam kết của chính quyền Australia trong việc củng cố ngành công nghiệp quốc phòng của đất nước trong khi tạo ra nhiều việc làm trong ngành công nghệ cao và nâng cao khả năng tự lực của quân đội Australia. Đầu tư vào các khả năng ngăn chặn các hành động chống lại Australia cũng mang lại lợi ích cho khu vực, các đồng minh và các đối tác an ninh của Australia. Australia tiếp tục cam kết vì hòa bình, ổn đinh trong khu vực cũng như một Ấn Độ-Thái Bình Dương rộng mở, bao trùm và thịnh vượng”./.
Từ khóa: Australia, tên lửa hành trình, nhanh hơn tốc độ âm thanh, hợp tác quốc phòng, Mỹ và Australia
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN