ASEAN trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump

Cập nhật: 1 giờ trước

VOV.VN - Đông Nam Á đang chào đón sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump với sự pha trộn giữa kỳ vọng và lo ngại đan xen.

Lãnh đạo nhiều nước khu vực đã lên tiếng chúc mừng Tân Tổng thống Mỹ, trong khi các chuyên gia cũng đưa ra các nhận định trong mối quan hệ giữa Mỹ với khu vực vốn được đánh giá là trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương của Mỹ. 

Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto hôm 21/1 đã gửi lời chúc mừng tới Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua mạng xã hội X, với khẳng định Indonesia cam kết hợp tác chặt chẽ với Mỹ và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược lâu dài vì lợi ích chung của cả hai nước. Tổng thống Philippines Ferdinand R. Marcos Jr. cũng gửi lời chúc mừng tới Tổng thống Donald Trump, nhấn mạnh sức mạnh của liên minh Philippines-Mỹ và vai trò của liên minh này trong an ninh khu vực. 

Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Anwar Ibrahim bày tỏ hy vọng về mối quan hệ song phương chặt chẽ hơn với Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Trong một tuyên bố được chia sẻ trên tài khoản Instagram và Facebook chính thức của mình, Thủ tướng Anwar cho biết với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2025, ông nồng nhiệt chào đón Tổng thống Trump đến Malaysia, một cơ hội để tái khẳng định cam kết của Mỹ với khu vực

ASEAN đóng vai trò trung tâm trong chiến lược của Washington tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với 10 thành viên, đại diện cho hơn 680 triệu người và tạo thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.  Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể vào Đông Nam Á, đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và sử dụng sức mạnh kinh tế để xây dựng quan hệ đối tác khu vực.

Trong những tuần gần đây, ông Donald Trump đã liên tiếp đưa ra những phát biểu về chính sách đối ngoại, nhưng vẫn chưa đề cập đến Đông Nam Á.  Ông Muhammad Waffaa Kharisma- chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Jakarta lập luận rằng một số quốc gia thành viên ASEAN có ý nghĩa với Mỹ, nhưng ASEAN với tư cách là một thể chế vẫn là câu hỏi để ngỏ, đặc biệt trong bối cảnh sự nhiệt tình đối với các tổ chức đa phương đã suy giảm. Điều đó được thể hiện khá rõ trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump và nhiều khả năng trong nhiệm kỳ thứ 2, vị thế của Mỹ cũng có thể suy giảm tại một trong những khu vực năng động và quan trọng nhất về mặt địa chính trị thế giới.

Tuy nhiên trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện tuần trước dành cho Thượng nghị sĩ Marco Rubio- người được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Mỹ đã có những bình luận rất sâu sắc trong quan hệ giữa Mỹ và ASEAN, khẳng định nhu cầu linh hoạt trong việc hợp tác với các quốc gia trong khu vực.  Ông Rubio nhấn mạnh cách tiếp cận "thực dụng" và "thực tế" của Mỹ đối với ASEAN để củng cố mối quan hệ với khối . Theo nhiều cách, ông Rubio đã làm rõ chiến lược ASEAN của Tổng thống Trump, cho rằng Mỹ nên tránh gây sức ép buộc ASEAN phải chọn bên trong cạnh tranh cường quốc, điều này sẽ làm mất ổn định khu vực và làm xói mòn lòng tin.

Ông Rubio cũng nhấn mạnh ưu tiên hợp tác kinh tế là nền tảng của quan hệ Mỹ-ASEAN, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các thách thức khu vực như các mối đe dọa an ninh, biến đổi khí hậu, các vấn đề nhân quyền và khủng hoảng y tế cộng đồng.  Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là nhà đầu tư lớn nhất của khối. ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Mỹ năm 2023, với thương mại hai chiều đạt 395,9 tỷ USD, tăng gấp đôi so với mức 205,3 tỷ USD năm 2013. Việc ​​ra mắt Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 dự kiến vào tháng 5 tới, ASEAN đang nhanh chóng trở thành một thực thể kinh tế tích hợp hơn, có khả năng trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới trong 5 năm tới.

Hơn nữa, ASEAN đang hoàn tất các cuộc đàm phán về Thỏa thuận khung kinh tế số, có thể nâng cao lợi ích kinh tế trong khu vực lên tới 2.000 tỷ USD vào năm 2030. Theo Ngoại trưởng Mỹ Rubio, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump đã có sự chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia khác và một số nước ASEAN đã được hưởng lợi từ điều đó. Hiện có một số nước khu vực lo ngại về các chính sách kinh tế hoặc chính sách khác mới của Mỹ, nhưng điều đó cũng có thể mang lại cơ hội phát triển kinh tế thực sự cho một số quốc gia trong ASEAN.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Langkawi cuối tuần qua, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Mohamad Hasan nhấn mạnh, ASEAN  "đã trở thành nơi cạnh tranh tập trung của các siêu cường" vì "tiềm năng to lớn, vị trí địa chiến lược cao và sức nặng kinh tế tập thể". ASEAN sẽ tự vạch ra con đường riêng của mình và hy vọng các nhà lãnh đạo mới của các quốc gia đối tác đối thoại khu vực, bao gồm Mỹ, chú ý đến vai trò quan trọng của khu vực và hợp tác với khu vực một cách ngoại giao và cởi mở.

Hiện các nước thành viên ASEAN cũng lo lắng về tương lai của Khung kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) và liệu ông Trump có rút khỏi sáng kiến ​​thương mại mới này hay không. IPEF có 14 thành viên, một nửa trong số đó là các quốc gia ASEAN. Ngoài ra, việc ông Trump gần như vắng mặt hoàn toàn tại các hội nghị thượng đỉnh liên quan đến ASEAN trong nhiệm kỳ đầu tiên đã làm dấy lên nghi ngờ về cam kết của Mỹ đối với khu vực. Sự hiện diện hay vắng mặt của nhà lãnh đạo Mỹ tại các hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 47 sắp tới vào đầu tháng 10,  đặc biệt là tại hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ và Hội nghị cấp cao Đông Á. Đây có thể là phép thử cam kết của Tổng thống Donald Trump với khu vực trong nhiệm kỳ của mình.

Từ khóa: Mỹ, ASEAN, chính sách đối ngoại, Trump, Đông Nam Á

Thể loại: Thế giới

Tác giả: phạm hà/vov-jakarta

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập