ATM gạo đến với những mảnh đời bất hạnh, dân tộc thiểu số ở Hòa Bình
Cập nhật: 20/04/2020
Theo chân trẻ con vùng cao đi cắt tóc, sắm váy áo mới trong chợ phiên
VOV Tây Nguyên trao nhà đồng đội tặng quân nhân có hoàn cảnh khó khăn
VOV.VN - Những cây ATM gạo đã kịp thời chia sẻ, động viên nhiều mảnh đời bất hạnh hay những người dân tộc thiểu số gặp khó khăn ở Hòa Bình trong mùa dịch.
ATM gạo nhân bản đến với người dân tộc thiểu số ở Hòa Bình
Ngày 20/4, tại trụ sở UBND phường Kỳ Sơn (TP Hoà bình, tỉnh Hòa Bình), Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với Conek Việt Nam, PHGLock và các đơn vị thiện nguyện, những nhà hảo tâm tổ chức điểm phát gạo miễn phí ủng hộ người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Người dân tập trung tại sântrụ sở UBND phường Kỳ Sơn (TP Hoà bình, tỉnh Hòa Bình) nhận gạo từ cây "ATM gạo". |
Ông Mai Thế Hùng, đại diện nhóm thiện nguyện PHG lock (là đơn vị nhân bản ATM gạo từ miền Nam ra tặng cho TP Hòa Bình) cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế - xã hội, đặc biệt là đời sống của người dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn là đồng bào dân tộc thiểu số.
“Chúng tôi không quản ngại khó khăn, vượt hàng nghìn km từ TP Hồ Chí Minh ra đây, với mong muốn được góp 1 phần hảo tâm của mình để chia sẻ, động viên, mong muốn bà con đồng bào đang gặp khó khăn vơi bớt gánh nặng trong cuộc sống để cổ vũ họ vươn lên trong cuộc sống”, ông Hùng chia sẻ.
Người dân đến đều được hướng dẫn giữ khoảng cách an toàn. |
Mô hình cây ATM gạo được tặng miễn phí này xuất phát từ 1 nhóm góp tiền nhau hỗ trợ người nghèo ở miền Nam, sau đó đã phối hợp cùng với các tổ chức cá nhân cùng chí hướng như PHG lock để tự chế tạo ra các máy ATM gạo tự động và cùng với Conek Việt Nam và các đơn vị khác tổ chức những hoạt động ý nghĩa cho người nghèo ở khắp mọi miền tổ quốc.
Theo ông Hùng, với khẩu hiệu “ai cần thì lấy 1 túi, ai chưa thực sự cần thì hãy nhường cho người cần hơn mình”, PHG lock cùng Conek Việt Nam và các đơn vị đồng hành đã tặng miễn phí và ủng hộ nhiều tấn gạo ban đầu, chuyển giao công nghệ cho TP Hòa Bình phát cho người dân tộc thiểu số, những người gặp khó khăn trên địa bàn phường Kỳ Sơn từ 20/4 và dự kiến đến hết ngày 30/4. Định mức một người mỗi ngày sẽ được nhận là 3kg.
Những mảnh đời bất hạnh được giúp đỡ khi lấy gạo. |
“Sau khi tặng và chuyển giao, địa phương tiếp tục vận hành và kêu gọi những tổ chức, cá nhân hảo tâm khác để duy trì hoạt động ý nghĩa này kéo dài và thường xuyên hơn nữa”, ông Hùng chia sẻ thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Hòa Bình cho biết, thành phố Hòa Bình hiện có rất nhiều đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch, trong đó tập trung chính vào những đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội. Bên cạnh đó có 1 bộ phận rất lớn lao động tạm thời phải nghỉ việc ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập.
Nhiều người khuyết tật đến nhận gạo miễn phí. |
“Với những khó khăn đó, cùng với sự quan tâm của Đảng và nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hòa Bình đã kêu gọi và đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm như Conek Việt Nam, PHG lock..., ở mọi miền Tổ quốc đã đến lắp đặt và trao tặng cây ATM gạo để giúp đỡ những người gặp khó khăn vượt qua giai đoạn hiện nay. Bên cạnh việc này thì chúng tôi còn tổ chức các hoạt động như siêu thị 0 đồng, để người dân đến mua được những sản phẩm thiết yếu giúp tháo gỡ những khó khăn”, ông Dũng chia sẻ.
Người dân giữ gìn khoảng cách, đứng vào những ô đã được sắp xếp trước khi vào lấy gạo. |
Theo ghi nhận của phóng viên VOV.VN, tại điểm "ATM gạo" hoạt động có camera theo dõi, hệ thống quan sát và điều khiển từ xa, kiểm duyệt người đến lấy gạo. Cây ATM thông minh sẽ tự động chảy ra gạo và tự động đóng ngắt khi phát hiện trường hợp vi phạm quy định.
Người dân có thể đến nhận 3kg gạo mỗi ngày. Trước khi nhận gạo, người dân xếp hàng cách nhau 2m, người ra vào ngoài việc được hướng dẫn rửa tay sát khuẩn, kiểm tra thân nhiệt còn cần khai báo thông tin y tế để đảm bảo an toàn dịch tễ. Với những người già yếu, khuyết tật… sẽ được hỗ trợ lấy gạo từ ban tổ chức và được phát các túi gạo đóng gói sẵn.
Ông Nguyễn Thế Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Hòa Bình cảm ơnConek Việt Nam, PHG Lock và những nhà hảo tâm đồng hành cùng chương trình. |
Kịp thời chia sẻ, động viên những mảnh đời bất hạnh
Anh Nguyễn Hồng Thái là người dân tộc Mường hiện đang sống tại Tổ 9 (Phường Kỳ Sơn, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Năm 2002 khi đó anh còn làm nghề thợ xây, trong lúc xây dựng anh đã không may chạm vào đường dây điện khiến anh mất đi 1 cánh tay mãi mãi.
Anh Nguyễn Hồng Thái là người dân tộc Mường hiện đang sống tại Tổ 9 (Phường Kỳ Sơn, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). |
Là trụ cột trong gia đình, sau khi gặp tai nạn lao động, những nguồn lực mà anh đóng góp đã không còn, gia đình anh lao đao, cuộc sống gặp muôn vàn những khó khăn.
“Hai con đang trong tuổi ăn tuổi lớn, chi phí học hành sinh hoạt của cả gia đình vốn đã khó khăn nay lại thêm muôn vàn khó khăn, vất vả hơn nữa. Tôi mất 2 cánh tay, không còn làm được việc gì, tất cả những khó khăn vất vả đó lại dồn lên vai vợ tôi. Hàng tháng, ngoài số tiền hơn 500.000 đồng trợ cấp xã hội cho tôi, thì tất cả sinh hoạt trong gia đình và nuôi 2 con trai tôi ăn học đều trông chờ vào việc vợ tôi cặm cụi làm chổi chít”, anh Thái bộc bạch.
Theo anh Thái, hàng ngày anh luôn động viên vợ cùng vượt qua khó khăn vất vả. “Nhiều khi khó khăn quá tôi dùng bàn tay giả của mình đi cùng mọi người câu ít cá hoặc bắt ít cua để kiếm thêm ít đồ ăn cho gia đình sống qua ngày. Nhà chỉ có vỏn vẹn 2 sào ruộng, được mùa thì đủ ăn, mất mùa lại phải đi vay mượn đong gạo ăn”.
Các tình nguyện viên giúp anh Thái lấy gạo miễn phí. |
Việc các tổ chức, cá nhân và nhà hảo tâm mang ATM gạo về cho những người khó khăn như anh Thái nhận miễn phí khiến anh cảm thấy rất vui, anh mong muốn sẽ có nhiều hoạt động như thế này hơn nữa để những người khó khăn trong vùng như anh bớt khổ.
Không mất 2 bàn tay như anh Thái nhưng lại mất đi đôi chân là người đàn ông tên Phạm Ngọc Bộ hiện đang ở Tổ 1 (phường Kỳ Sơn, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình).
Anh Bộ chia sẻ: “Tôi bị liệt 2 chân từ năm 12 tuổi khi phải trải qua cơn sốt tai hại và bị biến chứng. Sau khi lập gia đình chúng tôi sinh được 1 cháu trai, khi cháu lớn được 6 tuổi thì vợ tôi bỏ tôi. Bây giờ chỉ còn hai bố con dựa vào nhau để sống”.
Anh Phạm Ngọc Bộ hiện đang ở Tổ 1 (phường Kỳ Sơn, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). |
Con trai anh Bộ năm nay đang học lớp 6. Hàng tháng hai bố con anh trông chờ cả vào số tiền trợ cấp hơn 500.000 đồng.
“Chân tay tôi chẳng làm được gì nên hai bố con cố gắng sinh hoạt qua ngày bằng số tiền đó. Việc từ thiện đến tận tay người dân khó khăn như chúng tôi ngày hôm nay rất ý nghĩa, thiết thực và kịp thời. Trong thời gian tới tôi rất muốn được giúp đỡ có 1 nghề hay được cho vay tiền mở 1 quán bán những gì phù hợp với điều kiện mà mình có thể làm được. Xã hội và mọi người vẫn còn quan tâm đến những người tàn tật, khó khăn như chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy được an ủi phần nào và có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống hơn”, anh Bộ chia sẻ.
Một số hình ảnh tại điểm phát gạo tại sân trụ sở UBND phường Kỳ Sơn (TP Hoà bình, tỉnh Hòa Bình):
Người dân được yêu cầu rửa tay khử khuẩn, kiểm tra thân nhiệt trước khi vào nhận gạo. |
Tất cả người đến nhận gạo đều được kiểm tra nhân thân và khai báo y tế. |
Đoàn thanh niên hỗ trợ công tác phát gạo. |
Những người vào nhận gạo đều xếp hàng theo lối đi riêng, giữ gìn khoảng cách phòng tránh dịch bệnh. |
Mỗi 1 lần người dân lấy được 3kg gạo. |
Từ khóa: ATM gạo, mảnh đời bất hạnh, phát gạo miễn phí, dịch Covid-19, nCoV
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN